Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 23/12/2013 14:47'(GMT+7)

Tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu

Xuất khẩu gạo sang thị trường Nhật Bản.

Xuất khẩu gạo sang thị trường Nhật Bản.

Cùng với quá trình mở cửa, hội nhập ngày một sâu rộng của Việt Nam, số thị trường xuất khẩu đã tăng lên. Đến nay, hàng  hóa của Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các thị trường trên thế giới, bao gồm các nước thu nhập cao, các nước đang phát triển ở khắp các châu lục Á, Âu, Mỹ, Phi, Đại Đương.

Cơ cấu thị trường có sự chuyển dịch. Từ năm 1990 trở về trước, thị phần chủ yếu là Đông Âu (43%), Đông Á (27%); năm 1995, thị phần chủ yếu là Đông Á (50,6%), Đông Nam Á (20,4%), Tây Âu (13,8%), châu Đại Dương (8,9%), Bắc Mỹ đã vươn lên chiếm 5,7%. Năm 2005, thị trường chủ yếu là Đông Á (28,6%), Bắc Mỹ (19,9%), Đông Nam Á (17,1%), Tây Âu (9,7%), châu Đại Dương (8,1%)…

Trong 11 tháng 2013, cơ cấu thị phần xuất khẩu như sau: Châu Á chiếm khoảng 50,9%, trong đó Đông Á chiếm khoảng 30% (lớn nhất là các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan), Đông Nam Á chiếm khoảng 14% (lớn nhất là Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Singapore, Indonesia, Philippines); Tây Á chiếm khoảng 4,6% (lớn nhất là Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ); Trung Nam Á chiếm khoảng 2,3% (lớn nhất là Ấn Độ).

Châu Mỹ chiếm khoảng 21,1%, trong đó Bắc Mỹ chiếm 19,1% (chủ yếu là Hoa Kỳ, còn Canada cũng là thị trường lớn; Mỹ La tinh và vùng Caribe chiếm khoảng 2% (lớn nhất là Brazil, Mexico).

Châu Âu chiếm khoảng 19%, trong đó: Tây Âu chiếm khoảng 8,8% (lớn nhất là Đức, Hà Lan, Pháp, Bỉ); Bắc Âu chiếm khoảng 4% (lớn nhất là Anh, Thụy Điển); Nam Âu chiếm khoảng 3,7% (chủ yếu là Italy, Tây Ban Nha); Đông Âu chiếm khoảng 2,5% (lớn nhất là Liên bang Nga, Slovakia, Ba Lan).

Châu Đại Dương chiếm khoảng 2,9%, lớn nhất là Australia. Châu Phi chiếm khoảng 1,2%, lớn nhất là Nam Phi, Bờ biển Ngà, Ai Cập, Angola, Angeria). 

Như vậy, cần phải tăng số thị trường, tăng thị phần đối với châu Phi, Mỹ La tinh, Trung Nam Á, một số nước Tây Á, một số nước Đông Âu. 

Cùng với việc mở rộng thị trường, thị phần, cần phát huy các thị trường đang có kim ngạch lớn, nhất là các thị trường có kim ngạch đạt từ 1 tỷ USD trở lên… 

Số thị trường đạt kim ngạch 1 tỷ USD đã tăng từ 1 (năm 1994, 1995) lên 19 (2010), lên 24 (2011), lên 25 (2012) và lên 26 (11 tháng năm 2013). Trong số này, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất (với 21,58 tỷ USD), tiếp đó là Nhật Bản (12,37 tỷ USD), Trung Quốc (11,96 tỷ USD), Hàn Quốc (6,11 tỷ USD); tiếp đó là các thị trường đạt hơn 4 tỷ USD (Malaysia, Đức); các thị trường đạt hơn 3 tỷ USD (UAE, Hongkong, Anh, Australia); các thị trường đạt hơn 2 tỷ USD (Thái Lan, Campuchia, Hà Lan, Singapore, Ấn Độ, Indonesia, Pháp…); thị trường đạt mức kim ngạch thấp nhất trong số này là Thổ Nhĩ Kỳ (1,09 tỷ USD).

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 26 thị trường nói trên chiếm tới 88,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Do vậy, việc tăng/giảm của 26 thị trường này sẽ có tác động lớn đến việc tăng/giảm của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. 

Mặc dù vậy, thị phần xuất khẩu ở các nước trên còn rất lớn, bởi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào các nước trên mới chiếm khoảng 0,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của các nước này. Song một vấn đề đặt ra, là đối với một số mặt hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp cần tránh bỏ trứng vào một giỏ để tránh rủi ro, nhất là tránh gặp các rào cản kỹ thuật như kiện bán phá giá, chịu thuế suất cao. Đồng thời, cần mở rộng ra các thị trường khác, nhất là châu Phi, Đông Âu, Nam Mỹ, Trung Nam Á, châu Đại Dương.

Minh Ngọc/Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất