Tính đến cuối tháng 4, Hà Nội có 37.557 đơn vị nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) với 559.629 lao động; số tiền nợ phải tính lãi là gần 2.085 tỷ đồng (tăng 1.105 tỷ đồng so với tháng 12/2018).
Trong đó, nợ dưới 3 tháng là 26.300 đơn vị với số tiền nợ hơn 987 tỷ đồng; nợ từ 3 đến dưới 6 tháng là 7.551 đơn vị với gần 343 tỷ đồng; nợ từ 6 đến dưới 12 tháng là 1.873 đơn vị với hơn 115 tỷ đồng; nợ từ 12 đến dưới 24 tháng là 1.039 đơn vị với hơn 150 tỷ đồng; nợ trên 24 tháng là 794 đơn vị với 489 tỷ đồng.
Cũng tính đến hết tháng 4, số thu BHXH, BHYT, BHTN là gần 12.288 tỷ đồng (tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2018) đạt 28,3% kế hoạch.
Tỉ lệ bao phủ BHYT đạt 86,8% dân số (6.730.951 người, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2018). Số người tham gia BHXH bắt buộc là 1.671.320 người, đạt 85,9%; số người tham gia BHTN là 1.559.867 người, đạt 87,9% và số người tham gia BHXH tự nguyện là 24.873 người, đạt 9,65%.
Tại hội nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với các đơn vị nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn TP. Hà Nội, tổ chức vào ngày 22/5, lãnh đạo BHXH Thành phố cho hay, nguyên nhân số tiền nợ tăng cao là do nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hoạt động cầm chừng. Số tiền nợ ở khối DN ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng lớn. Số DN giải thể, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng, việc xử lý nợ BHXH, BHYT đối với DN giải thể, ngừng hoạt động… chưa có quy định, hướng dẫn giải quyết của pháp luật.
Bên cạnh đó, nhận thức của người sử dụng lao động về BHXH, BHYT, BHTN còn hạn chế, chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng lao động dẫn đến quyền lợi chính đáng của người lao động không bảo đảm. Công tác đôn đốc, thanh kiểm tra các đơn vị, DN nợ BHXH, BHYT, BHTN ở một số nơi chưa sâu sát…
Trước việc Hà Nội là một trong những địa phương có số nợ BHXH, BHYT, BHTN cao nhất cả nước, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị, thời gian tới, các đơn vị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục nâng cao tỷ lệ tham gia BHXH, BHYT bắt buộc; phấn đẩu giảm tỷ lệ nợ đóng BHXH năm 2019 xuống dưới 2%; đẩy nhanh rà soát lại tình hình nợ nhằm tìm ra giải pháp theo đặc thù của từng DN. Tiếp tục công tác tuyên truyền chính sách về BHXH, BHYT, BHTN tại các DN cũng như thông tin về tình trạng nợ đóng bảo hiểm trên các phương tiện truyền thông,…
‘Bêu tên’ 500 đơn vị nợ BHXH từ 6-24 tháng
BHXH TP. Hà Nội vừa công bố danh sách 500 DN nợ đọng BHXH từ 6-24 tháng. Số tiền các loại BHXH mà các đơn vị này nợ tới hết tháng 4 là hơn 264 tỷ đồng, với 13.264 người lao động bị nợ đóng BHXH.
Trong số 500 đơn vị nợ đọng BHXH, có 10 DN nợ từ trên 21,8 tỷ đồng đến trên 3,7 tỷ đồng. So với các lần công bố danh sách nợ BHXH trước, nhiều đơn vị đã khắc phục sớm, giảm bớt nợ. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn chưa cải thiện được xếp hạng của mình trên bảng danh sách nợ BHXH.
Đứng đầu danh sách là Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment, nợ BHXH 18 tháng với số tiền hơn hơn 21,813 tỷ đồng. So với các lần công bố trước đây, công ty này vẫn tiếp tục thuộc top đầu danh sách nợ BHXH với số nợ cao và thời gian nợ dài.
Các DN khác có số nợ lớn tiếp theo là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân nợ gần 12 tỷ đồng BHXH trong 14 tháng; Công ty Thi công cơ giới I, chi nhánh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 với số tiền hơn 9,5 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Xây dựng FLC FAROS nợ BHXH 8 tháng của 739 người lao động, với số tiền hơn 8 tỷ đồng; Công ty cổ phần Sông Đà 6 nợ gần 5,8 tỷ đồng BHXH với thời gian nợ 7 tháng; Công ty cổ phần Tường kính TID nợ 16 tháng BHXH của 205 người lao động, với số tiền gần 5,5 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Xây dựng số 2 nợ gần 4,8 tỷ đồng, thời gian nợ 21 tháng; Công ty cổ phần Lắp máy điện nước và xây dựng, nợ BHXH của 123 người lao động trong18 tháng với số tiền nợ trên 3,76 tỷ đồng…/.
Theo chinhphu.vn