Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống điện quốc gia có 81 nhà máy thủy điện đang vận hành (chỉ tính các nhà máy có công suất đặt trên 30 MW) với tổng công suất khoảng 15.570 MW, chiếm 40,4% công suất đặt toàn hệ thống.
Trong số này, chỉ có 38 hồ có khả năng điều tiết nước phục vụ phát điện, tưới tiêu và cấp nước hạ du trong cả mùa khô với tổng dung tích hữu ích là 33,01 tỷ m3.
Tính đến ngày 11/3, lượng nước còn lại trong các hồ chứa thủy điện khá thấp, tổng lượng nước còn lại là 23,4 tỷ m3, tương ứng 69,1% tổng dung tích hữu ích của các hồ.
Lượng nước của các hồ khu vực miền Trung và miền Nam thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Cụ thể so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều hồ có mức nước thấp hơn như: Hàm Thuận thấp hơn 3,11m; Hủa Na 3,29m; Vĩnh Sơn 3,31m, A Vương 3,43m; Bình Điền 3,75m; Trị An 4,22; Đại Ninh 4,24m; Pleikrong 4,65m; Đồng Nai 3 là 6,15m.... Đặc biệt, mức nước hồ Ialy thấp hơn tới 12,6m, hồ Cửa Đạt là 14,6m.
Trong điều kiện khô hạn nghiêm trọng như hiện nay, các nhà máy thủy điện trên khu vực miền Trung và miền Nam đang được vận hành chủ yếu theo yêu cầu cấp nước cho hạ du.
Theo EVN, trong năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên tình hình thủy văn của các hồ chứa thủy điện trên toàn hệ thống gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các hồ thủy điện trên địa bàn từ Thanh Hóa trở vào. Hầu hết các hồ khu vực này không xuất hiện lũ và tổng lượng nước về thiếu hụt khoảng từ 40-60% so với trung bình nhiều năm.
Nhận biết được tình hình khó khăn về nguồn nước, EVN đã huy động cao các nguồn nhiệt điện than, tuabin khí, kể cả nguồn chạy dầu, hạn chế huy động các nhà máy thủy điện để tích nước sớm.
Tuy nhiên đến ngày 31/12/2015, nhiều hồ vẫn không thể tích lên mực nước dâng bình thường. Tổng lượng nước tích được trong các hồ chứa trên toàn hệ thống chỉ đạt 27,37 tỷ m3, tương đương 83% dung tích hữu ích các hồ./.
Theo TTXVN