Thứ Sáu, 18/10/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Hai, 14/5/2018 14:55'(GMT+7)

Tăng tuổi nghỉ hưu cần lộ trình phù hợp

 


Ông Bùi Sỹ Lợi: Nâng tuổi nghỉ hưu cần tạo sự đồng thuận trong xã hội.

NDĐT-

Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động trên đây của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết trong giai đoạn hiện nay và sắp tới. Đề án của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất dựa trên yêu cầu sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012 vào năm 2019, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Đề xuất này căn cứ theo thực tiễn và yêu cầu của thị trường lao động, khi nước ta đang trong giai đoạn chuyển từ thời kỳ dân số vàng sang thời kỳ già hóa dân số.

Trước hết là, trong gần 73 năm qua, tuổi nghỉ hưu của lao động Việt Nam không thay đổi, áp dụng với nam ở tuổi 60 và nữ ở tuổi 55. Thời kỳ đầu, sau năm 1945, tuổi thọ bình quân của nước ta chỉ ở mức 45 tuổi. Đến nay, tuổi thọ bình quân của người dân đã đạt 73,4 tuổi vào năm 2016. Con số này cho thấy, chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam tăng rõ nét. Điều kiện lao động thay đổi, đời sống kinh tế - xã hội phát triển, tuổi thọ con người nâng lên. Do đó, nâng tuổi nghỉ hưu với người lao động là cần thiết. Quan trọng là, cơ quan soạn thảo cần tính toán đưa ra lộ trình phù hợp, tham vấn rộng rãi người lao động, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Tuổi thọ người Việt Nam đã cao hơn 73 tuổi, nhưng tuổi sống khỏe bình quân của người Việt Nam chỉ đạt 66 tuổi. Người cao tuổi của Việt Nam hiện nay thường mang trong mình ba căn bệnh tuổi già, phổ biến như tiểu đường, tim mạch, huyết áp.

Tiếp đó, chất lượng nguồn nhân lực của nước ta còn thấp, chủ yếu là lao động phổ thông. Đến nay, hơn 40% là lao động nông nghiệp, lực lượng lao động mới qua đào tạo hơn 56%; trong đó, lao động qua đào tạo trường lớp, có bằng cấp từ ba tháng trở lên mới đạt hơn 20%.

Điểm cuối cùng là, người lao động hiện nay đang làm việc trong điều kiện lao động còn rất khó khăn so với các nước phát triển, mức sinh hoạt và bảo đảm cho cuộc sống của họ còn hạn chế. Chúng ta đang ở trong tình trạng “chưa giàu đã già”. Những yếu tố này quyết định việc nâng tuổi nghỉ hưu khi nào, và áp dụng cho đối tượng nào trước. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII đã bàn về vấn đề cải cách chính sách tiền lương, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), và cũng đề cập đến vấn đề cần phải xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, để làm sao cho người nghỉ hưu sau này có mức lương hưu cao hơn, giúp cải thiện đời sống của họ.

Phóng viên: Tuy nhiên, không ít người lao động trực tiếp đề nghị vẫn giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Nếu thực hiện lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu như đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhưng với những ngành, nghề lao động nặng nhọc, độc hại như dệt may, da giày, khai thác hầm lò, hoặc suy giảm khả năng lao động … dứt khoát vẫn được giảm trừ thời gian đóng BHXH để được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn như quy định hiện hành. Nếu người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động quản lý có thể kéo dài thời gian công tác nhưng tối đa không quá 5 năm theo quy định tại Khoản 3, Điều 187 Bộ luật Lao động năm 2012.

Trong tương lai, chúng ta phải cố gắng tách tuổi nghỉ hưu với tuổi nghề. Chuyện nghỉ hưu ở tuổi 45 tuổi là không được. Lao động đóng BHXH đủ 20 năm, chưa đủ 60 tuổi, chưa suy giảm khả năng lao động 81%, thì phải chờ đến khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Nhà nước.

Phóng viên: Trong thực tế, người lao động thấy phải chờ quá lâu mới được hưởng lương hưu, nên họ chọn nhận trợ cấp BHXH một lần và ra khỏi hệ thống an sinh xã hội. Làm thế nào để giảm tình trạng này, thưa ông?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Quan điểm của tôi là cần xử lý hai vấn đề.

Trước hết, lao động vẫn được hưởng chính sách trợ cấp BHXH một lần, nhưng chỉ được nhận tiền do họ đóng, theo tỷ lệ 8% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Tỷ lệ 14% là do doanh nghiệp đóng cho người lao động để thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, không lý gì người lao động lại được rút. Có lẽ, phải dùng rào cản kỹ thuật đó để hạn chế người nhận trợ cấp BHXH một lần.

Ngoài ra, theo quy định nếu lao động không tiếp tục đóng BHXH nữa, sẽ được bảo lưu, khi có điều kiện, họ lại tiếp tục tham gia, đủ điều kiện để hưởng BHXH. Khi bảo lưu BHXH, nếu không may người lao động qua đời, thân nhân chủ yếu của họ vẫn được hưởng chế độ mai táng phí, trợ cấp một lần và được hưởng tối đa bốn suất tuất thường.

Phóng viên: Dưới góc nhìn của các chuyên gia về giới, đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa bảo đảm cơ sở bình đẳng giới vì tuổi nghỉ hưu của lao động nữ vẫn chưa tăng bằng nam? Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Ông Bùi Quỹ Lợi: Các chuyên gia nói đúng nhưng chưa đủ.

Khoản 3 Điều 187 Bộ luật Lao động hiện hành quy định, người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, người có trình độ quản lý được kéo dài thời gian công tác nhưng tối đa không quá năm năm. Nam không quá 65 và nữ không quá 60.

Điểm bất bình đẳng giới ở chỗ là, cùng một môi trường làm việc như nhau trong khu vực hành chính sự nghiệp, nhưng lao động nam nghỉ hưu sau. Còn lao động nữ, nếu không muốn nghỉ hưu ở tuổi 60 thì có thể về ở tuổi 55. Luật có quy định kéo dài thời gian làm việc, nhưng với điều kiện đơn vị sử dụng phải có nhu cầu, và bản thân người lao động có sức khỏe và muốn làm thêm.

Phóng viên: Nhiều người dân cho rằng, kéo dài tuổi nghỉ hưu chỉ có lợi với cán bộ, công chức khu vực hành chính. Họ dường như đang lấy đi cơ hội việc làm của lao động trẻ. Ông nhận xét ra sao về ý kiến?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Hằng năm, nước ta có khoảng 200 nghìn sinh viên tốt nghiệp ra trường. Đó là đội ngũ trẻ, khỏe, đủ năng lực, và là nguồn nhân lực có chất lượng cao. Nếu áp dụng ngay quy định tăng tuổi nghỉ hưu, rõ ràng có một phần cản trở lực lượng lao động này. Vì vậy, tôi đề xuất lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cần kéo dài, tính toán kỹ.

Trân trọng cảm ơn ông!

NGÂN ANH thực hiện, Ảnh: ĐĂNG KHOA (Theo Nhân dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất