Thứ Bảy, 12/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 1/7/2010 18:21'(GMT+7)

Tập trung hoàn thành mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2010

Ông Đỗ Thức Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tại buổi họp báo công bố số liệu kinh tế-xã hội chủ yếu 6 tháng đầu năm 2010. Ảnh: Thu Hằng

Ông Đỗ Thức Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tại buổi họp báo công bố số liệu kinh tế-xã hội chủ yếu 6 tháng đầu năm 2010. Ảnh: Thu Hằng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2 chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 6 tháng đầu năm 2010 đều khả quan. Cụ thể, GDP 6 tháng đầu năm đạt khoảng 6-6,1%. Trong quý I, GDP tăng 5,83% và tăng lên 6,2-6,4% trong quý II. CPI tháng 6 chỉ tăng 0,22% so với tháng trước đó. Các biện pháp bình ổn giá bước đầu phát huy các tác dụng nên chỉ số giá không cao. Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển. An sinh xã hội được quan tâm thường xuyên, đời sống dân cư được cải thiện.

Tuy nhiên, nền kinh tế của nước ta vẫn còn đối mặt với nhiều thành thức như sản xuất gặp nhiều khó khăn do nguồn điện cung cấp hạn chế, thiên tai diễn biến phức tạp.

Theo ông Đỗ Thức, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, để thực hiện tốt mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2010, góp phần hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006 – 2010, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 15/1/2010 và Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 6/4/2010 của Chính phủ, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau đây:

Một là, nâng cao hiệu quả, chất lượng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và của từng doanh nghiệp nói riêng. Doanh nghiệp cần phải chủ động và có giải pháp hữu hiệu để đối phó với những thách thức có thể xảy ra. Khẩn trương thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp, tiến tới xây dựng lực lượng doanh nghiệp có sức mạnh về mọi mặt nhằm nâng cao tiềm lực và khả năng độc lập tự chủ của nền kinh tế.

Hai là, thực hiện đánh giá lại hiệu quả của các hoạt động đầu tư, đặc biệt đối với đầu tư công để có những điều chỉnh hợp lý. Nâng cao năng lực quản lý đầu tư cũng như hiệu lực công tác giám sát, đnáh giá hiệu quả đầu tư nguồn vốn của nhà nước. Cơ cấu lại đầu tư nhà nước theo hướng tăng thêm đầu tư cho y tế, đào tạo nghề, phát triển hệ thống an sinh xã hội và phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản, từng bước dành nguồn lực đầu tư vào các ngành công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững, dựa trên hiệu suất và chất lượng.

Ba là, hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, tổng thể nhằm kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, đồng thời thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng để ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng bền vững. Xây dựng chính sách tỉ giá bảo đảm vừa khuyến khích xuất khẩu, vừa hỗ trợ tăng trưởng bền vững.

Bốn là, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 808/CT-TTg ngày 7/6/2010 của Thủ tướng chính phủ về công tác phòng chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2010. Hiện đại hóa cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, đi đôi với tăng cường công tác nghiên cứu khoa học ứng dụng cho quản lý thiên tai.

Năm là, rà soát lại quy trình triển khai thực hiện và tiến hành đánh giá tổng thể các chương trình, dự án liên quan đến giảm nghèo đã và đang triển khai thực hiện. Huy động mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Lồng ghép và huy động tối đa các nguồn vôn, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất và đời sống dân cư, nhất là vùng ở nông thôn. Đẩy mạnh và thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động và thuyết phục người dân ý thức vươn lên thoát nghèo.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất