Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ động viên các thí sinh dự kỳ thi tại điểm thi Trường THPT Yên Viên, Hà Nội. (Ảnh: Duy Văn/ Báo QĐND)
Kỳ thi bảo đảm tính khách quan, trung thực, công bằng
Chia sẻ với báo chí trong chiều 27/6, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ khẳng định: “Kỳ thi đã khép lại, cho thấy sự chung tay vào cuộc, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, Ban chỉ đạo kỳ thi các địa phương đã sâu sát, quyết liệt và lên các phương án dự phòng để kỳ thi diễn ra thuận lợi. Đánh giá chung của Bộ GD&ĐT là kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế”.
Theo báo cáo nhanh của Bộ GD&ĐT về kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, tỷ lệ thí sinh dự thi đạt trên 99% ở tất cả các bài thi, môn thi. Trong đó, môn Ngữ văn 99,55%, Toán 99,52%; Tổ hợp môn Khoa học tự nhiên: Vật lý 99,34%, Hóa học 99,22%, Sinh học 99,35%; Ngoại ngữ 99,63%; Tổ hợp môn Khoa học xã hội: Lịch sử 99,35%, Địa lý 99,44%, Giáo dục công dân 99,56%. Như vậy, số thí sinh không dự thi ở các môn so với đăng ký là rất thấp. Số thí sinh vi phạm quy chế thi là 77, trong đó, có 71 thí sinh bị đình chỉ thi, 3 thí sinh bị cảnh cáo và 1 thí sinh bị khiển trách. Nguyên nhân do mang theo tài liệu và điện thoại vào phòng thi.
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), kỳ thi đã có sự tiếp nối thành công của kỳ thi năm 2017 và có những điểm đổi mới. Do đó, phương thức tổ chức kỳ thi năm nay đã đáp ứng được yêu cầu hiệu quả, gọn nhẹ, thiết thực và khách quan, công bằng. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan với các địa phương, các trường đại học, cao đẳng trong điều động cán bộ làm công tác phục vụ kỳ thi đã bảo đảm tính khách quan, trung thực của kỳ thi, tạo niềm tin cho xã hội về tính công bằng của kết quả và bước tiến mới của kỳ thi năm nay.
Để kỳ thi thành công trọn vẹn hơn
Dù có nhiều ưu điểm rõ nét trong tổ chức và nhận được sự ủng hộ của dư luận xã hội, song sẽ là hoàn hảo hơn nếu kỳ thi năm nay giảm được áp lực cho học sinh và phụ huynh, nhất là về đề thi. Đề thi bị nhiều học sinh và giáo viên đánh giá là dài và khó hơn so với các năm trước. Ghi nhận ngay tại các điểm thi trong các buổi thi môn Toán, môn Ngoại ngữ và bài thi Tổ hợp Khoa học xã hội, hầu hết các thí sinh khi được hỏi đều cho rằng đề thi khó, dài. Điều này kéo theo hệ lụy là việc phân hóa học sinh qua đề thi có thể không đạt được như mong muốn. Đối với dạng làm bài thi trắc nghiệm, các câu hỏi dễ thì cả thí sinh có năng lực tốt và bình thường đều làm được. Đến câu hỏi khó, vì thời gian còn ít, không đủ để các em học sinh giỏi hoàn thành bài thi. Trong khi đó, các em học sinh yếu hơn thì có thể tích bừa theo xác suất. Điều này khiến nhiều người lo ngại về mục tiêu phân hóa của đề thi. Chính điều này đã khiến áp lực trong phòng thi đối với các em tăng lên. Trong khi đó, có tới hơn 25% số thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT cũng chịu chung áp lực thi cử này cùng với các em thi để lấy điểm xét tuyển đại học, cao đẳng.
Lý giải về vấn đề này, ông Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho rằng: “Đề thi được ra theo đúng chỉ đạo của Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia, đều có nội dung chương trình nằm ở lớp 11 và 12. Trong đó, tỷ lệ kiến thức ở lớp 12 dao động từ 80 đến 85%. Như vậy, đề thi không nằm ngoài chương trình mà các em đã học. Bên cạnh đó, cấu trúc đề thi vẫn được giữ nguyên như trước. Các câu hỏi của đề thi cũng được tăng cấp từ dễ đến khó dần và khó theo các cấp độ. Có chăng, việc mở rộng kiến thức trong chương trình lớp 11 khiến học sinh cảm giác rộng và khó hơn”.
Cũng liên quan đến câu chuyện về đề thi là băn khoăn về mục đích của kỳ thi. Việc đánh giá đề thi khó, hay chưa thực hiện tốt mong muốn phân loại như đã nói trên đây tạm thời có thể coi là đánh giá cảm tính bước đầu của nhiều học sinh, phụ huynh và giáo viên. Sẽ còn cần một cơ sở quan trọng hơn để đánh giá, đó là phổ điểm thi được công bố trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhìn vào những nhận xét đó có thể thấy, dường như ở kỳ thi năm nay, mục tiêu có phần lệch về tính phân loại để tuyển sinh đại học và cao đẳng nhiều hơn là mục tiêu xét tốt nghiệp THPT. Bởi như ông Sái Công Hồng đã khẳng định: “Việc ra đề thi theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo kỳ thi là cần có tính phân hóa cao”. Trên thực tế, điều này chỉ thực sự cần thiết đối với mục tiêu thứ hai là xét tuyển đại học, cao đẳng. Còn đối với thi để xét tốt nghiệp THPT thì sự phân hóa ở mức độ cao là không thực sự cần thiết.
Bên cạnh đó, một số vấn đề phát sinh nhỏ cũng cần được lưu ý khắc phục như: Sự việc giám thị hướng dẫn học sinh ghi nhầm số báo danh bằng chữ ở điểm thi Trường THPT Hữu Lũng, Lạng Sơn cũng ảnh hưởng đến thời gian làm bài của các em; đề hai môn thi trước trong bài thi tổ hợp lọt ra ngoài sớm...
Khi ngành giáo dục khắc phục được các vấn đề đặt ra cho kỳ thi năm nay và những vụ việc phát sinh, cả xã hội sẽ có quyền kỳ vọng vào một kỳ thi bảo đảm đúng mục tiêu đặt ra. Đó là động lực tiếp thúc đẩy tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Theo thông tin chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối với trường hợp 13 học sinh (9 học sinh của tỉnh Lai Châu, 4 học sinh của tỉnh Hà Giang) không đến được điểm thi do mưa lũ, Bộ đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo hai địa phương này tiến hành các thủ tục xét đặc cách tốt nghiệp cho các em theo đúng quy chế.
Trong chiều tối 27/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố đề thi và đáp án các môn thi của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Dự kiến, ngày 11/7 sẽ công bố điểm thi.
|
Duy Văn (QĐND)