Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 10/6/2014 21:12'(GMT+7)

Tập trung giải quyết vấn đề nợ công, nợ xấu và triệt để tiết kiệm chi tiêu

Cần triệt để tiết kiệm chi tiêu

Cử tri Phùng Quang Minh, Phó trưởng Trung tâm Dữ liệu và Công nghệ thông tin (Cục Hải quan Hà Nội) nhận xét: Các đại biểu đã đặt những câu hỏi rất “nóng” xung quanh vấn đề nợ công, khả năng cân đối nguồn trả nợ và giải pháp giảm nợ công để bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia cùng các vấn đề liên quan đến cân đối thu - chi ngân sách. Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính là khá thuyết phục.

Cử tri Phùng Quang Minh cũng bày tỏ, qua các phương tiện thông tin đại chúng, cử tri được biết hiện ngân sách Nhà nước rất khó khăn. Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình nói là trong một vài năm tới sẽ khó cân đối ngân sách để tăng lương theo lộ trình. Đặc biệt, sau sự việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế nước ta, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam và luật pháp quốc tế, cử tri cũng như người dân cả nước rất phẫn nộ và hết sức đồng cảm với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tiết kiệm ngân sách phục vụ cho chiến lược bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Xét trong bối cảnh kinh tế, xã hội khó khăn như hiện nay, chúng ta lại càng cần tiết kiệm chi tiêu triệt để, tránh mọi sự lãng phí. Trong hoàn cảnh phải thắt lưng buộc bụng như hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn đưa ra đề án đầu tư xây mới và trùng tu 71 nhà hát trên cả nước với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 10 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, hiện nay rất nhiều cơ sở văn hóa cũ đều không thể sáng đèn hàng đêm. Những cơ sở ở vị trí đắc địa, hay những công trình có tiếng từ lâu như rạp Chiếu phim quốc gia, rạp Đại Nam, Nhà hát Kim Mã.... đang thoi thóp tồn tại; có cơ sở phải chuyển đổi mục đích sử dụng, đó là sự lãng phí quá lớn.

Cử tri hết sức quan tâm và đề nghị các thành viên Chính phủ trả lời, làm rõ một số nội dung: Tại sao có đến 90% tổng thầu các dự án là nhà thầu Trung Quốc? Chính phủ có kế sách và kịch bản gì để hạn chế ảnh hưởng khi Trung quốc phản pháo về kinh tế? Hiện nay nợ của chúng ta chính thức là bao nhiêu và tại sao lại để xảy ra tham nhũng trong các dự án ODA. Trong khi ngân sách hạn hẹp, thì trên thực tế việc sử dụng ngân sách vẫn diễn ra tràn lan. Tại sao Chính phủ, các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, các cơ quan, đơn vị hưởng thụ ngân sách lại không minh bạch hóa việc chi tiêu “để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”? Chính phủ cần có những biện pháp đủ mạnh để chống sự chuyển giá trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để trốn thuế, chống thất thu nguồn ngân sách cho quốc gia...

Đồng tình với ý kiến của cử tri Phùng Quang Minh, cử tri Nguyễn Thanh Huyền, Tiến sỹ Luật Kinh tế, Đại học Lao động - Xã hội cho rằng: Chúng ta đã bàn đến nợ công và bàn rất nhiều. Cho đến thời gian này, câu chuyện nợ công lại một lần nữa được “hâm nóng” trên bàn nghị sự của Quốc hội và thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp trong xã hội. Đây là điều dễ hiểu và điều khiến chúng ta lo âu là cơ cấu nợ như thế nào, khả năng trả nợ đến đâu và đặc biệt là hiệu quả, chất lượng đầu tư của các khoản vay. Nói cách khác, cử tri quan tâm đến chất lượng đầu tư công, sự an toàn hay rủi ro của nợ công. Mà đầu tư công kém hiệu quả lâu nay vẫn là vấn đề nhức nhối tại Việt Nam .

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thanh Huyền, việc sử dụng vốn phải rất hiệu quả, nếu không áp lực trả nợ ngày càng lớn hơn và tác động ngay đến ngưỡng an toàn nợ công. Nghị quyết 11 vừa rồi của Chính phủ cũng đã và đang quyết liệt cắt giảm đầu tư công. Tuy nhiên, hiệu quả cắt giảm chưa cao là một trong những nguyên nhân khiến các giải pháp kiểm soát lạm phát không phát huy được tác dụng. "Đã đến lúc, việc cắt giảm đầu tư công phải được thực hiện quyết liệt hơn đồng thời với việc nâng cao chất lượng đầu tư công. Bởi việc này không chỉ làm giảm áp lực lạm phát mà còn hạn chế rủi ro của các khoản nợ công" - Bà Huyền bày tỏ.

Tập trung giải quyết vấn đề nợ công, nợ xấu

Bày tỏ sự đồng tình với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính, Luật sư Đỗ Pháp, Đoàn Luật sư Đỗ Pháp, thành phố Đà Nẵng, cho rằng Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã nắm rất kỹ những vấn đề đại biểu nêu ra và trả lời khá rõ ràng theo từng ý kiến, hầu như không có đại biểu nào hỏi thêm sau phần trả lời từng câu hỏi.

