Thứ Năm, 21/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Sáu, 11/10/2024 14:29'(GMT+7)

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

Đồng chí Phan Xuân Thủy phát biểu định hướng tuyên truyền Hội nghị.

Đồng chí Phan Xuân Thủy phát biểu định hướng tuyên truyền Hội nghị.

Đồng chí Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Ngô Lê Văn - Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương thông tin chuyên đề “Tình hình ASEAN; kết quả một số hoạt động đối ngoại quan trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta thời gian gần đây và những định hưởng lớn của công tác đối ngoại trong thời gian tới".

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Định hướng tuyên truyền và kết luận hội nghị, đồng chí Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội, đội ngũ báo cáo viên các cấp tập trung tuyên truyền những nội dung sau:

Về tình hình ASEAN; kết quả một số hoạt động đối ngoại quan trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thời gian gần đây, tuyên truyền nhấn mạnh: Trải qua gần 6 thập kỷ tồn tại và phát triển, cho đến nay, ASEAN đang bước vào giai đoạn phát triển mới. ASEAN đang trong quá trình chuyển đổi trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có tiến triển hết sức nhanh chóng, với nhiều thời cơ mới đồng thời cũng đối mặt với những thách thức lớn chưa từng có.

Trong bức tranh kinh tế thế giới còn nhiều gam màu xám, ASEAN tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng. Với GDP 3.800 tỷ USD năm 2023, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và dự báo vươn lên thứ 4 vào năm 2030 với đà tăng trưởng như hiện nay. ASEAN hiện là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với tổng FDI đạt 229 tỷ USD năm 2023, vượt qua mọi nền kinh tế đang phát triển khác.

Gần 3 thập kỷ tham gia ASEAN, Việt Nam khẳng định là thành viên trách nhiệm với vai trò và tiếng nói ngày càng được coi trọng. Bám sát đường lối đối ngoại của Đảng, Việt Nam tiếp tục tham gia ASEAN trên tinh thần sẵn sàng đóng góp nhiều hơn và chủ động hơn cho công việc chung.

Về một số hoạt động đối ngoại quan trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thời gian gần đây, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị tuyên truyền nhấn mạnh: Các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao đã góp phần quan trọng thúc đẩy cục diện quan hệ đối ngoại ổn định, gia tăng tin cậy chính trị, giải quyết các vấn đề vướng mắc, tạo động lực thúc đẩy các mối quan hệ đối ngoại; tiếp tục tăng cường, thúc đẩy cục diện quan hệ đối ngoại tích cực với các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống; các hoạt động ngoại giao đa phương được tiếp tục đẩy mạnh, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Bên cạnh đó, tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025. Trước mắt, giai đoạn từ nay đến hết năm 2024, tập trung tuyên truyền các nội dung: “Niềm tin mới, khí thế mới”; “Cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế đất nước sau 40 năm đổi mới”; “Thời cơ, thách thức và trách nhiệm lịch sử của Đảng đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới”.

Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024). Trong đó chú trọng tuyên truyền những thành tựu, bài học kinh nghiệm và biểu dương tập thể, cá nhân điển hình trong 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện trọn vẹn Di chúc của Người, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra. Đấu tranh, phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và phủ định ý nghĩa, giá trị lý luận, thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, Di chúc nói riêng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, tập trung tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024 theo tài liệu chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đẩy mạnh tuyên truyền 12 nhóm giải pháp trong tâm, 5 nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tháng 9/2024, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhằm thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024.

Đặc biệt, tuyên truyền nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến tại Hội nghị lần thứ 10 (khóa XIII), xác định đây là nhiệm vụ chính trị và ưu tiên nguồn lực đầu tư thực hiện sớm.

Trong đó tuyên truyền nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đầu tư Dự án để hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và triển khai các quy hoạch; tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh.

Song song với đó, tập trung tuyên truyền một số nội dung quan trọng khác như: Tiếp tục tuyên truyền kết quả Hội nghị Trung ương 10 theo Đề cương của Văn phòng Trung ương Đảng; tuyên truyền Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X; tuyên truyền định hướng và giải pháp phát triển ngành than theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; tuyên truyền Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ: Quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản; đầu tư công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản đạt trình độ các nước tiên tiến khu vực châu Á và các nước phát triển, hình thành công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với bảo vệ môi trường, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa các-bon; chấm dứt các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra...

* Nhân dịp này, các đại biểu tham dự hội nghị đã đi nghiên cứu thực tế tại Công ty Nhôm Lâm Đồng, huyện Bảo Lâm.

Bảo Châu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất