(TG)-Việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) ở nước ta những năm qua ngày càng tốt hơn, chính sách BHXH cho người lao động (NLĐ) đã và đang được hoàn thiện, song vẫn còn nhiều vấn đề các cơ quan, hệ thống chính trị phải vào cuộc, nhất là tình trạng trốn đóng, nợ đọng và gây bức xúc trong dư luận.
Trong những năm qua, cùng với việc tập trung phát triển đối tượng tham gia, qua đó tăng thu vào quỹ BHXH, BHYT, cơ quan BHXH còn thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tỉ lệ nợ đọng BHXH, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
TÌNH TRẠNG NỢ ĐỌNG BHXH VẪN DIỄN RA THƯỜNG XUYÊN
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, hệ thống chính sách BHXH, BHYT ở nước ta đã không ngừng được hoàn thiện. Việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT cũng đã nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở cũng như các tầng lớp nhân dân… Cùng với sự nỗ lực của toàn ngành BHXH, đây chính là những cơ sở, điều kiện quan trọng để việc thực hiện chính sách BHXH đạt được những kết quả tích cực, thể hiện qua số người tham gia BHXH, BHYT ngày càng mở rộng; số người thụ hưởng và số chi trả các chế độ BHXH, BHYT ngày càng tăng… Những kết quả này không chỉ góp phần ổn định cuộc sống người lao động, giảm bớt khó khăn cho người dân không may gặp phải những rủi ro trong cuộc sống mà còn góp phần tích cực vào việc đảm bảo an sinh xã hội, tạo đà phát triển kinh tế- xã hội đất nước theo hướng bền vững.
Theo Báo cáo số 1387 ngày 2/5/2019 của BHXH Việt Nam gửi Bộ LĐ-TB&XH, đến tháng 12/2018, cả nước có 23.784 doanh nghiệp (DN) phá sản, giải thể, có chủ là người nước ngoài bỏ trốn; DN mất tích; DN chờ phá sản, giải thể không còn khả năng giao dịch, với tổng số tiền 2.902.109.496.178 đồng và có 76.253 lao động ảnh hưởng. |
Thực tế cho thấy, không phải tới giai đoạn này mà từ khi quỹ BHXH được hình thành từ năm 1995 trên cơ sở sự đóng góp của NLĐ và chủ sử dụng lao động (SDLĐ) (thay cho hình thức bao cấp như trước kia), tình trạng DN không tham gia cho NLĐ hay dây dưa nợ đọng tiền đóng góp vào quỹ BHXH đã diễn ra. Đặc biệt, trong những giai đoạn nền kinh tế thế giới khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, để bảo vệ lợi nhuận của mình, không ít DN đã cố tình cắt giảm nhiều quyền lợi chính đáng của NLĐ, trong đó có lợi ích về BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, không ít DN có quy mô lớn nhưng do không thích ứng kịp với yêu cầu phát triển của thị trường hoặc sai hướng trong các hoạt động đầu tư… đã gặp khó khăn, thậm chí phá sản, không thực hiện được trách nhiệm đóng góp BHXH cho NLĐ. Ngoài ra, trong một số năm gần đây, NLĐ ở nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn phải đối mặt với tình trạng bị nợ lương, nợ BHXH không thể giải quyết do chủ bỏ trốn, DN đóng cửa…
Với trách nhiệm của cơ quan BHXH, bên cạnh các giải pháp nhằm tập trung khai thác, mở rộng số người tham gia BHXH, BHYT, từ nhiều năm qua ngành BHXH đã luôn xem việc ngăn chặn tình trạng trốn đóng, nợ đọng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Để thực hiện mục tiêu đó, Ngành đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp như giao trách nhiệm cho cán bộ chuyên quản địa bàn, DN; thường xuyên đối chiếu, rà soát nợ và yêu cầu chủ SDLĐ nộp đúng, đủ, kịp thời; tăng cường kiểm tra, phát hiện sai phạm và xử phạt hành chính, tính lãi trên số tiền nợ đọng; phối hợp với ngân hàng trích tài khoản của đơn vị nợ để thanh toán BHXH theo quy định; đã ban hành nhiều quy định, quy trình quản lý thu và xử lý nợ, như Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011, Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017. Đồng thời, quy định về thanh tra và xử lý vi phạm theo chức năng thanh tra chuyên ngành đóng từ năm 2016 đến nay (4/2019) đã tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng được 15.059 đơn vị (năm 2016 thanh tra chuyên ngành đóng tại 1.135 đơn vị; năm 2017 thanh tra tại 4.006 đơn vị, năm 2018 thanh tra tại 8.447 đơn vị và 4 tháng đầu năm 2019 thanh tra tại 1.471 đơn vị); ra 1.501 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt vi phạm hành chính đã thu là 14.580 triệu đồng.
Theo thống kê, nếu như tổng số nợ tính tại thời điểm cuối năm 2015 là 9.920 tỷ đồng, tương đương với 4,88% số phải thu thì đến cuối năm 2016, giảm xuống còn 7.435 tỷ đồng. Đặc biệt, đến cuối năm 2018, với việc ngành BHXH thực hiện đồng bộ các biện pháp quyết liệt, số nợ BHXH đã giảm còn 5.715 tỷ đồng, tương đương 1,7% số phải thu- đạt mức thấp nhất từ trước đến nay- nhưng tình trạng này vẫn còn ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm ngàn NLĐ.
Hàng năm, BHXH Việt Nam báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành đặc biệt báo cáo thẩm tra hằng năm của ủy ban các vấn đề quộc hội tình hình thực hiện quỹ BHXH, BHYT cho thấy, hiện nay số đơn vị nợ BHXH có ở tất cả các tỉnh thành, thuộc tất cả thành phần kinh tế, trong đó tập trung chủ yếu vào DN NQD. Bên cạnh những DN hoạt động sản xuất kinh doanh thực sự gặp khó khăn thì cũng có không ít đơn vị cố tình vi phạm quy định về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ; số lượng đơn vị phá sản, giải thể, mất tích và chủ bỏ trốn chua được giải quyết… Trong khi đó mức xử phạt các hành vi vi phạm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ vi phạm; công tác khởi kiện hay xử lý hình sự các hành vi tội phạm theo quy định của pháp luật hình sự chưa kịp thời xử lý triệt để ...
LINH HOẠT TRIỂN KHAI NHIỀU BIỆN PHÁP CHỐNG NỢ ĐỌNG BHXH
Để tiếp tục giảm số nợ BHXH đếm mức thấp nhất, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tập trung khai thác triệt để dữ liệu từ cơ quan Thuế, hướng dẫn cán bộ khai thác tốt dữ liệu để đưa ra các giải pháp quản lý tối ưu. Hằng tháng phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế rà soát kiểm tra số DN chưa tham gia BHXH trên địa bàn. Trên cơ sở đó, cơ quan BHXH phối hợp với các ban, ngành liên quan tiến hành làm việc, lập biên bản kiểm tra, thanh tra yêu cầu DN tham gia và đóng BHXH, BHYT và BH thất nghiệp đầy đủ cho NLĐ
Cùng với đó, BHXH các địa phương tiến hành xác định nguyên nhân nợ đối với từng đơn vị để có giải pháp phù hợp; yêu cầu cán bộ bám sát, đôn đốc các đơn vị đóng đầy đủ; thực hiện việc thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên; các đợt thanh tra phải có quyết định xử lý và gửi kết quả xử lý đến cơ quan chức năng để điều tra, khởi tố. Giao chỉ tiêu giảm nợ đến từng cán bộ chuyên quản, hàng tháng, quý đánh giá tỷ lệ giảm nợ; hàng quý sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm và chia sẻ kinh nghiệm trong việc giảm nợ.
Đặc biệt, hệ thống phần mềm dữ liệu tập trung của ngành BHXH sẽ tự động cảnh báo các đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng để cơ quan BHXH tiến hành thanh, kiểm tra chuyên ngành nhằm đôn đốc thu hồi nợ. Ngoài ra, cơ quan BHXH còn công khai danh sách các đơn vị nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng, để tạo “sức ép” từ dư luận xã hội; thực hiện tốt việc bàn giao sổ cho NLĐ để họ kịp thời nắm được việc tham gia và tiến độ đóng BHXH, từ đó chủ động đấu tranh với chủ SDLĐ trong trường hợp có vi phạm...
Đối với những trường hợp đơn vị cố tình trốn đóng, nợ đọng, BHXH kiến nghị cơ quan công an điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự vi phạm trong việc đóng phí với cơ quan Công an để xử lý theo trình tự quy định của pháp luật.
Từ thực tiễn tổ chức thực hiện nhiệm vụ, BHXH Việt Nam đã, đang và vẫn tích cực kiến nghị các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý nợ BHXH, BHYT, nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi của NLĐ. Hiện nay, BHXH Việt Nam cũng đang tích cực tham gia ý kiến để Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hoàn thiện Nghị quyết hướng dẫn quy trình khởi kiện đối với đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT cũng như việc xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT theo quy định tại các Ðiều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự./.
Vũ Thu