Luật sư Đỗ Pháp cho biết: Tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề nợ công và theo Bộ trưởng, nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Sở dĩ nợ công tăng nhanh như vậy, theo Bộ trưởng là vì đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn của Nhà nước tích lũy từ nội bộ nền kinh tế cho đầu tư phát triển còn chưa lớn, để có nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu phát triển của đất nước, cần phải huy động nguồn tài chính bổ sung cho đầu tư phát triển, đặc biệt là cơ sở hạ tầng.

Về các giải pháp giảm nợ công, Bộ trưởng cho biết, sẽ thực hiện cân đối ngân sách tích cực, từng bước giảm bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP, bố trí nguồn để trả nợ trong nước, nước ngoài đến hạn hàng năm. Trong quá trình điều hành ngân sách Nhà nước, Bộ cũng sẽ phấn đấu tăng thu, sử dụng một phần hợp lý để tăng chi trả nợ. Với những giải pháp như thế, tôi thấy lạc quan, chẳng có gì phải lo lắng lắm. Tôi cũng rất tâm đắc khi Bộ trưởng trả lời câu hỏi: Những bài học thời gian qua của Bộ là gì? Bộ trưởng khẳng định đó là sự đoàn kết và trung thực...

Ông Mạc Như Mai, cử tri phường Phước Ninh, quận Hải Châu, nguyên cán bộ tài chính nêu ý kiến: Tôi rất đồng tình với việc Quốc hội đặt ra 4 nội dung lớn để Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời, là những nội dung rất sát sườn và nhân dân rất quan tâm. Tại phần chất vấn, các câu hỏi đại biểu đặt ra rất trọng tâm, đi vào những vấn đề cụ thể, người dân rất quan tâm. Tôi cũng nhận thấy những vấn đề này không chỉ riêng Bộ Tài chính làm mà được, ở đây rất cần sự phối hợp của các ngành hữu quan. Việc giải quyết những vấn đề trong một gia đình thôi nhiều lúc cũng còn khó khăn, huống chi những vấn đề của cả đất nước thì càng khó gấp bội. Vì vậy, tôi thấy cũng cần phải có sự cảm thông cho những ngành chức năng, nhưng không được xuê xoa, phải rõ ràng, minh bạch...

Phần trả lời của Bộ trưởng Tài chính khá rõ ràng, thẳng thắn... Trong những biện pháp được đưa ra, tôi thấy cần phải tập trung giải quyết nợ công, nợ xấu, đồng thời hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh việc chống lãng phí trong đầu tư công...

 Cần tăng vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Cử tri Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng: Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng chiều nay tương đối rõ. Tuy nhiên, bản thân cử tri cũng còn nhiều điều băn khoăn cần được Bộ trưởng làm rõ thêm.

Đó là vấn đề nhà nước đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp còn quá thấp nên chưa tạo nên sự phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp và kết quả xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương chưa đạt. Nghị quyết 26 của Trung ương đưa ra là trong vòng 5 năm, 10 năm tới phải đầu tư kinh phí gấp nhiều lần để phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, thực tế nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp hàng năm còn rất thấp và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Hiệu quả đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như thế nào cũng chưa được Bộ trưởng Tài chính làm rõ.

Đồng bằng sông Cửu Long là địa phương đóng góp rất lớn cho an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu thủy sản, cây ăn trái để đem ngoại tệ về cho đất nước, nhưng đời sống của người dân hiện nay vẫn rất nghèo. Vì vậy, cử tri đề nghị Bộ Tài chính cần làm tham mưu tốt hơn cho Chính phủ, đầu tư vốn nhiều hơn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Về vấn đề nợ công, nợ bảo hiểm xã hội, vấn đề thất thu thuế, nợ bảo hiểm... Bộ trưởng cũng không nói trách nhiệm của mình hay của ai. Đặc biệt, đến nay các bộ, ngành vẫn chưa ban hành được nghị định mới thay thế Nghị định 84 về quản lý xăng dầu là quá chậm và việc chuyển công tác quản lý về giá xăng dầu từ Bộ Tài chính qua Bộ Công Thương quản lý có nằm trong lợi ích nhóm hay không? Vấn đề nợ công hiện nay theo Bộ trưởng báo cáo có chính xác và đáng tin không vì thông tin trên báo chí lại khác?

Cử tri Châu Minh Thành, cán bộ về hưu ở khu vực 5, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, nhận xét: Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời nhiều vấn đề chưa rõ, còn lòng vòng, né tránh, chưa đi thẳng vào câu hỏi của các đại biểu. Cụ thể như vấn đề quản lý giá xăng dầu cũng như ban hành nghị định thay thế Nghị định 84... Bộ trưởng trả lời còn lòng vòng. Đến khi Bộ trưởng Bộ Công Thương giải trình mới được làm rõ. Đại biểu Trương Văn Vở của Đồng Nai hỏi về vấn đề đầu tư công rất rõ ràng nhưng cũng không được Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời.../.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất