Chủ Nhật, 24/11/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 11/7/2013 21:3'(GMT+7)

Tạo bước đột phá phát triển du lịch Bắc Trung Bộ

Du lịch vùng chưa hết "ngủ đông"

Cản trở lớn nhất đối với du lịch các tỉnh BTB là hoạt động một mùa, bởi phải "ngủ đông" gần nửa năm. Bên cạnh đó  lại xa các trung tâm du lịch của cả nước cho nên rất khó thu hút được các dự án đầu tư lớn hay đầu tư nước ngoài để tạo ra sản phẩm đặc sắc. Mặt khác, đầu tư cho du lịch ở nhiều địa phương BTB còn tính "du kích, cò con", sản phẩm đơn điệu, khó thu hút được du khách. Ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), trong số 330 cơ sở lưu trú, với 8.600 phòng mới có một phần tư là khách sạn có sao duy chỉ có  resort Vạn Chài đạt tiêu chuẩn ba sao là cao nhất. Trong khi đó khu du lịch Cửa Lò (Nghệ An) sau gần 20 năm trở thành đô thị biển nhưng vẫn nằm trong tình trạng "thừa nhà nghỉ, thiếu khách sạn", bởi trong số gần 250 cơ sở lưu trú, với gần bảy nghìn phòng, nhưng mới chỉ 22 khách sạn có sao (trong đó hai khách sạn 3 và 4 sao...), còn lại là nhà nghỉ quy mô từ 10 đến 20 phòng. Cửa Lò tự hào có tuyến đường Bình Minh (mặt tiền) xanh - sạch - đẹp, nhưng các tuyến đường phía trong thì đang dở dang với các nhà nghỉ vây kín khuôn viên bằng bê-tông. Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò Doãn Tiến Dũng cho biết: Cửa Lò có đảo Ngư với điều kiện tương đồng như đảo Hòn Tre (Nha Trang), song lâu nay, tỉnh Nghệ An trải thảm đỏ thu hút đầu tư một "VinPearl" thứ hai tại đây nhưng vẫn chưa thành. Còn khu du lịch Thiên Cầm (Hà Tĩnh) mới có 14 khách sạn, nhà nghỉ, với 700 phòng nghỉ... Chính vì thế, sức hấp dẫn của du lịch các tỉnh BTB chủ yếu vẫn dựa vào lợi thế tự nhiên sẵn có, sản phẩm và dịch vụ tại các điểm đến được cải thiện nhưng vẫn đơn điệu, chất lượng dịch vụ, nhất là dịch vụ ăn, nghỉ còn thấp. Các khu du lịch thiếu nhiều dịch vụ hỗ trợ như: Dịch vụ vui chơi giải trí, văn hóa, mua sắm... điều đó làm giảm sức hút đối với du khách, nhất là khách quốc tế.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch của các tỉnh BTB còn thiếu về số lượng và yếu cả về chuyên môn. Tại Nghệ An, các trung tâm lữ hành, các khách sạn luôn trong tình trạng "khát" nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Trình độ của các hướng dẫn viên ở Nghệ An mới 60% có trình độ đại học và thiếu hướng dẫn viên thông thạo ngoại ngữ. Nhân viên hướng dẫn có tay nghề cao ở Nghệ An thường bị các trung tâm lớn "hút" mất. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến Nghệ An không khai thác được nhiều khách nước ngoài... Các khách sạn nhỏ, nhà nghỉ, đội ngũ phục vụ không đúng chuyên môn, thiếu tính chuyên nghiệp, phần nhiều là lao động phổ thông, thời vụ. Trong lúc đó, trên địa bàn có đến bảy trường chuyên đào tạo nhân lực cho ngành du lịch với quy mô hai nghìn người/năm. Nhưng nội dung đào tạo chủ yếu là lý thuyết do các cơ sở này thiếu "khách sạn thực hành", nhất là các phòng VIP. Kỹ năng thực hành yếu, dẫn đến thiếu kỹ năng cần thiết để tiếp cận ngay vị trí công việc được giao... Tỷ lệ tốt nghiệp tìm được việc làm ổn định rất thấp. Một sinh viên đang học năm cuối ngành du lịch tại một trường đại học ở Nghệ An, hiện đang thực tập tại Khách sạn Sài Gòn - Kim Liên cho biết: "Em đang học chuyên ngành khách sạn nhà hàng, trong thời gian học tại trường, sinh viên cũng đã được đi thực tập một số nơi nhưng cũng chỉ là "đi cho biết". Mặc dù  sắp ra trường, nhưng khi tới thực tập tại đây, em thật sự lúng túng vì thực tế khác xa so với việc học. Ở trường, chúng em được đào tạo "đa năng" phục vụ từ buồng, đến bàn, bar, bếp... nhưng thực tế ở khách sạn chỉ cần mình chuyên một nghề và chúng em không đáp ứng được". Theo Trưởng bộ phận Lễ tân Khách sạn Sài Gòn - Kim Liên Hoàng Thị Hòa, để đáp ứng theo tiêu chuẩn của khách sạn, hầu hết các vị trí như bếp trưởng, bàn, buồng, lễ tân tại đây đều phải gửi đi đào tạo tại Trường Du lịch Sài Gòn Tourist; ngoài ra, hằng năm còn gửi đi đào tạo lại nhiều đợt tại các cơ sở đào tạo uy tín trong nước... Ðiều này đang gây lãng phí cho cả doanh nghiệp, người học và cơ sở đào tạo. Chưa kể đến việc chèo kéo "mồi chài" không lành mạnh những cán bộ, nhân viên có năng lực của các khách sạn mới đưa vào hoạt động.  

Ngoài ra, một bộ phận cán bộ lãnh đạo các cấp, ngành và nhân dân chưa nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của phát triển du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội. Công tác quản lý nhà nước có mặt còn bất cập, chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu; đội ngũ cán bộ, công chức quản lý các cấp còn mỏng; mối quan hệ phối hợp giữa các ngành, địa phương trong quản lý du lịch chưa đồng bộ... Về vấn đề này, một lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa thừa nhận: Ðến thời điểm này, một số khu du lịch, di tích trọng điểm của tỉnh đang trong giai đoạn xây dựng, bổ sung quy hoạch tổng thể, chi tiết. Riêng thị xã Sầm Sơn, quy hoạch phát triển du lịch có sau thời điểm hình thành thị xã cho nên phải chấp nhận sự đã rồi... 

Cùng với việc thu hút đầu tư có phần nóng vội, chưa chọn được nhà đầu tư đủ năng lực nên vô tình phá vỡ quy hoạch một số khu chức năng. Việc quản lý quy hoạch ở một số khu, điểm du lịch còn bị buông lỏng, vẫn còn tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư không đúng theo quy hoạch đã duyệt làm phá vỡ cảnh quan như lợi dụng sự thông thoáng trong thu hút đầu tư của địa phương đã "xí" các lô đất "vàng", nhưng sau nhiều năm vẫn "án binh bất động", hay chờ chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sở dụng, gây bức xúc trong dư luận; thậm chí dự án đầu tư du lịch Hồng Thái Sít (Cửa Lò) đổ bể do đầu tư chụp giật đã gây hệ lụy xấu cho địa phương. Việc quản lý giá cả, phí (tham quan, đò, trông xe và giá dịch vụ) ở một số khu, điểm du lịch ở Thanh Hóa... còn buông lỏng, để cho một số doanh nghiệp quản lý, khai thác du lịch in ấn, phát hành vé không theo quy định của Nhà nước, gây bức xúc cho du khách, nhất là tình trạng "chặt, chém" du khách ở Sầm Son, mà nguyên nhân một phần do giá thuê các ki-ốt ven biển quá cao...

Thu hút đầu tư đã khó, nhưng điều đáng nói hơn theo phản ánh của một số nhà đầu tư, về phía lãnh đạo các tỉnh thì khá thông thoáng, tạo mọi điều kiện thuận lợi, song khi xuống đến các sở, ban, ngành, chính quyền cấp dưới thì gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng..., làm nản lòng nhiều nhà đầu tư.

Thời gian qua, các tỉnh BTB đều ra nghị quyết, kế hoạch phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn... Nhưng việc đầu tư cho du lịch nói chung và quảng bá thương hiệu du lịch nói riêng còn khiêm tốn. Phát triển thị trường và quảng bá, xúc tiến du lịch chưa chuyên nghiệp và thực hiện xã hội hóa chưa nhiều. Hoạt động quảng bá, xúc tiến chủ yếu vẫn thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước ít ỏi; hoạt động quảng bá, xúc tiến tại nước ngoài chưa được thường xuyên... Hiệu quả ngành du lịch đem lại chưa tương xứng với tiềm năng...

Ðánh thức tiềm năng

Nói về giải pháp đưa ngành du lịch phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Ðường cùng lãnh đạo và chuyên gia ngành du lịch của một số tỉnh BTB đưa ra một số giải pháp phát triển du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò khai, mở, thúc đẩy ngành kinh tế khác cùng phát triển. Trong đó nhấn mạnh đến chuyển hướng mạnh sang phát triển về chiều sâu, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở khai thác những thế mạnh nổi bật về tài nguyên để xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, chất lượng cao, với phương châm lấy giá trị văn hóa để tạo nên sự khác biệt, lấy môi trường sinh thái để phát triển bền vững, như với Nghệ An là: Khai thác có hiệu quả quần thể Khu di tích Kim Liên gắn với hệ thống các di tích trên địa bàn Nam Ðàn trở thành khu du lịch quốc gia, tạo điểm nhấn đặc biệt cho thương hiệu du lịch Nghệ An; phát triển bền vững sản phẩm nghỉ dưỡng biển ở thị xã Cửa Lò có môi trường trong sạch, dịch vụ đa dạng, hấp dẫn... Ðối với các tỉnh còn lại là tập trung gây dựng thương hiệu: di sản Thành Nhà Hồ, Lam Kinh... (Thanh Hóa); Thiên Cầm, Khu lưu niệm Ðại thi hào Nguyễn Du, Ngã ba Ðồng Lộc... (Hà Tĩnh) cùng với việc tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng tại các bãi biển, các khu du lịch, khu rừng nguyên sinh..., đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tránh sự trùng lặp sản phẩm du lịch giữa các tỉnh nhanh chóng kết nối khai thông các tuyến du lịch đường biển, đường không... nối tuyến với các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Nha Trang... cũng như các nước bạn Lào, Thái-lan, Trung Quốc,... Triển khai kết nối các trọng điểm du lịch của các tỉnh trong và ngoài vùng để hình thành các tua, tuyến du lịch đường bộ; mở rộng liên kết với các địa phương, khu vực có điều kiện tương đồng, lợi thế, hợp lưu với điểm đến các vùng trọng điểm du lịch quốc gia, quốc tế. Mặt khác, tập trung xây dựng môi trường an toàn, văn minh, thân thiện trên cơ sở làm tốt hơn nữa công tác bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, môi trường sinh thái, an toàn vệ sinh thực phẩm, chấn chỉnh hiện tượng "chặt, chém" tại các điểm đến và cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài là yêu cầu cấp bách, trước hết tập trung nâng cấp các cơ sở đào tạo hiện có cùng với việc liên kết, đào tạo theo địa chỉ, đặt hàng; tiếp tục có chính sách đào tạo, đào tạo lại số nhân viên làm nghề du lịch hiện nay cùng với chính sách thu hút nguồn nhân lực có chất lượng... phù hợp với nhu cầu phát triển của từng địa phương. Trong đó, tập trung bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, cộng đồng dân cư ở các khu du lịch, di tích trọng điểm; điều hành khách sạn, lữ hành; đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, ngoại ngữ cho hướng dẫn viên, thuyết minh viên, kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ buồng, bàn, lễ tân... Tiếp tục nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, trong đó tập trung xây dựng thương hiệu điểm đến cũng như thương hiệu doanh nghiệp du lịch các tỉnh nhằm tạo dựng hình ảnh đối với bạn bè và du khách.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy hoạch hay thu hồi giấy phép đối với các nhà đầu tư "án binh bất động", "xí phần" chờ sang nhượng dự án. Tập trung xây dựng cơ chế huy động các nguồn lực để đầu tư vào các công trình du lịch trọng điểm cùng chính sách khuyến khích phát triển các loại hình du lịch đặc thù, du lịch cộng đồng, làng nghề... Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các ngành thông qua vai trò hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi thực hiện dự án.

Ðể tránh tình trạng "ngủ đông" ở các khu du lịch, nhất là ở các khu du lịch biển, các địa phương cần tiến hành quy hoạch, đầu tư các trung tâm hội nghị, các trường đại học, cao đẳng, các trung tâm y tế, điều dưỡng chất lượng cao...; nhằm khai thác loại hình du lịch tổ chức sự kiện, hội nghị, triển lãm (du lịch MICE). Các khách sạn ở đô thị biển cần có chính sách phối hợp với các khách sạn ở trung tâm, doanh nghiệp lớn (trong và ngoài tỉnh) tổ chức cho công nhân "nghỉ đông", tổ chức hội họp, cưới hỏi để tận dụng cơ sở hạ tầng và nhân lực của các khu du lịch.../.

Theo: Nhân dân


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất