Thứ Bảy, 23/11/2024
Xã hội
Thứ Bảy, 15/12/2018 13:42'(GMT+7)

Tây Ninh: Xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn

Một con đường giao thông nông thôn ở xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu đã được nâng cấp

Một con đường giao thông nông thôn ở xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu đã được nâng cấp

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền các cấp của tỉnh Tây Ninh đã ban hành và cụ thể hoá một số chủ trương, chính sách lớn của Trung ương như đề án cơ cấu lại nông nghiệp, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời, chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cơ sở và đánh giá kết quả hằng năm để rút ra kinh nghiệm ở các năm tiếp theo.

Việc gắn xây dựng nông thôn mới với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đã góp phần làm cho diện mạo nông thôn ở nhiều địa phương trong tỉnh có nhiều thay đổi. Đến cuối năm 2017 toàn tỉnh có 26/80 xã đạt 19 tiêu chí (22 xã đã được công nhận đạt chuẩn chiếm 27,5%, 4 xã đang thực hiện thủ tục công nhận) tăng  33,7% so với 2011; bình quân mỗi xã còn lại của tỉnh đạt 14,2 tiêu chí, tăng 10,5 tiêu chí so với năm 2011. Trong đó, có 10 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 33 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 10 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí.

Về giao thông nông thôn: trong giai đoạn 2008 - 2017, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở mới, duy tu, sửa chữa 1.832 km đường xã, đường ấp, đường xóm, đường nội đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2008. Đến nay đã có 29/80 xã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới về giao thông, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hoá trong vùng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhiều nơi đã hình thành các khu dân cư trên các tuyến đường nông thôn đã được xây dựng. Hệ thống giao thông nông thôn của tỉnh ngày càng được hoàn thiện (nhựa hóa, bê tông, sỏi đỏ), giai đoạn 2008 - 2017 đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở mới, duy tu sửa chữa trên 2.000 km đường giao thông (đường tỉnh, huyện, xã), xây mới 14 cầu giao thông. 

Về thuỷ lợi, hạ tầng thuỷ lợi:  Đến năm 2017, diện tích tưới là 147.830 hécta, tăng 90,5% (tăng 70.230 hécta so với năm 2008); cấp nước công nghiệp khoảng 4,9 triệu m3; triển khai Chương trình Kiên cố hóa kênh mương đã kiên cố hóa được 1.128/1.699 km kênh mương (đạt tỷ lệ 66,5%, tăng 39,3% so với năm 2008); hoàn thiện hệ thống kênh tưới tiêu đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt cho Nhân dân trong tỉnh nâng diện tích canh tác được chủ động tưới tiêu thường xuyên gấp 1,7 lần so với năm 2008. Công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng.

Thực tế đã xây mới, cải tạo, nâng cấp 474 công trình thuỷ lợi do xã quản lý, trong đó 239 km kênh mương nội đồng được kiên cố hóa; thực hiện tốt việc duy tu bảo dưỡng, điều tiết nước tưới hợp lý, thực hiện triệt để các biện pháp tiết kiệm trên toàn hệ thống. Ngoài ra, tỉnh đang triển khai thực hiện dự án Tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông để phục vụ tưới tiêu cho gần 17.000 hécta thuộc địa bàn 02 huyện Châu Thành và Bến Cầu. 

Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh từ 80% năm 2008 tăng lên 97,7% năm 2017. Trong đó, tỷ lệ sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn 02 Bộ Y tế đạt  50%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đến cuối năm 2017 là 91,34%.

Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã hỗ trợ 47.144 hộ cải tạo và xây mới 40.314 công trình vệ sinh.

Thực hiện Đề án tập trung các trạm cấp nước giao về đầu mối Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Sau khi các trạm cấp nước quản lý tập trung thì công tác quản lý vận hành, khai thác từng bước củng cố. Đến nay, số hộ sử dụng nước 17.585 hộ, tăng trên 50% so với năm 2008. 

Về điện nông thôn: Tỷ lệ hộ sử dụng điện tăng từ 96,81% (năm 2008) lên 99,57% (năm 2017), đạt 99,5% so với kế hoạch; đã có 32/80 xã đạt tiêu chí số 4 về điện nông thôn và điện đã được phủ khắp 95/95 phường, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Về trường học: Toàn tỉnh đã thực hiện kiên cố hóa trường lớp học với 1.589 phòng học; xây dựng 171 trường đạt chuẩn quốc gia (tăng 118 trường so với năm 2008), hoàn thành và công nhận đạt chuẩn quốc gia 35 trường. Đồng thời, đã thực hiện xây dựng mới, nâng cấp 27 Trung tâm văn hóa - Thể thao và học tập cộng đồng xã, 136 nhà văn hóa ấp đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 100% so với năm 2008), phục vụ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ở xã, ấp.

Về chợ nông thôn: Toàn tỉnh hiện có 84/86 chợ nông thôn đang hoạt động (kể cả chợ tạm, chợ bán 1 buổi sáng hoặc 1 buổi chiều, chợ tự phát). Trong 10 năm, đã đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp, di dời được 32 chợ nông thôn; đến nay, đã có 30 xã đạt chuẩn tiêu chí số 7 - Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, trong đó có 19 xã có chợ đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 30 xã so với năm 2008).

Về thông tin và truyền thông: đến nay, 100% xã bảo đảm khả năng cung cấp thông tin liên lạc được thông suốt, 100% xã đạt chỉ tiêu có internet đến ấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ cho người dân tìm kiếm, khai thác thông tin phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh xây dựng các chuyên mục trên sóng phát thanh như: “Nông nghiệp và nông thôn”, “Nông dân với khoa học kỹ thuật”, “Nông thôn mới”, “Khuyến nông - nông dân và nông thôn”, “Ngân hàng với tam nông”; đài truyền thanh các huyện, thành phố đều có chuyên mục về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các ấp, khu phố đều có cụm loa truyền thanh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 90% số hộ gia đình ở nông thôn có trang thiết bị nghe nhìn.

Về xây dựng trạm y tế xã: Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 80/80 trạm y tế xã (chiếm 100%) được công nhận đạt chuẩn quốc gia (tăng 20 xã so với năm 2008), cơ sở vật chất, chất lượng chăm sóc y tế cho người dân nông thôn được nâng lên, góp phần bảo đảm sức khoẻ cộng đồng.

Về xây dựng nhà ở dân cư: hoàn thành hỗ trợ 100% hộ nghèo thuộc diện hỗ trợ về nhà ở giai đoạn 2006 - 2010 theo Quyết định số 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, trong cuộc vận động “Quỹ vì người nghèo” tỉnh do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phát động đã được các tổ chức thành viên cấp tỉnh, huyện, thành phố; cơ quan đơn vị và các tầng lớp Nhân dân đóng góp, hỗ trợ hàng ngàn ngày công, vật liệu để cùng, huyện, xã xây tặng 5.223 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, trị giá trên 207.909 tỷ đồng; sửa chữa 3.659 căn nhà đại đoàn kết, trị giá 45 tỷ đồng, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền Tây Ninh cơ bản hoàn thành chỉ tiêu xây tặng nhà cho hộ nghèo. 

Thông qua Chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng nông thôn của tỉnh Tây Ninh được cải thiện ở rất nhiều nơi, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ môi trường...

Nguyễn Quang Thắng

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất