Ngành y tế nhận định từ nay đến cuối năm, nhất là năm 2013 các dịch bệnh nguy hiểm như: tay, chân, miệng; sốt xuất huyết; cúm A(H5N1)..., còn diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát cao. Ðể chủ động phòng, chống dịch, bệnh, cần sự nỗ lực của toàn ngành y tế và sự tham gia chủ động, tích cực của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các địa phương và người dân.
Thống kê của ngành y tế cho thấy, bệnh tay, chân, miệng (TCM) vẫn tiếp tục gia tăng. Hiện cả nước đã ghi nhận 103.561 trường hợp mắc bệnh TCM tại 63 tỉnh, thành phố, tăng 81,5% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó có 42 trường hợp chết. Ðã có 51.256 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 42 trường hợp chết (tăng 20,5%) so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, bệnh SXH vẫn chủ yếu tập trung tại các tỉnh phía nam, miền trung. Ðiển hình như tỉnh An Giang đã có hơn bốn nghìn ca mắc bệnh SXH, trong đó, một số huyện có tỷ lệ số người mắc tăng từ 1,5 đến 2,5 lần so với năm 2011. Trong khi đó, bệnh dại đang có chiều hướng gia tăng ở một số tỉnh thuộc khu vực miền núi phía bắc như Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái..., cả nước ghi nhận 74 trường hợp chết do bệnh dại, trong đó có 72 trường hợp chết do không tiêm vắc-xin phòng dại, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Giám đốc Sở Y tế Sơn La Lầu Sáy Chứ cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La có khoảng bốn nghìn người bị chó cắn, trong đó có 18 trường hợp chết. Khó khăn lớn nhất hiện nay của địa phương trong công tác phòng dại là việc thiếu nguồn kinh phí mua vắc-xin phòng dại cho chó. Hiện nay, tỉnh mới chỉ hỗ trợ kinh phí tiêm vắc-xin phòng dại cho người, nhưng các đối tượng thụ hưởng chủ yếu thuộc diện người nghèo. Trong khi đó, nhận thức của đồng bào trong việc tiêm vắc-xin phòng dại cho chó, cũng như tiêm phòng dại cho người khi bị chó cắn còn nhiều hạn chế...
Bộ Y tế nhận định, từ nay đến cuối năm và năm 2013, các dịch, bệnh nguy hiểm tiếp tục diễn biến phức tạp, với sự gia tăng số mắc, số tử vong như bệnh TCM, SXH, cúm A(H5N1), tả, sốt rét, dại... Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng xuất hiện, bùng phát bệnh truyền nhiễm gây dịch là do sự biến đổi của tác nhân gây bệnh truyền nhiễm bởi một số chủng vi-rút nguy hiểm, các bệnh lây truyền từ động vật sang người cũng có chiều hướng gia tăng, trong khi đó việc giải quyết triệt để mầm bệnh trên động vật nuôi còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, do sự giao lưu giữa các khu vực, quá trình đô thị hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, sự biến đổi khí hậu dẫn đến sự gia tăng bất thường hoặc thay đổi quy luật của một số dịch, bệnh. Công tác truyền thông đã được triển khai tại cộng đồng nhưng mới dừng lại ở các chiến dịch rửa tay bằng xà-phòng, chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi SXH... Ðặc biệt, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, chưa tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh tại cộng đồng, nhất là thói quen vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm của một bộ phận dân cư chưa cao, đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch, bệnh mới phát sinh, phát triển. Ngoài ra, một số địa phương chưa có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền, cũng như ưu tiên kinh phí, khiến cho công tác này còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Ðáng chú ý, từ nay đến Tết Nguyên đán nhu cầu về các sản phẩm gia cầm là rất lớn, cũng như việc tách, nhập đàn gia cầm mới sẽ tăng ở các tháng đầu năm 2013 làm cho nguy cơ dịch cúm A(H5N1) ở gia cầm bùng phát và lây sang người là rất cao...
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Ngành y tế xác định trọng tâm trong công tác phòng, chống các dịch, bệnh nguy hiểm ba tháng cuối năm và năm 2013, với mục tiêu làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch, bệnh, nhất là không để dịch lớn xảy ra, nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ sức khỏe nhân dân... Bộ Y tế có kế hoạch tổng thể và đầu tư tài chính cho công tác phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm năm 2013, đồng thời hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong việc xây dựng kế hoạch, đầu tư nguồn tài chính cho công tác này. Ðồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tăng cường việc giám sát chủ động, phát hiện, cách ly, thu dung và điều trị kịp thời; thực hiện điều tra dịch tễ ca bệnh, phân tích, dự báo xu hướng phát triển của dịch, bệnh; giám sát trọng điểm một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; kiểm tra, giám sát và xử lý y tế tại các cửa khẩu biên giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập. Ðối với các giải pháp giảm tử vong, tiếp tục tăng cường năng lực cho bệnh viện các tuyến, phân tuyến điều trị; cập nhật phác đồ điều trị, trang bị phương tiện chẩn đoán, điều trị, cấp cứu cho người bệnh.
Tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Ðào tạo, Công thương..., các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội tham gia vào công tác phòng, chống dịch, bệnh. Ðẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe, tập trung phổ biến kiến thức, các biện pháp phòng, chống, giáo dục về vệ sinh tại những nơi có nguy cơ cao, nơi tập trung đông người... Tổ chức tốt các chiến dịch truyền thông nhằm vận động nhân dân thực hiện thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng, ngủ màn, ăn chín, uống sôi, nhất là thực hiện tốt chỉ tiêu ba công trình vệ sinh nhà tắm, giếng nước và nhà tiêu tại các hộ gia đình...
Nhân Dân điện tử