Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Bảy, 19/1/2019 15:31'(GMT+7)

Tập trung hành động cụ thể tạo sức mạnh cho văn hóa, thể thao, du lịch

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Cần lan tỏa những hành động văn hóa trong xã hội

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương, hoan nghênh nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên toàn ngành, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã tham gia vào quá trình thực hiện để hoạt động của ngành văn hóa, thể thao, du lịch đạt được bước tiến trong năm qua.

Phó Thủ tướng nêu rõ năm 2018 là năm tất cả các chỉ tiêu đều hoàn thành, hoàn thành vượt mức, tâm lý, khí thế trong xã hội rất tốt trong đó có sự đóng góp trực tiếp, gián tiếp của ngành văn hóa.

Kế thừa kết quả, nỗ lực của những năm trước, đặc biệt là năm 2017, ngành văn hóa đã đạt được những kết quả tốt, có mặt phát triển nổi bật. Trong đó, đặc biệt nổi bật là du lịch, phát triển rất tốt không chỉ ở mặt lượng khách đến mà còn là giao thông, visa, môi trường, văn hóa, du lịch an toàn… mở ra thời kỳ mới, giải quyết được nhiều điểm “nghẽn” cho du lịch phát triển.

Trong năm 2019, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần thống nhất hành động tập trung vào một số điểm cụ thể để tạo nên bức tranh, sức mạnh chung cho toàn ngành.

Phó Thủ tướng đề cập đến vấn đề đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp và ngành văn hóa phải thấy được trách nhiệm quản lý nhà nước để tập trung thực hiện 3 điểm cốt lõi. Đó là tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo để giáo dục văn hóa trong nhà trường.

Tiếp đó, Bộ phải có những phát ngôn chính thức, phân tích, đưa ra khuyến nghị trước những hiện tượng tốt, xấu của xã hội xảy ra hàng ngày để lan tỏa những tấm gương, việc làm tốt, hành động văn hóa ra toàn xã hội. Đây là việc cần làm của Bộ trong vai trò quản lý nhà nước về văn hóa.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tập trung làm tốt việc đưa ra các quy tắc mang tính chất lễ nghi, từ nghi lễ các buổi lễ, đi đứng, ăn, mặc phải đúng văn hóa, đúng truyền thống kết hợp và phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Dù việc này rất khó, sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí đụng chạm đến nhiều vấn đề nhưng Phó Thủ tướng mong muốn ngành văn hóa cần tập trung làm tốt để hướng tới một xã hội ứng xử có văn hóa ở mọi lúc, mọi nơi.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Đề cập đến việc tinh gọn bộ máy, Phó Thủ tướng cho rằng việc tinh gọn bộ máy để làm việc hiệu quả, tiết kiệm ngân sách là chủ trương đúng đắn nhưng với ngành văn hóa, khi thực hiện không được phép bỏ quên các thiết chế, nhân lực của ngành, đặc biệt là giới văn nghệ sỹ, nghệ nhân văn hóa.

Với lĩnh vực bảo vệ di sản cần đặc biệt quan tâm đến di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, khai thác có hiệu quả các giá trị to lớn của di sản văn hóa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn dân tộc với những giá trị cốt lõi, gần gũi với người dân…

Với lĩnh vực thể thao, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần đẩy mạnh cả thể thao nhà trường và cộng đồng bên cạnh thể thao thành tích cao. Riêng với bóng đá phải cương quyết thực hiện bóng đá “sạch”…

Du lịch cần tiếp tục có những định hướng dài hạn để phát triển du lịch theo quy mô, chuẩn mực quốc tế, hướng tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn hóa...

Việc đào tạo nhân lực cho ngành du lịch cần làm quyết liệt hơn, huy động các doanh nghiệp lớn đặt hàng đào tạo du lịch để đáp ứng tốt nhu cầu thực tế.

Đặc biệt, phát triển du lịch cộng đồng ở các địa phương cần quản lý tốt để giữ được những nét đẹp nguyên sơ, văn hóa bản địa nhằm thu hút khách đến nhiều lần trải nghiệm chứ không phải khách chỉ “một đi không trở lại"...

Năm 2019, thực hiện nhiều giải pháp trọng điểm

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ năm 2018, toàn ngành văn hóa đã nỗ lực phấn đấu thi đua, triển khau hiệu quả kế hoạch công tác và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong năm 2019, toàn ngành văn hóa sẽ tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trong đó, toàn ngành tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ thực hiện Chương trình hành động của ngành thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết số 33 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Ngành cũng quán triệt, triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách về văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tăng cường hiệu quả hoạt động thư viện đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Đặc biệt, ngành đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam gắn với thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình"...

Về lĩnh vực du lịch, toàn ngành sẽ phấn đấu hoàn thành mục tiêu đón và phục vụ 103 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 85 triệu lượt khách trong nước; tổng thu từ khách du lịch đạt 700.000 tỷ đồng…

Ngành tiếp tục đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng, gắn với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc của người dân, đặc biệt trong đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, tạo nền tảng cho phát triển thể thao thành tích cao…

Trong năm 2018, các di sản văn hóa và thiên nhiên tiếp tục được vinh danh, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, quy mô lớn được tổ chức góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Công tác quản lý, tổ chức lễ hội có nhiều tiến bộ, kịp thời có biện pháp chấn chỉnh hoạt động lễ hội phù hợp với thuần phong mỹ tục, không để xảy ra hiện tượng phản cảm.

Thể thao Việt Nam có bước tiến vượt bậc tại ASIAD 2018 với nhiều huy chương ở các môn Olympic, Đội tuyển bóng đá nam quốc gia giành Cúp vô địch tại Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á sau 10 năm chờ đợi tiếp nối chiến thắng của đội tuyển U23 giành ngôi Á quân tại Giải vô địch U23 châu Á, đem lại niềm vinh dự, tự hào dân tộc, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Du lịch Việt Nam lần đầu tiên được vinh danh là "Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á năm 2018"; khách du lịch quốc tế tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, đón gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 20% so với năm 2017, tăng 2 lần so với năm 2015.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả nổi bật, du lịch Việt Nam cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế:

Công tác quản lý điểm đến vẫn còn một số tồn tại như công tác bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường vẫn còn nhiều thiếu sót.

Tình trạng tour giá rẻ có nhiều biến tướng tinh vi, làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam; chính sách thị thực còn hạn chế so với các nước trong khu vực là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của du lịch Việt Nam.

Kết nối hàng không tới các thị trường nguồn còn hạn chế.

Nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu và yếu; sản phẩm du lịch chưa đặc sắc, đa dạng, chưa có nhiều sản phẩm chất lượng và giá trị cao.../.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất