Chủ Nhật, 24/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Năm, 8/3/2018 14:35'(GMT+7)

Tăng quyền năng cho phụ nữ nông thôn vì mục tiêu phát triển bền vững

Tọa đàm có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đại diện hơn 20 tỉnh, thành phố, các tổ chức chính trị xã hội và các cơ quan của Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định, Việt Nam đã và đang có những hành động tích cực và tiên quyết trong việc triển khai chính sách luật pháp về bình đẳng giới và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó chú trọng tới khu vực nông thôn. Hành lang pháp lý đang ngày càng được hoàn thiện nhằm nâng cao quyền năng của phụ nữ nông thôn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nổi bật là Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thoát nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, nói không với bạo lực, không xâm hại và không để phụ nữ lùi lại phía sau.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: Tọa đàm này là cơ hội đề cao vai trò, đóng góp của phụ nữ, trẻ em gái khu vực nông thôn, nhìn lại những thành tựu, thách thức về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và xác định phương hướng, giải pháp cho việc nâng cao quyền năng của phụ nữ, trẻ em gái nông thôn trong thời gian tới.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, Chương trình nghị sự về các mục tiêu phát triển bền vững nhằm xây dựng một tương lai mà không ai bị bỏ lại phía sau. Chỉ có thể thay đổi cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái nông thôn nếu như xóa bỏ những rào cản về mặt cấu trúc, phân biệt đối xử trong luật pháp, thực tiễn để đảm bảo các cơ hội, kết quả bình đẳng cho phụ nữ.

Chia sẻ thực trạng về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng, thực thi các văn bản pháp luật, chính sách của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, bà Phạm Thùy Trang, Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, về công tác tổ chức triển khai thực hiện, Bộ đã ban hành Kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 và tổ chức triển khai thực hiện. Đối với công tác lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ đã giới thiệu, quán triệt nội dung Luật Bình đẳng giới, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổ chức các khóa tập huấn kỹ năng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật...

Đề xuất giải pháp tăng cường cơ hội tiếp cận đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn, ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành phối hợp trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 210 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, mô hình đào tạo nghề; thực hiện công tác tuyển sinh, tư vấn học nghề, việc làm đối với người lao động, nhất là lao động nữ nông thôn. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo; đa dạng, linh hoạt các chương trình đào tạo, hình thức đào tạo; gắn chặt chẽ với doanh nghiệp, đào tạo theo yêu cầu, theo đặt hàng của doanh nghiệp…

 

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận thực trạng về đời sống, lao động, việc làm và an sinh xã hội của phụ nữ nông thôn trong bối cảnh Việt Nam, cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và các cam kết quốc tế nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ; đề cao đóng góp của phụ nữ nông thôn vào phát triển xã hội của Việt Nam...

Các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất và khuyến nghị về tăng quyền năng cho phụ nữ nông thôn tại Việt Nam như: thúc đẩy lồng ghép giới vào tất cả quá trình hoạch định, ra quyết định, xây dựng và thực hiện chính sách. Các ban, ngành, địa phương tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ và trẻ em gái ở nông thôn tích cực tham gia vào các quyết định, chính sách và thể chế ảnh hưởng đến cuộc sống của họ; tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường bằng cách hỗ trợ phụ nữ nông thôn tiếp cận với tài chính, năng lượng bền vững, công nghệ thông tin và an sinh xã hội; nâng cao năng lực thu thập, phân tích và phổ biến dữ liệu phân tích theo giới để hỗ trợ các chính sách cho phụ nữ nông thôn, theo dõi quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Trong 30 năm qua, Việt Nam đã đạt được tăng trưởng kinh tế nổi bật với sự đóng góp đáng kể của ngành nông nghiệp. Theo Báo cáo năm 2016 của Tổng cục thống kê, mặc dù nông nghiệp chỉ đóng góp 16,3% GDP của Việt Nam nhưng có đến 41,9% lực lượng lao động tham gia sản xuất nông nghiệp. Lao động nữ của cả nước là 26,2 triệu người, trong đó khoảng 44% đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Ở nông thôn, phụ nữ làm việc trong nông nghiệp là 63,4%, so với 57,5% nam giới. Phụ nữ là lực lượng lao động quan trọng và chủ chốt trong sản xuất nông nghiệp. Phụ nữ nông thôn đã và đang góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của Việt Nam.

TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất