Thứ Sáu, 22/11/2024
Xã hội
Thứ Sáu, 27/7/2018 10:9'(GMT+7)

Tập trung giải quyết tồn đọng hồ sơ người có công với cách mạng

Ngành LĐ-TB và XH phấn đấu đến năm 2020 sẽ giải quyết cơ bản số hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng. Trong ảnh: Phòng tập phục hồi chức năng cho các thương binh, bệnh binh và đối tượng chính sách tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công TP Hà Nội.Ảnh: ĐĂNG KHOA

Ngành LĐ-TB và XH phấn đấu đến năm 2020 sẽ giải quyết cơ bản số hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng. Trong ảnh: Phòng tập phục hồi chức năng cho các thương binh, bệnh binh và đối tượng chính sách tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công TP Hà Nội.Ảnh: ĐĂNG KHOA

Không "bỏ sót" đối tượng người có công

Kết quả khảo sát thực trạng tình hình thực hiện chính sách ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng theo Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong hai năm 2014, 2015 cho thấy, đến tháng 6-2016, cả nước còn 4.141 hồ sơ đề nghị công nhận là NCC với cách mạng. Ðó là những hồ sơ đã được thiết lập từ những năm trước nhưng vì những nguyên nhân khác nhau cho nên chưa giải quyết được; ngoài ra, còn có 8.525 bản kê khai của gia đình đề nghị công nhận là NCC với cách mạng.

Với chủ trương không bỏ sót, không để lọt đối tượng được thụ hưởng chính sách, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LÐ - TB và XH) đã chủ động phối hợp các địa phương rà soát số hồ sơ tồn đọng. Năm 2016 được xem là "đột phá" trong việc xem xét giải quyết hồ sơ tồn đọng khi Bộ LÐ - TB và XH quyết định triển khai thí điểm công tác này tại năm địa phương, gồm: Lai Châu, Bắc Cạn, Thái Bình, Ðà Nẵng, Long An để rút kinh nghiệm, nhân rộng trên toàn quốc. Chỉ sau gần sáu tháng, kết quả tại năm tỉnh, thành phố thí điểm đã xác nhận được 86 người có công, trong đó có 75 liệt sĩ và 11 thương binh, người thụ hưởng chính sách như thương binh.

Từ những kết quả đạt được sau đợt thí điểm tại năm tỉnh, thành phố ngày 29-3-2017, Bộ trưởng LÐ - TB và XH đã ban hành Quyết định số 408/QÐ-LÐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng, gồm bảy bước và quy định chặt chẽ, cụ thể hơn so với khi triển khai thí điểm. Các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ công tác Trung ương cùng với các bộ, ngành, địa phương rà soát thẩm định hồ sơ đồng thời công khai thông tin hồ sơ trên các phương tiện thông tin đại chúng, với mục tiêu hết năm 2017 giải quyết căn bản 5.900 hồ sơ tồn đọng xác nhận liệt sĩ, thương binh, người thụ hưởng chính sách như thương binh đang lưu trữ tại sở LÐ - TB và XH, Bộ Chỉ huy quân sự và Công an cấp tỉnh, thành phố trở lên.

Với sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương của các địa phương và các bộ, ngành, cơ quan liên quan, đến hết năm 2017, Bộ LÐ - TB và XH đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi hơn 50.000 bằng Tổ quốc ghi công; các địa phương, ngành, công an, quân đội đã xác nhận 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Rà soát lại kết quả cho thấy, tất cả các trường hợp đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đều bảo đảm đúng quy trình, đúng đối tượng và tiêu chuẩn, có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong quá trình bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Các trường hợp hồ sơ không đúng đối tượng, tiêu chuẩn đều không được đề nghị công nhận và thông báo cụ thể, trực tiếp lý do đến gia đình, đối tượng. Trong quá trình xem xét, những trường hợp có những tình tiết không rõ ràng, hoặc có mâu thuẫn, hoặc có ý kiến phân vân, phản hồi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đều được tiến hành xác minh, kết luận rõ ràng, cụ thể...

Ðánh giá việc thực hiện Quyết định 408 sau một năm triển khai, Cục trưởng Người có công (Bộ LÐ - TB và XH) Ðào Ngọc Lợi cho biết, đến hết năm 2017 đã hoàn thành mục tiêu đề ra là tập trung giải quyết cơ bản số hồ sơ NCC tồn đọng ở ngành LÐ - TB và XH, công an, quân đội từ cấp tỉnh trở lên. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Hiện vẫn còn một số hồ sơ qua các đợt xem xét do có nhiều vướng mắc, tính chất phức tạp, đang được tiếp tục khai thác thêm thông tin, xác minh, củng cố chứng cứ để có đủ cơ sở xem xét, kết luận. Ðáng chú ý, một số địa phương có biểu hiện "nôn nóng", muốn nhân thể Quyết định 408 để giải quyết hết các hồ sơ tồn đọng nhằm chấm dứt các thắc mắc, khiếu kiện cho nên đã tập hợp luôn hồ sơ đang lưu trữ ở tất cả các cấp, ngành và hồ sơ do người dân lưu trữ dẫn đến việc thực hiện quy trình chưa chặt chẽ. Ngược lại, có một số địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng, báo cáo với Tổ công tác là không còn hồ sơ theo Quyết định 408, trong khi thực tế vẫn còn hồ sơ tồn đọng đang được lưu trong tủ hồ sơ của sở LÐ - TB và XH.

Ngăn chặn việc trục lợi chính sách

Việc giải quyết hồ sơ tồn đọng là vấn đề phức tạp, rất dễ dẫn đến những tiêu cực, khai man hồ sơ để hưởng chế độ ưu đãi. Cùng với yêu cầu giải quyết hồ sơ tồn đọng theo đúng quy trình, với phương châm "thông thoáng, cụ thể", Chánh Thanh tra Bộ LÐ - TB và XH Nguyễn Tiến Tùng cho biết, quan điểm của Bộ là chính sách phải giải quyết đúng người, đúng chế độ; nếu phát hiện những trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thời gian qua, Bộ LÐ - TB và XH đã trưng cầu giám định kỹ thuật hình sự tài liệu gốc 3.500 hồ sơ, xác minh danh sách quân nhân bị thương tại các đơn vị cũ 2.115 hồ sơ trong số hồ sơ nghi vấn nêu trên. Kết quả phát hiện 3.615 hồ sơ khai man, giả mạo không đủ điều kiện hưởng chế độ ưu đãi, đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định đình chỉ trợ cấp, buộc hoàn trả Nhà nước hơn 293 tỷ đồng. Với 12.724 hồ sơ nghi vấn sai sót còn lại, Bộ LÐ - TB và XH đang tiến hành xác minh bổ sung hoặc yêu cầu đối tượng bổ sung hồ sơ, hoặc trưng cầu giám định kỹ thuật hình sự tài liệu gốc. Bộ LÐ - TB và XH cũng chỉ đạo kiên quyết chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan điều tra khởi tố để xử lý theo pháp luật đối với những sai phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm. Các cơ quan chức năng đã điều tra, truy tố đưa ra xét xử 49 vụ với 171 bị cáo, trong đó phạt tù 45 người, phạt tù nhưng cho hưởng án treo 124 người, phạt tiền hai người. Nhiều vụ việc mà người dân tố giác đã được các cơ quan chức năng xem xét, xử lý nghiêm minh.

Nhằm bảo đảm công bằng, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật trong giải quyết chính sách ưu đãi NCC với cách mạng, Chánh Thanh tra Nguyễn Tiến Tùng cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường các cuộc thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện những sai sót, tiêu cực. Từ năm 2018 đến hết 2020, sẽ thanh tra toàn diện về hồ sơ hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; năm 2018, Thanh tra Bộ LÐ - TB và XH phối hợp Cục An ninh chính trị nội bộ, Tổng cục An ninh (Bộ Công an) tiến hành thanh tra thí điểm tại hai tỉnh để rút kinh nghiệm tiến tới ký chương trình phối hợp cho những năm tiếp theo...

Ðể thực hiện mục tiêu đến năm 2020 giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận NCC với cách mạng còn tồn đọng, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ LÐ - TB và XH sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp. Theo đó, sẽ tập trung rà soát, xem xét giải quyết hồ sơ tồn đọng theo quy trình tại Quyết định 408 của Bộ trưởng LÐ - TB và XH; đồng thời tổng kết, đánh giá quá trình giải quyết hồ sơ tồn đọng thời gian qua để nghiên cứu, rút kinh nghiệm, hoàn thiện quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng. Phát huy cơ chế phối hợp liên ngành, đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương để giải quyết hồ sơ xác nhận NCC còn tồn đọng. Thực hiện cơ chế xác nhận dựa vào cộng đồng dân cư nơi NCC sinh sống; phát huy Quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai minh bạch và giám sát của nhân dân ngay từ khâu tiếp nhận, xử lý hồ sơ. Ðẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác xác nhận NCC với cách mạng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng... với tinh thần bảo đảm quyền lợi, không bỏ sót NCC với cách mạng nào không được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Ðảng, Nhà nước và sự tri ân của nhân dân.

Tính từ năm 2014 đến hết quý I năm 2018, Thanh tra Bộ LĐ - TB và XH đã tiến hành thanh tra tại 18 tỉnh, thành phố về việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng; phối hợp Bộ Quốc phòng thanh tra việc xác lập, xét duyệt hồ sơ thương binh tại bảy Quân khu (Quân khu 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9) và Bộ Tư lệnh Thủ đô. Qua thanh tra 84.338 hồ sơ tại các địa phương và quân khu đã phát hiện 18.339 hồ sơ nghi vấn sai sót. /.

Theo nhandan.com.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất