Theo Quyết định, mục tiêu
tổng quát là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả thông
tin, tuyên truyền tại các tỉnh địa bàn biên giới đất liền; góp phần xây
dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh toàn dân, nền biên phòng toàn
dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, giữ vững
trận địa tư tưởng của Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, bảo
đảm ổn định quốc phòng, an ninh, xây dựng các tuyến biên giới hòa bình,
hữu nghị, phát triển, tạo tiền đề, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế -
xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình
hình mới.
Mục tiêu cụ thể, giai đoạn 1 (từ năm 2025 đến năm 2027): Hỗ trợ biên
soạn, xuất bản tài liệu thông tin, tuyên truyền bảo đảm cho các tổ đội
công tác của các đồn biên phòng, công an cấp xã, các đơn vị quân đội
đóng quân, làm nhiệm vụ ở các xã, huyện biên giới; bảo đảm cung cấp tài
liệu cho ít nhất 40% lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên, ưu tiên
lực lượng ở các xã, huyện biên giới, các xã trọng điểm về quốc phòng, an
ninh.
Hỗ trợ tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng thông
tin, tuyên truyền cho ít nhất 40% lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền
viên; ưu tiên các tổ, đội công tác của các đơn vị quân đội, công an, báo
cáo viên, tuyên truyền viên các xã, huyện biên giới, các xã trọng điểm
về quốc phòng, an ninh.
Giai đoạn 2 (từ năm 2028 đến năm 2030): Tiếp tục hỗ trợ biên soạn,
xuất bản tài liệu thông tin, tuyên truyền bảo đảm đầy đủ cho các tổ đội
công tác của các đồn biên phòng, công an cấp xã, các đơn vị quân đội
đóng quân, làm nhiệm vụ ở các xã, huyện biên giới; bảo đảm tăng thêm 50%
lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên, ưu tiên lực lượng ở các xã,
huyện biên giới, các xã trọng điểm về quốc phòng, an ninh.
Tiếp tục hỗ trợ tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ
năng thông tin, tuyên truyền, bảo đảm tăng thêm 50% lực lượng báo cáo
viên, tuyên truyền viên; ưu tiên các tổ, đội công tác của các đơn vị
quân đội, công an và lực lượng ở các xã, huyện biên giới, các xã trọng
điểm về quốc phòng, an ninh.
TRIỂN KHAI ÁP DỤNG TẠI 25 TỈNH CÓ BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN
Quyết định nêu rõ, đối tượng thực hiện gồm: Các cơ quan, đơn vị quân
đội, công an và các tổ chức, cá nhân có liên quan; nòng cốt là cơ quan,
đơn vị, cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an đóng quân, làm nhiệm vụ tại
các tỉnh địa bàn biên giới đất liền.
Đối tượng thụ hưởng gồm: Cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị lực
lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân thuộc các tỉnh địa bàn biên giới
đất liền.
Phạm vi về không gian: Triển khai áp dụng tại 25 tỉnh có biên giới đất
liền. Về thời gian: Triển khai từ năm 2025 đến hết năm 2030; chia thành
02 giai đoạn (giai đoạn 1: Từ 2025 - 2027; giai đoạn 2: Từ 2028 - 2030).
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Quyết
định cũng nêu rõ 8 nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu gồm:
1) Nâng cao
nhận thức, trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thông tin, tuyên
truyền của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội; cấp
ủy, người chỉ huy các đơn vị quân đội, công an.
2) Tổ chức khảo sát nắm bắt
tình hình, thực trạng, nhu cầu đối tượng thụ hưởng để hỗ trợ thông tin,
tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả Cơ quan chủ trì: Ủy ban
nhân dân các tỉnh địa bàn biên giới đất liền: Các cơ quan, tổ chức liên
quan.
3) Tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả các hình thức, mô hình hoạt
động thông tin, tuyên truyền đã và đang được triển khai tại các tỉnh địa
bàn biên giới đất liền, trọng tâm là hoạt động tuyên truyền của các đơn
vị quân đội, công an.
4) Nâng cao năng lực cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị
quân đội, công an, lực lượng trực tiếp thông tin, tuyên truyền tại các
tỉnh địa bàn biên giới đất liền.
5) Phát huy vai trò, trách nhiệm, nâng cao
năng lực của các cơ quan báo chí, xuất bản trong thông tin, tuyên
truyền ở các tỉnh địa bàn biên giới đất liền.
6) Huy động các nguồn lực
phục vụ hỗ trợ thông tin, tuyên truyền tại các tỉnh địa bàn biên giới
đất liền.
7) Tăng cường trao đổi, nghiên cứu học tập kinh nghiệm nước
ngoài; đẩy mạnh phối hợp thông tin, tuyên truyền với chính quyền địa
phương và các lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng.
8) Tổ
chức kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương,
khen thưởng trong thực hiện đề án.
Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì
xây dựng, theo dõi thực hiện đề án; tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết,
đôn đốc các ban, bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, báo cáo kết
quả thực hiện đề án; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực
hiện đề án từng giai đoạn. Chỉ đạo thông tin, tuyên truyền về quân sự,
quốc phòng; biên soạn, xuất bản tài liệu thông tin, tuyên truyền về quân
sự, quốc phòng.
Bộ Công an thực hiện công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự
tại 25 tỉnh biên giới đất liền; kịp thời phát hiện, tham mưu giải quyết
những vấn đề phức tạp nảy sinh không để phức tạp kéo dài, trở thành
"điểm nóng" tại khu vực biên giới, triển khai các biện pháp bảo đảm an
ninh chính trị nội bộ, an ninh mạng, an ninh văn hóa tư tưởng; đấu tranh
phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch của các đối tượng
phản động, chống đối.
Ủy ban Dân tộc chỉ đạo biên soạn, xuất bản tài liệu thông tin, tuyên
truyền về dân tộc và chính sách dân tộc; xây dựng, triển khai kế hoạch
thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được giao tại đề án; định kỳ từng giai
đoạn tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ có liên quan gửi Bộ Quốc phòng
tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an,
Ủy ban Dân tộc thực hiện các nhiệm vụ của đề án có liên quan theo chức
năng, nhiệm vụ. Chỉ đạo các cơ quan báo chí, xuất bản phát huy vai trò,
trách nhiệm trong hỗ trợ thông tin, tuyên truyền tại các tỉnh địa bàn
biên giới đất liền./.
TTXVN