Thứ Bảy, 28/9/2024
Chính sách
Thứ Ba, 14/10/2008 14:0'(GMT+7)

Tăng lương tối thiểu tại các doanh nghiệp từ 1/1/2009

Từ trái sang phải: các ông Phùng Quốc Huy, Phạm Minh Huân, Mai Đức Chính

Từ trái sang phải: các ông Phùng Quốc Huy, Phạm Minh Huân, Mai Đức Chính

Chiều 13/10, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức Họp báo giới thiệu nội dung 02 Nghị định của Chính phủ (ban hành ngày 10/10/2008) quy định mức lương tối thiểu (LTT) vùng áp dụng đối với các loại hình doanh nghiệp (DN) từ 1/1/2009. Ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ Lao động Tiền lương, Bộ Lao động TBXH, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động Việt Nam, ông Phùng Quốc Huy, Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đồng chủ trì cuộc họp báo.

Nghị định số 110/2008/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động và Nghị định số 111/2008/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với lao động Việt Nam làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam.

Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu (LTT) tính theo từng vùng như sau:

Vùng I: LTT của lao động DN trong nước là 800.000 đồng; DN FDI- 1.200.000 đồng;

Vùng II: LTT của lao động DN trong nước là 740.000 đồng; DN FDI- 1.080.000 đồng;

Vùng III: LTT của lao động DN trong nước là 690.000 đồng; DN FDI- 950.000 đồng;

Vùng IV: LTT của lao động DN trong nước là 650.000 đồng; DN FDI- 920.000 đồng

Các Nghị định này được đưa ra căn cứ theo lộ trình của Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2008-2012. Theo đó, từ năm 2008-2012 mức lương tối thiểu sẽ được điều chính hàng năm, tiến tới thống nhất mức lương tối thiểu giữa các loại hình doanh nghiệp vào năm 2012.

So với việc điều chỉnh mức lương tối thiểu trong doanh nghiệp năm trước (áp dụng cho năm 2008), việc điều chỉnh này có điểm mới là: mức lương tối thiểu được quy định theo 4 vùng (thay vì 3 vùng như trước đây). Việc phân chia này căn cứ theo giá cả sinh hoạt, mặt bằng tiền công, khả năng chi trả của doanh nghiệp từng vùng, thị trường lao động…

Đây là mức lương tối thiểu vùng dùng để trả công đói với người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường ở các doanh nghiệp; Tính các mức lương trong thang lương, bảng lương, các loại phụ cấp lương, tính các mức lương ghi trong hợp đồng và thực hiện các chế độ khác do doanh nghiệp xây dựng và ban hành theo thẩm quyền do pháp luật lao động quy định. Đối với người lao động đã qua học nghề thì DN phải trả cao hơn ít nhất là 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

Các Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2009. Bãi bỏ Nghị định số 168/2007/NĐ-CP ngày 16/11/2007 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với lao động Việt Nam làm việc cho doanh nghịêp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam./.

(VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất