Thứ Năm, 10/10/2024
Dân số và phát triển
Thứ Tư, 5/6/2019 16:50'(GMT+7)

Tập huấn cung cấp thông tin nâng cao năng lực truyền thông về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-KHHGĐ Nguyễn Thị Ngọc Lan phát biểu tại buổi tập huấn (ảnh V.H)

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-KHHGĐ Nguyễn Thị Ngọc Lan phát biểu tại buổi tập huấn (ảnh V.H)

Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết: Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến tình trạng “thừa nam thiếu nữ” trong tương lai, làm biến đổi chỉ số nhân khẩu học. Cụ thể là tăng áp lực kết hôn sớm đối với phụ nữ, tăng nhu cầu dịch vụ tình dục, gia tăng buôn bán phụ nữ kéo theo bạo lực tình dục đối với phụ nữ, làm ảnh nặng nề đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, và sức khỏe tâm thần của phụ nữ.

Mất cân bằng giới tính khi sinh xuất hiện ở Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 21. Mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra khi số trẻ nam sinh ra còn sống lớn hơn 106 hoặc nhỏ hơn 103 so với 100 trẻ em gái. Từ năm 2006, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam luôn ở mức trên 110. Đặc biệt một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng tỷ lệ này lên đến 120 như Hưng Yên (119,5), Hải Dương (118,3), Quảng Ninh (124,4).

Ở Việt Nam, gia đình và cộng đồng vẫn đặc biệt thích con trai vì những giá trị của con trai đem lại. Có con trai nâng cao vị thế của gia đình, xác định danh dự và vị trí của đàn ông trong cộng đồng. Vị thế của người phụ nữ trong gia đình cũng được nâng cao nếu sinh được con trai. Các cặp vợ chồng thường chịu áp lực phải sinh con trai rất lớn từ người chồng/gia đình chồng và dòng họ.

Các quan niệm xã hội và tôn giáo đòi hỏi con trai phải gánh vác việc thờ cúng tổ tiên và các thực hiện các nghi lễ quan trọng khác. Con trai giúp củng cố địa vị của cha mẹ trong xã hội. Đứa con sinh ra phải mang họ của bố. Người chồng thường là chủ hộ trong gia đình, có quyền quyết định những việc lớn. Theo phong tục truyền thống ở nhiều địa phương chỉ có con trai được thừa kế tài sản của cha mẹ... Tất cả những điều đó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay hệ tư tưởng truyền thống bắt nguồn từ Nho giáo và tầm quan trọng của việc thờ cúng tổ tiên thông qua sự nối dõi của con trai vẫn là chủ đạo trong cuộc sống ở cấp độ gia đình. Đây là những phản ánh rõ rệt nhất của vấn đề bất bình đẳng giới và bất bình đẳng giới chính là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh.

 Truyền thông về bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

cho người dân. Ảnh: Trang Nguyễn

Để giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Việt Nam cũng đã tăng cường hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật liên quan đến bình đẳng giới và phòng chống mất cân bằng giới tính khi sinh. Gần đây, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TƯ về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị Quyết đã đề ra nhiệm vụ: “Nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỉ số giới tính khi sinh cao”.

Nhằm góp phần triển khai Nghị quyết 21, thực hiện các hoạt động do Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ năm 2019, Tổng cục Dân số-KHHGĐ tổ chức lớp Tập huấn về kiểm soát này nhằm định hướng, hướng dẫn các nội dung, cách thức trong việc tuyên truyền các nội dung về giới, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, lựa chọn giới tính khi sinh-nguyên nhân, hệ lụy, cách can thiệp.

Học viên sau khi tham dự tập huấn đã đạt hiểu kiến thức bình đẳng giới và các khái niệm liên quan, mất cân bằng giới tính khi sinh và bất bình đẳng giới, tình trạng và hệ quả của mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam; Nắm bắt được nguyên tắc truyền thông có nhạy cảm giới, và vai trò tiềm năng của truyền thông trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, giá trị của con gái liên quan đến vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh và cải thiện tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam;

Đồng thời có kỹ năng cần thiết để thực hành công tác truyền thông nhằm giúp giảm mất cân bằng giới tính khi sinh và thúc đẩy giá trị của con gái liên quan đến vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh./.

V. Hà

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất