Thứ Hai, 9/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 26/1/2023 10:36'(GMT+7)

Tạo sự đồng thuận của xã hội trong thực thi chính sách

Công an xã phối hợp với cán bộ xã, trưởng bản, bí thư chi bộ bản xuống bản Pa Mu xã Biên giới Hua Bum, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) tuyên truyền cho người dân về tác hại của ma túy và thủ đoạn tinh vi của tội phạm về ma túy. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Công an xã phối hợp với cán bộ xã, trưởng bản, bí thư chi bộ bản xuống bản Pa Mu xã Biên giới Hua Bum, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) tuyên truyền cho người dân về tác hại của ma túy và thủ đoạn tinh vi của tội phạm về ma túy. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Kết quả thực hiện Luật đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; góp phần ngăn chặn, giảm thiểu hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhiều lĩnh vực.

Nội dung đa dạng, nhiều hình thức mới

Trong 10 năm qua, toàn quốc đã tổ chức hơn 9,4 triệu cuộc phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp; biên soạn và cấp phát miễn phí gần 512 triệu tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu phổ thông được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều hình thức mới để “mềm hóa” thông tin pháp luật đã được triển khai như: Giới thiệu văn bản bằng trình chiếu kết hợp hình ảnh, phim tư liệu, sân khấu hóa, lồng ghép trong các phong trào, biểu diễn văn hóa văn nghệ, hội trại…

Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Bám sát các quy định của Luật, nội dung trọng tâm hằng năm luôn được các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương hướng tới đáp ứng nhu cầu thông tin, tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp, yêu cầu quản lý Nhà nước, thực tiễn thi hành pháp luật. Trong đó, tập trung vào công tác xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; các luật, pháp lệnh, văn bản mới được thông qua, ban hành; các quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; các sự kiện chính trị, pháp lý lớn của đất nước.

Tại Nghệ An, Sở Tư pháp tỉnh thường xuyên chú trọng lựa chọn nội dung phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn. Đối với đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, Sở đã thành lập các tổ tuyên truyền và sử dụng hình thức “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tiếp cận tuyên truyền trực tiếp cho đồng bào để nghe, biết, hiểu pháp luật. Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp các ngành thành lập tổ lưu động lắp loa trên các phương tiện xe máy hoặc ô tô đi đến các thôn, bản, cụm dân cư để tuyên truyền với thời lượng 60 phút/ngày bằng tiếng Thái và tiếng H'Mông cho bà con.

Nội dung tuyên truyền chú trọng nhất là các chính sách an sinh, xã hội, hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, các vấn đề mà người dân đang vi phạm, như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… Với đối tượng là học sinh, sinh viên, Sở đã xây dựng thành công “Phiên tòa giả định” để tuyên truyền pháp luật trực quan tại các trường Trung học Phổ thông; lồng ghép, tích hợp tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong các buổi học chính khóa, các buổi chào cờ đầu tuần hay các hoạt động giáo dục ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp; phát triển chương trình “Tủ sách pháp luật” của nhà trường…

Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương đã có nhiều mô hình sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Các đơn vị tổ chức Ngày hội Công nhân với pháp luật, với nhiều hoạt động như tư vấn pháp luật trực tiếp, tuyên truyền pháp luật; diễn tiểu phẩm tuyên truyền, cấp phát tờ rơi, tờ gấp… Nhiều sở, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục duy trì tổ chức theo hình thức này với quy mô, phạm vi nhỏ hơn và tiếp tục hướng đến đối tượng người lao động, thanh niên, công nhân tại các khu, cụm công nghiệp.

Cùng đó, Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương đã biên soạn cẩm nang hôn nhân gia đình, cấp phát hơn 9.700 cuốn để tặng cho các cặp vợ chồng khi thực hiện đăng ký kết hôn lần đầu tại các địa phương. Qua khảo sát nắm bắt thông tin, cẩm nang được người dân, công chức tư pháp - hộ tịch đánh giá cao và mong muốn tiếp tục duy trì thực hiện.

Hướng mạnh về cơ sở

Qua 10 năm triển khai Luật cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Theo đó, công tác này chưa được sự quan tâm đúng mức ở một số cơ quan, tổ chức. Nguồn nhân lực thực hiện dù được củng cố, kiện toàn nhưng vẫn còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Việc định hướng nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật đôi lúc chưa sát với nhu cầu thực tiễn, còn dàn trải...

Hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân vùng ven biển Sóc Trăng. Ảnh: TTXVN phát

Hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân vùng ven biển Sóc Trăng. Ảnh: TTXVN phát

Ông Ngô Quang Tiến, Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng nhận định, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật càng phải được chú trọng, thực hiện tốt hơn nữa. Việc phát huy vai trò của lực lượng Quân đội triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật là rất cần thiết.

Ông Ngô Quang Tiến đề xuất, thời gian tới cần nghiên cứu, đề xuất, tham gia xây dựng và hoàn thiện thể chế về phổ biến, giáo dục pháp luật; cụ thể hóa trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời đảm bảo nguồn lực cho công tác này hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, chú trọng xây dựng và phát triển tốt vai trò lực lượng nòng cốt trong phổ biến, giáo dục pháp luật; đó là các cơ quan chính trị, pháp luật, cơ quan báo chí; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phát triển các hình thức "mềm hóa", ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số...

Đại diện Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, các cấp ủy Đảng cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể, tổ chức thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; kết hợp chặt chẽ với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và thực thi pháp luật, hướng mạnh về cơ sở, tạo sự chuyển biến căn bản về ý thức, xây dựng văn hóa thượng tôn pháp luật. Cán bộ, đảng viên phải đi đầu, gương mẫu chấp hành nghiêm pháp luật.

Là khâu đầu tiên của quá trình tổ chức thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thời gian tới phải đảm bảo được tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm về nội dung, đối tượng, địa bàn, hướng mạnh về cơ sở, lấy người dân làm trung tâm. Bên cạnh đó, đổi mới hình thức theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đáp ứng kịp thời, đầy đủ, chính xác quyền tiếp cận thông tin pháp luật của người dân, tạo sức lan tỏa, đồng thuận của xã hội trong thực thi chính sách, pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Phan Phương (TTXVN)

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất