Thứ Hai, 20/5/2024

Tạo diện mạo mới cho nông thôn

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua- Khen thưởng Trung ương trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng 14 bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua- Khen thưởng Trung ương trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng 14 bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương

Tham gia tích cực của hệ thống chính trị

5 năm qua, công tác tổ chức, triển khai thực hiện phong trào thi đua đã được thực hiện khẩn trương, đồng bộ, nghiêm túc, kịp thời với nhiều biện pháp, nội dung phù hợp, sát với thực tế và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Phong trào đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, theo đúng lộ trình đề ra, thực sự đi vào đời sống, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, góp phần tạo diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới; đời sống nông dân được nâng cao, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Do đó, phong trào thi đua được đẩy mạnh, phát triển rộng khắp ở tất cả các vùng miền. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang có biện pháp chỉ đạo triển khai tích cực, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức và người lao động. Các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tổ chức phát động, triển khai các phong trào thi đua đảm bảo hiệu quả.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hưởng ứng, phát động phong trào trong toàn quốc, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Đại đoàn kết, Tạp chí Mặt trận, Thông tin công tác Mặt trận và một số báo thực hiện chương trình Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng nông thôn mới. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký kết Nghị quyết liên tịch chỉ đạo các cấp công đoàn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã chỉ đạo các cấp hội trong cả nước hưởng ứng, tham gia, gắn phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” với “Phong trào Cựu chiến binh hiến kế, hiến công xây dựng nông thôn mới”. Hội Nông dân Việt Nam đã tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, bảo vệ đường biên, mốc giới, chủ quyền biển đảo thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thi “Tiếng hát đồng quê”, “Nhà nông đua tài”, “Điểm sáng vùng biên”. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia xây dựng nông thôn mới với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; chỉ đạo các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ tích cực hưởng ứng và chủ động, sáng tạo tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động nhằm thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” kết hợp với phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” tạo nên hiệu quả rõ nét...

Nhiều cách làm thiết thực triển khai phong trào

Cụ thể hóa phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, các tỉnh, thành phố đã phát động nhiều phong trào với các tên gọi khác nhau, như: “Tiền Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Nhân dân các dân tộc Lai Châu chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cùng cả nước, Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Các bộ, ngành, địa phương đã phát động các phong trào thi đua đột xuất, thi đua theo các chuyên đề gắn với từng nội dung, tiêu chí xây dựng nông thôn mới để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh, cải cách hành chính hoặc giải quyết những vấn đề cấp bách của các địa phương, các ngành, lĩnh vực, được cán bộ, đảng viên, nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia. Tiêu biểu như: Tỉnh Hà Tĩnh với phong trào “Việc làng-đất vàng cũng hiến; Hiến đất-Mất một được hai”, tỉnh Hòa Bình với phong trào “Toàn dân làm sạch vệ sinh môi trường”, tỉnh Tuyên Quang với phong trào “Nhà sạch, vườn đẹp”, tỉnh Tây Ninh với mô hình “Liên kết 4 nhà” thâm canh lúa hiệu quả bền vững. Nhiều tỉnh, thành phố tổ chức phát động, truyền hình trực tiếp, tuyên truyền rộng khắp tới đông đảo quần chúng, kết hợp ký cam kết ủng hộ, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, như thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Nam, Gia Lai...

Trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tập thể, cá nhân tích cực lao động sản xuất, vận động gia đình và người thân hiến đất, góp công sức tham gia kiến tạo nông thôn. Điển hình là nhân dân xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình tích cực tham gia hiến đất mở đường để xây dựng “Đường đẹp, ngõ đẹp”; xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng với mô hình “Vùng chuyên canh nông sản đặc trưng”; mô hình “Xã hội hóa nguồn nhân lực phát triển giao thông nông thôn” ở xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp...

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 282, Sư đoàn 375 giúp dân làm đường bê tông tại thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Nguồn: qdnd

Thông qua phong trào thi đua đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, huy động nguồn lực xã hội hóa, phát huy sáng kiến và đề xuất nhiều chính sách xây dựng nông thôn mới phù hợp với từng địa phương. Các bộ, ban, ngành đã tập trung huy động mọi nguồn lực, ưu tiên bố trí ngân sách cho xây dựng nông thôn mới; sử dụng hợp lý nguồn vốn, ưu tiên lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án khác trên địa bàn các địa phương; đẩy mạnh áp dụng các hình thức cho vay ưu đãi đối với nông nghiệp, nông thôn. Cùng với sự tham mưu ban hành chính sách trong xây dựng nông thôn mới, các bộ, ngành cũng trực tiếp triển khai nhiều nội dung có hiệu quả: Bộ Quốc phòng đã tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với hơn 4 triệu ngày công, xây dựng gần 8.000 nhà tình nghĩa, tặng 14.000 bò giống, 13.000 sổ tiết kiệm; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động phong trào thi đua “Toàng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới”, chỉ đạo thực hiện mô hình cung cấp chuỗi thực phẩm an toàn trên phạm vi toàn quốc; Bộ Giao thông vân tải với phong trào chung tay xây dựng cầu treo dân sinh, xây dựng đường giao thông nông thôn ở các địa bàn khó khăn...

Mặc dù việc huy động các nguồn vốn đầu tư phục vụ cho công tác triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới rất khó khăn (ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Ngân sách Nhà nước, vốn huy động nhân dân và các thành phần kinh tế khác rất hạn chế), nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND các tỉnh, sự nỗ lực không ngừng khắc phục khó khăn, quyết tâm thi đua xây dựng nông thôn mới của các tầng lớp nhân dân, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đến tháng 11-2015, cả nước có 1.211 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 13,5% tổng số xã).

XUÂN DŨNG – VIỆT CƯỜNG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất