Thứ Ba, 5/11/2024
Xã hội
Thứ Tư, 16/3/2016 20:49'(GMT+7)

Tăng phí cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Quốc lộ 5: Nhà đầu tư nói gì?

Đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng là động lực phát triển chính cho khu vực Đồng bằng sông Hồng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng là động lực phát triển chính cho khu vực Đồng bằng sông Hồng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Lý giải cho việc ​này, ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI - nhà đầu tư đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng) cho biết, nếu không tăng phí thì phương án tài chính của công ty sẽ bị ảnh hưởng.

​Theo ông, nhà đầu tư phải vay với lãi suất ​thương mại cao, dư nợ ngân hàng có thể gấp 4-5 lần tổng mức đầu tư bỏ ra làm đường. Và, nếu không kiểm soát được phương án tài chính thì ​dễ ​dẫn đến phá sản và ​ngân ​hàng ​cũng không thể thu hồi vốn cho vay.

Do đó, sáng 16/3, VIDIFI đã công bố mức phí mới áp dụng từ ngày 1/4 đối với tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Quốc lộ 5.

Theo đó, trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, chặng Hà Nội đến cuối tuyến là cảng Đình Vũ có mức phí thấp nhất là 210.000 đồng, cao nhất là 840.000 đồng/lượt.

Đối với mức phí 2 trạm BOT trên Quốc lộ 5, mức thấp nhất với xe dưới 12 chỗ là 45.000 đồng/lượt (hiện nay là 30.000 đồng/lượt); cao nhất là xe tải trên 18 tấn, xe container có vé lượt 200.000 đồng/lượt (hiện nay là 160.000 đồng/lượt).

Theo ông Chiến, hiện nay, lượng xe lưu thông của tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng mỗi ngày có khoảng 17.000-18.000 lượt xe, mức phí bình quân 1,7-1,8 tỷ đồng; Quốc lộ 5 thì khoảng 11.000 lượt xe, tiền phí thu về khoảng 1 tỷ đồng. Tổng mức thu phí của cả 2 tuyến đường do VIDIFI quản lý là 2,8 tỷ đồng/ngày.

 
Biểu mức thu phí đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

​Lãnh đạo của VIDIFI cũng cho hay, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được xây dựng với tổng mức đầu tư 45.000 tỷ đồng, suất đầu tư 10,8 triệu USD/km 4 làn xe​, phần lớn vay vốn lãi suất thương mại dao động 10,5-11,4% trong thời gian 30 năm. Mức phí thu cao tốc được thu tương đương Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây là 2.000 đồng/km xe tiêu chuẩn. Mức phí này được đưa ra theo lộ trình phù hợp với phương án tài chính xây dựng tuyến đường đã được các Bộ, ngành phê duyệt.

Cam kết lộ trình tăng phí này là đợt tăng phí “nóng” cuối cùng của tuyến đường Quốc lộ 5, vị Chủ tịch Hội đồng quản trị VIDIFI cho hay, ​tuyến đường này đã nhiều lần bị hằn lún, hư hỏng do phương tiện lưu thông quá tải.

Năm 2013, Quốc lộ này đã được sửa chữa với 800 tỷ đồng nhưng năm 2014, Quốc lộ 5 tiếp tục hằn lún và Bộ Giao thông Vận tải đã ‘rót thêm’ 100 tỷ đồng (VIDIFI bỏ 60 tỷ đồng) sửa chữa. Tuy nhiên, đây chỉ là sửa kiểu chắp vá, nếu sửa chữa ổn định thì ngốn vài ngàn tỷ nên không có khả năng.

"Năm 2016, theo dự kiến, Quốc lộ 5 ​được bổ sung khoảng 300 tỷ đồng sửa chữa nhưng cần phải khảo sát thực tế các vị trí ​để sửa đoạn nào chắc đoạn đó, không thể sửa hết cùng lúc. Trong khi, một năm Tổng cục Đường bộ chỉ bố trí được 20 tỷ đồng từ nguồn vốn của Quỹ bảo trì đường bộ để bảo dưỡng, sửa chữa nhưng thực sự số tiền này là chưa đủ để duy tu nạo vét rãnh nước, cắt cỏ, thu gom rác hai bên đường,” lãnh đạo VIDIFI đưa ra con số so sánh.

Lý giải thêm, ông Chiến cho biết, đợt gần nhất, Quốc lộ 5 tăng phí vào ngày 1/12/2015 là do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng​. Theo quy định Thông tư 159 là 3 năm tăng 18%, còn tính theo VIDIFI thì mỗi năm chỉ tăng 6%. Do đó, Quốc lộ 5 thực hiện tăng phí theo đúng quy định.

Thừa nhận hiện nay, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng chưa thu hút được xe container (mỗi ngày có 200 xe, chỉ chiếm 10% trong khi xe container chạy Quốc lộ 5 lên tới 2.000 lượt), ông Chiến chỉ ra nguyên nhân là do mức phí của cao tốc cao gấp đôi xe chạy trên Quốc lộ 5.

“Quốc lộ 5 thu phí xe chạy bằng vé tháng, quý nên chỉ tính một lượt đồng thời chủ phương tiện được giảm 10% nên tạo điều kiện cho nhà xe giảm giá thành vận tải khi chạy trên đường 5. Hơn nữa, xe quá tải trọng không được lưu thông trên đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng vì có cân ngay đầu trạm thu phí, nếu cho xe chạy vào sẽ phá đường với cấp số nhân. Ngoài ra, tất cả các khu công nghiệp và đô thị bám Quốc lộ 5 trong khi đường cao tốc phải 5 năm nữa thì các khu công nghiệp mới hình thành trên tuyến đường này. Chỉ có xe chạy xuyên suốt hành trình Hà Nội-Hải Phòng mới sử dụng đường cao tốc,” lãnh đạo VIDIFI nói rõ.

Đề cập về việc tăng phí sẽ làm gia tăng xe tải trốn trạm thu phí, ông Chiến nhìn nhận, lái xe tránh trạm phí thì càng lãi do chủ xe khoán xe chạy. Để xử lý việc này, các đường tỉnh lộ địa phương sẽ hạn chế tải trọng xe theo thiết kế cấp cầu, đường (trừ Quốc lộ 391).

Trả lời về việc chống xe quá tải trên Quốc lộ 5, ông Chiến đánh giá, tuyến đường này chỉ kiểm soát được mức độ xe quá tải​ chứ không thể tuyệt đối. Bởi lẽ, mặt đường chật hẹp nên muốn cân xe phải lựa chọn vị trí phù hợp ​cũng như sự phối hợp đồng bộ ​của các cơ quan.

“Tuy nhiên, nếu sửa đường mà cứ để xe quá tải đi vào thì lấy tiền đâu mà sửa? ​Do đó, phải chống loại xe này bằng cách thành lập các trạm cân lưu động, cân cố định và phối hợp với cảng Đình Vũ bằng cách cân xe ngay tại cảng, kho bãi...,” ông Chiến kiến nghị./.

Đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có 6 làn xe, tốc độ tối đa 120km/giờ, tối thiểu 60km/giờ, được đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam hiện nay.

Tuyến đường đi qua 4 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng với chiều dài 105km, tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD).
Theo VietNam+
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất