Chủ Nhật, 13/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 26/2/2015 9:47'(GMT+7)

Tết giảm giá, tín hiệu kinh tế tốt

Động lực từ giảm giá xăng, dầu

Tiến sĩ Vũ Như Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, cho rằng: CPI tháng 2-2015 giảm chủ yếu do giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm liên tục, mà gần đây nhất là ngày 21-1 (giá xăng giảm 1.900 đồng/lít-giảm 11,54%, dầu diesel giảm 1.460 đồng/lít-giảm 11,92%, dầu hỏa giảm 1.500 đồng/lít, kg-giảm 10,09%) nên chỉ số giá nhóm giao thông giảm tới 4,41%, kéo CPI cả nước giảm theo.

Phân tích cụ thể, giá nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm có tăng nhẹ nhưng do giá xăng, dầu giảm mạnh, giá cước vận tải giảm theo nên giá lương thực, thực phẩm không tăng cao. Ví dụ như: Giá thịt lợn tăng khoảng 0,67%; thịt bò tăng 1,55%; thịt gà tăng 1,91%; thịt gia cầm tăng 1,6%; trứng gia cầm tăng 1,25%; thủy sản tươi sống tăng 1,34%; thủy sản chế biến tăng 1,04%... Riêng mặt hàng rau tươi, khô và chế biến giảm 2,1%; đường giảm 0,22% do nguồn cung dồi dào. Kết quả là các nhóm hàng có quyền số lớn không tăng mạnh giống thông lệ dịp Tết hằng năm. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 2 (nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 11 nhóm hàng chính) chỉ tăng 0,53% so với tháng trước, thấp hơn nhiều so với tháng 2 của những năm trước (năm 2011 tăng 3,65%; năm 2012 tăng 2,11%; năm 2013 tăng 2,28%; năm 2014 tăng 1,15%). Tương tự, nhóm hàng đồ uống, thuốc lá và may mặc, mũ nón, giày dép cũng chỉ tăng lần lượt 0,56% và 0,45%, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng nhẹ. Ngoài ra, không tính vào chỉ số CPI, chỉ số giá vàng tăng 2,7%, chỉ số giá USD giảm 0,2%.

Như vậy, theo phân tích của Tiến sĩ Vũ Như Thăng, CPI tháng 1 và tháng 2-hai tháng có kỳ nghỉ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán kéo dài-đều giảm là tín hiệu cho thấy lạm phát cả năm 2015 sẽ tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, hoàn toàn có khả năng đạt được mục tiêu. Ngoài nguyên nhân giá xăng, dầu giảm, sức tiêu thụ và mua sắm của người dân, dù cải thiện, nhưng vẫn không quá đột biến, đồng thời, lượng cung hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân dồi dào đã khiến CPI tháng 2 giảm.

Bên cạnh đó, có thể kể đến một nguyên nhân nữa khiến CPI các loại hàng hóa tiêu dùng, đặc biệt là thực phẩm trong dịp Tết ít biến động, là do xu hướng tự túc đồ ăn trong dịp Tết của người dân thay vì đổ xô ra mua hàng tại siêu thị, chợ đầu mối. Thực tế vài năm gần đây, rất nhiều gia đình ở các thành phố lớn đều chủ động về quê hay đi các tỉnh xa để mua sắm lương thực, thực phẩm sạch, an toàn, chuẩn bị cho ngày Tết. Đồng thời, các mặt hàng thực phẩm tự làm phục vụ ngày Tết cũng được bán rộng rãi, giá cả phải chăng và chất lượng ngày càng bảo đảm cũng đã phần nào khiến cho giá cả ít biến động.
Chợ hoa Hàng Lược (Hà Nội) tấp nập ngày giáp Tết.

Bà Hà Ngọc Diệp, một hộ kinh doanh đặc sản gạo, thịt trâu khô có tiếng ở thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, cho biết: Gia đình bà cùng rất nhiều hộ khác cứ đến dịp sát Tết là tổ chức chế biến các món ăn đặc sản như: Thịt trâu gác bếp, măng khô, lạp xường sấy, bắp bò muối và cả gói giò, bánh chưng… để bán cho khách hàng. Số lượng khách đặt mua ngày càng tăng, kể cả ở Hà Nội hay các tỉnh xa đều liên hệ mua đồ phục vụ Tết vì giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm và không kém phần đặc sắc.

Mặc dù vậy, chuyện CPI giảm cũng đã làm dấy lên mối lo về tình trạng giảm phát. Liên quan đến vấn đề này, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1-2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, việc CPI tiếp tục giảm tháng thứ 3 liên tiếp không phải là dấu hiệu của sự giảm phát, bởi nguyên nhân chủ yếu do giá xăng, dầu, giá gas trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh theo giá thế giới.

Hiệu quả từ các chính sách


Theo ước tính của Bộ Công Thương, giá trị hàng hóa cả nước tiêu dùng cho một tháng dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 đạt khoảng 200.000 tỷ đồng, tăng 10-15% so với Tết Giáp Ngọ 2014. Chính vì thế, ngay từ trước Tết, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, các ngành chức năng và các địa phương đã liên tục có chỉ đạo về tăng cường công tác bình ổn giá. Hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổ chức và phối hợp với doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá, trong đó nhiều doanh nghiệp không nhận vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh không nằm trong chương trình bình ổn thị trường cũng đã chuẩn bị nguồn hàng Tết trị giá cao hơn mức tiêu thụ tháng bình thường từ 10-15%, cao hơn cùng kỳ Tết Giáp Ngọ 2014 từ 5-8%.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết: Qua kiểm tra tại một số địa phương ở ba miền Bắc, Trung, Nam, cơ bản các doanh nghiệp đều chuẩn bị lượng hàng phục vụ Tết phù hợp dung lượng thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của người dân; các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết không tăng giá trong dịp Tết, nhờ đó, mặt bằng giá cả thị trường Tết không có nhiều biến động, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, tăng giá đột biến. Như vậy, mặc dù nhu cầu đối với các mặt hàng phục vụ Tết tăng cao trong tháng 2 nhưng nguồn cung đã đáp ứng đủ nhu cầu. Ngoài ra, với sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, sự dẫn dắt của các đơn vị triển khai chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương và tác động của giá các mặt hàng nhiên liệu năng lượng đầu vào ở mức thấp, nên giá cả hàng hóa trong tháng 2 chỉ biến động nhẹ.

Đặc biệt, do giá xăng, dầu liên tục giảm sâu nên Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, tăng cường quản lý việc điều chỉnh giá cước vận tải trong cả nước, khiến cho giá vận tải giảm đáng kể trong dịp Tết. Tháng 12-2014, giá cước vận tải bằng ô tô đã điều chỉnh giảm một đợt (cước vận tải hành khách bằng xe taxi giảm từ 0,92-26,32%, phổ biến giảm từ 3-10%, cước vận tải hành khách tuyến cố định giảm từ 3-21,7% (phổ biến giảm từ 5-10%). Tháng 1-2015, các cơ quan chức năng kiểm tra liên ngành tại 40 đơn vị kinh doanh vận tải tại các địa phương có lượng hành khách sử dụng taxi và các tuyến vận tải cố định bằng ô tô lớn tại ba khu vực miền Bắc (Hà Nội); miền Trung (Đà Nẵng); miền Nam (gồm: TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai). Qua kiểm tra cho thấy, các đơn vị cơ bản chấp hành đầy đủ quy định về niêm yết giá vé, thực hiện kê khai giá với cơ quan quản lý Nhà nước, mức giá kê khai tương đối phù hợp với biến động chi phí đầu vào, yếu tố giảm giá nhiên liệu và tỷ trọng chi phí nhiên liệu trong giá thành vận tải. Tuy nhiên, vẫn còn có những doanh nghiệp kê khai với tỷ lệ giảm giá còn thấp hoặc còn có đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định chưa điều chỉnh giảm giá. Bộ Tài chính đã có văn bản chỉ đạo sở tài chính địa phương, yêu cầu tiếp tục thực hiện kê khai giảm giá và xử lý vi phạm hành chính hành vi kê khai giá cước không hợp lý, chưa kịp thời, chưa đúng quy định.

Theo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất