Thứ Ba, 15/10/2024
Xã hội
Thứ Sáu, 14/12/2018 9:32'(GMT+7)

Tây Ninh: Khởi sắc cùng nông thôn mới

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc (phải) trao bằng công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới cho lãnh đạo xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc (phải) trao bằng công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới cho lãnh đạo xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn" - Nghị quyết số 26-NQ/TW về "tam nông", các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương của tỉnh Tây Ninh đã xác định chủ trương xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị cơ sở; đã làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc thực hiện tái cơ cấu và xây dựng nông thôn mới trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với phương châm, xây dựng nông thôn mới là dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư, phát huy tốt dân chủ; làm rõ những nội dung nhà nước đầu tư, hỗ trợ và Nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp đóng góp để thực hiện gắn với việc phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở nông thôn, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh đã tham gia thực hiện các chương trình, hướng dẫn cho nông dân về chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất; củng cố phát triển phong trào thanh niên lập nghiệp tạo niềm tin khát vọng cho thanh niên vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới...

Sau 10 năm triển khai thực hiện, nhiều chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm được triển khai đồng bộ, tạo điều kiện giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống hộ nghèo, thay đổi đáng kể diện mạo các xã đặc biệt khó khăn góp phần kéo giảm; từ năm 2008 - 2015, thực hiện theo Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg về chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2005 - 2010 và Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg cho giai đoạn 2011 - 2015. Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,49%, so với năm 2008 (7,67%) đã giảm 6,18% (bình quân giảm 0,88%/năm)... các vùng nông thôn đã có sự chuyển biến tích cực. 
 
Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã thực hiện được 106 dự án với tổng số hộ được hỗ trợ là 5.677 hộ thể hiện sự quan tâm của các ngành, các cấp và chính quyền địa phương nhằm giúp đỡ các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn từng bước vươn lên để thoát nghèo. Ngoài ra, thông qua các hoạt động của các tổ chức thành viên Mặt trận, các ngành liên quan phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải ngân hỗ trợ vốn sản xuất, chăn nuôi cho trên 1.000 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay số tiền 29,2 tỉ đồng. Các phong trào "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi"; phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước, phong trào “Vì phụ nữ nghèo”; thanh niên lập nghiệp, đoàn viên thanh niên giúp nhau trong cuộc sống; Cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng... phát triển góp phần tăng cường tình đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. 

Giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, kết quả Tổng điều tra năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh là 4,32%, nhưng trong 2 năm 2016, 2017 đã giảm 0,84% (bình quân giảm 0,42%/năm), phấn đấu năm 2018 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2% theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh uỷ ngày 11/4/2018.

Cùng đó, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 29,4% năm 2008 lên 77% năm 2017 (tăng 2,6 lần so với năm 2008). Đời sống tinh thần được nâng lên; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” thu hút đông đảo người dân tham gia...

Thu nhập của người dân không ngừng được nâng lên, khu vực nông thôn năm 2017 ước tăng 2,9 lần so với năm 2008, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (Kế hoạch: tăng 2,5 lần), từ 13.572.000 đồng/người/năm (2008) lên 39.900.000 đồng/người/năm (2017).

Chương trình 135 cũng đã triển khai thực hiện 91 dự án phát triển sản xuất cho 20 xã biên giới, số lượng hộ nghèo và hộ cận nghèo được hỗ trợ là 3.880 hộ, với tổng tiền hỗ trợ (đến thời điểm tháng 31/12/2017) là: 19.621 triệu đồng. Đặc biệt, công tác quy hoạch bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần làm giảm thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân, bảo vệ rừng và ổn định an ninh vùng biên giới.Đến nay, đã thực hiện cơ bản hoàn thành bố trí 11 cụm dân cư (thuộc Đề án di dời dân ra khỏi đất lâm nghiệp) trong đó ổn định tại chỗ 544/544 hộ, bố trí, di dời là 510/591 hộ và đang triển khai 2 dự án cụm dân cư ấp Phước Mỹ, xã Phước Chỉ; cụm dân cư ấp Long Cường, xã Long Khánh, bố trí cho 179 hộ sống trong vùng thiên tai, khó khăn.

Đề án Bố trí, sắp xếp, ổn định 3 khu dân cư biên giới Bắc Tây Ninh tiến hành thực hiện bố trí tại khu dân cư Chàng Riệc với 500 hộ dân; khu dân cư ấp Tân Lâm, xã Tân Hà, huyện Tân Châu đang triển khai xây dựng, dự kiến bố trí ổn định về đất ở cho 332 hộ dân. Đồng thời, tỉnh đang xây dựng Đề án Hỗ trợ đời sống cho người dân di cư tự do từ Campuchia về trên địa bàn tỉnh Tây Ninh: giai đoạn 2018 - 2020, phấn đấu hoàn thành cơ bản việc trợ giúp đối với người dân di cư tự do từ Campuchia về tỉnh Tây Ninh không bị đói, có nơi ở và bảo đảm các nhu cầu, điều kiện sống tối thiểu.

Phát triển giáo dục - đào tạo ở nông thôn cũng đạt kết quả khả quan. Tỷ lệ trẻ em 6 tuổi ra lớp đạt 99,99%; phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt 100% huyện, thành phố; tiếp tục duy trì, giữ vững chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; nâng cao chất lượng, đẩy mạnh phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Hiện đã có 9/9 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 (tỷ lệ 100%); trong đó, có 2/9 huyện, thành phố đạt chuẩn mức độ 3 là thành phố Tây Ninh và huyện Dương Minh Châu (tỷ lệ 22,2%).

Công tác phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe dân cư nông thôn có nhiều tiến bộ trong công tác phòng bệnh, chữa bệnh và khống chế các dịch bệnh mới phát sinh. Chương trình y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng được các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp vận động các nhà tài trợ khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho trên 6 triệu lượt người nghèo; thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện ăn chín, uống sạch, ngủ mùng, xử lý rác thải, nước ao tù, phòng, ngừa dịch bệnh; đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào nghèo được quan tâm chăm sóc sức khoẻ ban đầu; có 27 xã (33,8%) đạt tiêu chí nông thôn mới, tăng 9 xã so với năm 2011.

Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được cấp uỷ, chính quyền ở cơ sở quan tâm chỉ đạo, tập trung nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, ấp (khu phố) văn hóa, không chạy theo thành tích, việc bình xét các danh hiệu văn hóa từng bước đi vào thực chất hơn. Kết quả cuối năm 2017, có 81,99% hộ gia đình và 86,76% ấp (khu phố) đạt chuẩn văn hóa (năm 2008 các danh hiệu đạt gần 95%); 71 Trung tâm Văn hóa - Thể thao và học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả. Chất lượng các hoạt động văn hóa - thông tin - thể dục, thể thao từng bước được nâng lên, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân, cộng đồng dân cư đặc biệt là Nhân dân vùng sâu, vùng biên giới. Có 78 xã (97,5%) đạt tiêu chí nông thôn mới, tăng 4 xã so với năm 2011. Các tệ nạn xã hội như mại dâm, đồng bóng bói toán, mê tín dị đoan ở nhiều khu dân cư được kéo giảm...

Có thể nói, sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành trong tỉnh về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đến nay đã đạt kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được tập trung triển khai đồng bộ với các giải pháp, có trọng tâm, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của người dân.

Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận dân cư ở nông thôn, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn thấp. Hầu hết xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn. Sự chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị còn khá lớn... đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành của tỉnh phải tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thiết thực đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống và trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong Nhân dân. 

Nguyễn Quang Thắng

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất