Chuyến thăm của Thủ tướng Francois Fillon tới Việt Nam hôm nay (12/11) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi đây là lần đầu tiên Thủ tướng CH Pháp thăm chính thức Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ CH Pháp Francois Fillon thăm chính thức Việt Nam từ ngày 12-13/11/2009. Sau lễ đón chính thức diễn ra sáng 12/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng Francois Fillon.
Pháp là "cánh cửa lớn" để Việt Nam đi vào châu Âu
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, chuyến thăm của Thủ tướng CH Pháp tới Việt Nam lần này sẽ tạo đà mới thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - CH Pháp phát triển mạnh mẽ và sâu rộng hơn.
Thảo luận về các lĩnh vực hợp tác giữa hai bên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam luôn coi Pháp là đối tác hợp tác đặc biệt tại châu Âu và dành cho Pháp một vị trí xứng đáng trong quan hệ đối ngoại cũng như ưu tiên trong các lĩnh vực hợp tác. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn sự hiện diện hợp tác mạnh mẽ hơn nữa của Pháp tại Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục…
Với vị trí quan trọng trong khối ASEAN, Việt Nam mong muốn sẽ là cầu nối hữu nghị của Pháp với các nước ASEAN; đồng thời mong muốn Pháp là “cánh cửa lớn” để Việt Nam đi vào châu Âu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ.
Thủ tướng hoan nghênh Pháp đã đưa Việt Nam vào danh sách 24 quốc gia trên thế giới ưu tiên xúc tiến thương mại; cho đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác đầu tư. Về quan hệ thương mại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Pháp ủng hộ, tạo thuận lợi để mặt hàng giày da của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Pháp cũng như thị trường châu Âu.
Đánh giá tiềm năng và lợi thế hợp tác giữa 2 nước còn rất lớn, Thủ tướng hoan nghênh các dự án hợp tác của Pháp ký kết với Việt Nam trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Francois Fillon, đồng thời đánh giá cao các cam kết hỗ trợ về tài chính của Pháp cho Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái và có nhiều biến động.
Trong hợp tác về văn hóa, giáo dục và đào tạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Pháp hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo giảng viên cho Trường Đại học Khoa học- Công nghệ, hỗ trợ hiệu quả Việt Nam trong dự án bảo dưỡng, cải tạo cầu Long Biên.
Ký kết nhiều thỏa thuận, hiệp định hợp tác
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng CH Pháp Francois Fillon. |
Thủ tướng Francois Fillon khẳng định, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong một số dự án lớn như: dự án tàu điện ngầm; điện; bảo dưỡng, cải tạo cầu Long Biên; các chương trình hợp tác giữa 2 nước nhằm đối phó với những hậu quả tiêu cực do biến đổi khí hậu và nước biển dâng...
Bên cạnh đó, Pháp sẽ phối hợp tích cực với Việt Nam nhằm thúc đẩy tiến độ và đưa vào hoạt động dự án hợp tác thành lập Trường Đại học Khoa học- Công nghệ tại Việt Nam, trong đó có việc hỗ trợ đào tạo khoảng 400 tiến sĩ giảng dạy tại trường này.
Thủ tướng Francois Fillon khẳng định sẽ cử đại diện của Pháp sang Việt Nam tham dự Hội nghị phi tập trung Việt–Pháp vào cuối năm 2009 tại Hải Phòng nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các địa phương của 2 nước.
Cũng tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi nhiều biện pháp cụ thể trong các chương trình hợp tác đa phương trong năm 2010 khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và năm 2011 khi CH Pháp giữ cương vị Chủ tịch của nhóm G20…
Sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Francois Fillon đã chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận, hiệp định hợp tác giữa 2 nước như: Thỏa thuận về xây dựng và phát triển Trường Đại học Khoa học-Công nghệ; Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác hạt nhân dân sự; Hiệp định thành lập và quy chế các trung tâm văn hóa Việt-Pháp; Thỏa thuận hợp tác quốc phòng…
CH Pháp – đối tác hợp tác hàng đầu của Việt Nam
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng CH Pháp chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận, hiệp định. |
Với phương châm “Hữu nghị, truyền thống, hợp tác toàn diện, lâu dài và tin cậy”, trong thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp có những bước phát triển hết sức tốt đẹp.
Hiện Việt Nam là một trong số ít nước được hưởng cả 3 kênh viện trợ tài chính của Pháp, bao gồm viện trợ phát triển chính thức (ODA); cho vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và từ Quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP). Với số vốn trên 2 tỷ euro cấp cho các dự án, Pháp là nhà tài trợ ODA lớn thứ 2 cho Việt Nam, sau Nhật Bản.
Về trao đổi thương mại, Pháp là bạn hàng châu Âu thứ 3 của Việt Nam. Trao đổi thương mại hai chiều năm 2007 đạt trên 2 tỷ USD, năm 2008 đạt gần 1,8 tỷ USD, trong đó tổng giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đạt xấp xỉ 786 triệu USD.
Pháp đứng đầu các nước châu Âu và đứng thứ 13 trong tổng số 88 nước và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam; với tổng số vốn cam kết khoảng hơn 3 tỷ USD cho 216 dự án.
Giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ cũng là một trong những lĩnh vực Pháp ưu tiên thúc đẩy hợp tác với Việt Nam. Số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam du học tại Pháp tăng khoảng 40% trong vòng 10 năm qua, hiện có khoảng 5.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập học tập tại Pháp.
Tháp tùng Thủ tướng Pháp Francois Fillon tới Việt Nam lần này có đại diện 40 tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Pháp trong các lĩnh vực năng lượng, hàng không vũ trụ, giao thông... sang tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam./.
(Cổng TTĐTCP)