Ngày 24/3, tại Hà Nội, Tổng Cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Dự án Thị trường Lao động EU/MOLISA/ILO tổ chức Hội thảo quốc gia "Đào tạo nâng cao năng lực dựa vào cộng đồng" (gọi tắt là CB-TREE).
Hội thảo nhằm tăng cường đối thoại, chia sẻ bài học kinh nghiệm có được từ chương trình này với các nhà hoạch định chính sách ở cấp quốc gia, các đối tác chính, các phương tiện truyền thông đại chúng và các tổ chức có liên quan khác để lồng ghép phương pháp luận CB-TREE vào các chính sách đào tạo và việc làm cho khu vực kinh tế phi chính thức trên toàn lãnh thổ.
Tham dự Hội thảo có các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia lĩnh vực dạy nghề trong nước và quốc tế, đại diện của 61 tỉnh và 11 xã thí điểm nông thôn mới trong Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020".
Một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam trong bước chuyển dịch sang nền kinh tế thị trường là làm thế nào để người tìm việc có trình độ và chuyên môn phù hợp, đáp ứng các yêu cầu về kỹ năng của chủ sở hữu lao động. CB-TREE đã giải quyết được nhu cầu cấp bách này thông qua việc phối kết hợp giữa các cơ quan thuộc khu vực nhà nước và tư nhân để đào tạo cho các nhóm mục tiêu dựa trên nhu cầu thực tiễn, từ đó trang bị cho lực lượng lao động này các kỹ năng nghề phù hợp để tìm được việc làm, mang lại các cơ hội thu nhập ở địa phương và giúp quê hương mình phát triển. Các học viên được trang bị các kiến thức, kỹ năng và năng lực kinh doanh thông qua đào tạo để họ có khả năng kinh doanh và tìm được việc làm. Mục tiêu tổng thể của chương trình CB-TREE là hỗ trợ 400 đối tượng hưởng lợi tại hai xã Thạch Văn và Mỹ Lộc của tỉnh Hà Tĩnh. Đến nay, đã có 384 đối tượng tham gia các hoạt động của chương trình.
Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dạy nghề khẳng định: Thành công của việc thí điểm áp dụng phương pháp luận CB-TREE là một mô hình tốt về dạy nghề cho lao động nông thôn và các nhóm yếu thế, bảo đảm người lao động có được việc làm bền vững sau khi đào tạo; phù hợp với mục tiêu và định hướng của Chính phủ trong việc đào tạo nghề, đẩy mạnh các cơ hội kinh tế cho người dân ở nông thôn.
Bà Rie Vejs-Kjeldgaard, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng: Đầu tư, phát triển kỹ năng nghề, tăng cường kiến thức và đào tạo là các vấn đề quan trọng đối với khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Chất lượng nguồn nhân lực và vốn xã hội quyết định hiệu quả kinh tế. Kiến thức và kỹ năng là những động cơ cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, góp phần tạo ra các cơ hội bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới trong việc tiếp cận việc làm bền vững và có năng suất.
Theo ông Hans Farnhammer, Bí thư thứ nhất phụ trách phát triển thương mại của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Chương trình "Đào tạo nâng cao năng lực dựa vào cộng đồng" (CB-TREE) đã góp phần tạo việc làm bền vững và nâng cao năng lực cho các nhóm thiệt thòi, phụ nữ nông thôn, thanh niên và dân tộc thiểu số. Dự án Thị trường Lao động EU/MOLISA/ILO sẽ đóng vai trò then chốt để nhân rộng CB-TREE tại Việt Nam trong tương lai
Dự án Thị trường Lao động EU/MOLISA/ILO do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ đã triển khai chương trình CB-TREE trong 24 tháng (tính từ tháng 4/2009). Đối tác chính về phía Chính phủ Việt Nam là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện là Tổng Cục Dạy nghề. Các đối tác thực hiện khác là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh, các tổ chức thuộc chính quyền địa phương, Ủy ban nhân dân các xã thí điểm, các tổ chức quần chúng và cộng đồng địa phương. Sự tham gia nhiệt tình và tích cực của các đối tác đã đóng vai trò then chốt, quyết định sự thành công của Chương trình CB-TREE lần đầu tiên được thí điểm tại Việt Nam./.
Phúc Hằng