Mùa Xuân năm Canh Tý 1960, Bác Hồ kính yêu đã phát động Tết trồng cây. Từ đó tới nay, Tết trồng cây trở thành một phong trào rộng rãi, sôi nổi từ đô thị đến nông thôn, tạo nên một nét Xuân độc đáo, truyền thống tốt đẹp được đông đảo người dân hưởng ứng, mang lại giá trị thực tiễn, nhân lên màu xanh, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Vì một Việt Nam xanh, phát triển bền vững
Những ngày đầu Xuân Quý Mão 2023, các ngành, các cấp và người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc sôi nổi hưởng ứng Tết trồng cây theo lời dạy của Bác, thiết thực mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới, mở đầu cho các phong trào trồng cây xanh trong cả năm.
Tại Khu Di tích K9 - Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Quốc phòng và thành phố Hà Nội tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Đây là hoạt động cấp quốc gia mở đầu cho lễ phát động đồng loạt Tết trồng cây trong cả nước nhằm triển khai thực hiện chương trình "Vì một Việt Nam xanh" trong năm 2023 với mục tiêu trồng mới 22,5 triệu cây xanh.
Dự Lễ phát động và tham gia Tết trồng cây tại đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước, các cháu học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, người Việt Nam và các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam hãy hăng hái tham gia trồng cây ngay từ những ngày đầu Xuân và cả năm; vì một Việt Nam xanh, an toàn, phát triển bền vững. Việc trồng cây không chỉ bảo vệ cảnh quan môi trường và đa dạng sinh học mà còn là một ngành kinh tế quan trọng, mang lại nguồn lợi to lớn cho nước ta ở hiện tại và tương lai.
Thực hiện di nguyện của Bác, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chương trình trồng, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Hàng triệu héc ta rừng, hàng trăm triệu cây xanh đã được trồng trên khắp mọi miền Tổ quốc, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, cải thiện môi trường sinh thái, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp tích cực vào việc giảm nhẹ thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Độ che phủ rừng trên toàn quốc tăng từ 28% vào năm 1990 lên trên 42% vào năm 2022; hấp thụ được trên 70 triệu tấn CO2. Việc trồng cây không chỉ bảo vệ cảnh quan môi trường và đa dạng sinh học mà còn là một ngành kinh tế quan trọng, mang lại nguồn lợi to lớn cho đất nước ở hiện tại và tương lai.
Phát động thi đua và Tết trồng cây năm 2023 tại tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị thực hiện cho kỳ được vấn đề cốt lõi nhất: Những người trồng rừng phải sống được bằng rừng và giàu lên từ rừng, quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Tuyên Quang là Trung tâm lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất, chế biến gỗ vùng trung du và miền núi Bắc Bộ theo yêu cầu tại Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Chủ tịch Quốc hội tin tưởng "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Quý Mão của tỉnh nhất định đạt được nhiều kết quả tốt đẹp hơn, góp phần xây dựng nước Việt rực rỡ xanh tươi, phát triển bền vững.
Phát động Tết trồng cây tại Hưng Yên, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định, đây là hoạt động có ý nghĩa góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, phòng, chống thiên tai, điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái. Mỗi người dân hãy tích cực trồng cây, trồng cây gắn với cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng…
Tại khu vực xây dựng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Bộ Quốc phòng đã phát động Tết trồng cây, phấn đấu hoàn thành tốt kế hoạch trồng gần 3,2 triệu cây phân tán và hơn 2.000 ha rừng trong năm 2023. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu, việc tổ chức trồng cây phải bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; huy động được sự vào cuộc của các tổ chức quần chúng. Cùng với việc trồng cây, trồng rừng, các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân thực hiện đồng bộ các giải pháp trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh; chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng...
Với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh”, phát động Tết trồng cây năm 2023 tại tỉnh Phú Thọ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sỹ hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng đạt hiệu quả cao. Mỗi cán bộ, chiến sỹ cần nâng cao ý thức và có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ rừng; phòng, chống, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm về môi trường; ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép…
Nhân lên nét đẹp độc đáo đầu Xuân
Hòa cùng không khí mừng Đảng, mừng Xuân mới, Tết trồng cây Xuân Quý Mão đã được phát động rộng khắp tại các đơn vị, địa phương trong cả nước, qua đó khơi dậy phong trào trồng cây trong các cơ quan, đơn vị và quần chúng nhân dân; đẩy mạnh việc trồng, bảo vệ, phát triển rừng, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức lễ phát động trồng cây ở xã Thạch Yên, huyện Cao Phong. Theo Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy, năm 2023, các cấp bộ Đoàn phấn đấu thực hiện mục tiêu trồng mới 20 triệu cây xanh. Đây là bước khởi đầu cho quá trình thực hiện chỉ tiêu nhiệm kỳ mà Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII đề ra là trồng 100 triệu cây xanh, hướng tới thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025.
Tại quận Hải An, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cùng đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể tham dự phát động Tết trồng cây. Những năm qua, phong trào trồng cây được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong quận quan tâm thực hiện thường xuyên. Đến nay, diện tích đất cây xanh trên địa bàn quận đạt trên 18,3m2/người; các khu dân cư, đường phố, trụ sở, trường học, khu đô thị mới, khu công nghiệp... tiếp tục được phủ xanh, góp phần xây dựng quận Hải An sớm trở thành đô thị xanh, văn minh, hiện đại.
Vùng mỏ Quảng Ninh phấn đấu trồng 1 triệu cây xanh dịp Xuân này. Năm 2023, ngành Lâm nghiệp Quảng Ninh đặt mục tiêu trồng 11.640 ha rừng trồng tập trung, trong đó có ít nhất 2.000 ha lim, dổi, lát...; đồng thời dần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng tỷ lệ trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa, diện tích rừng ngập mặn trên toàn tỉnh.
Phát động Tết trồng cây năm Quý Mão, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, các địa phương tập trung quản lý chặt chẽ, bảo vệ, sử dụng bền vững rừng tự nhiên hiện có; đẩy mạnh tái sinh rừng tự nhiên, nâng cao chất lượng rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; phát triển du lịch sinh thái, kinh tế dưới tán rừng; trồng cây dược liệu dưới tán rừng và các dịch vụ môi trường rừng. Tỉnh Sơn La quyết tâm hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu về phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2023, đạt tỷ lệ che phủ rừng 48,2%; bảo vệ rừng trên 680.000 ha; diện tích rừng trồng mới đạt trên 2.000 ha; trồng 298.000 cây phân tán; diện tích rừng trồng được chăm sóc trên 24.000 ha; diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh gần 31.000 ha.
Việc tổ chức Tết trồng cây luôn được tỉnh Nghệ An xác định là việc làm quan trọng, gắn liền với quá trình phát triển toàn diện của tỉnh. Năm 2023, tỉnh có kế hoạch trồng mới 18.500 ha rừng tập trung, bảo vệ tốt 964.660 ha rừng, giữ vững ổn định tỷ lệ độ che phủ của rừng trên 58%. Tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây đảm bảo thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương; tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia.
Trong chương trình Tết trồng cây do Thành Đoàn Đà Nẵng phát động, Ban tổ chức đã trao 30.000 cây keo giống và 35.000 cây xanh các loại cho 7 quận, huyện Đoàn. Theo Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng Nguyễn Mạnh Dũng, đây là hoạt động thường niên, thể hiện tinh thần xung kích, trách nhiệm của tuổi trẻ thành phố trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hăng hái tham gia trồng cây, bảo vệ rừng.
Với mục tiêu góp phần xây dựng môi trường "Xanh - Sạch - Sáng", xứng tầm với thành phố du lịch của cả nước, thành phố Văn hóa ASEAN, tại Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Mão, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế kêu gọi mọi người dân, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh, tổ chức quốc tế chung sức, đồng lòng, đồng hành, hỗ trợ tỉnh trong việc trồng cây, gây rừng. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 11.300 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, tỉnh Quảng Trị duy trì phong trào trồng cây, trồng rừng. Năm nay, phát động Tết trồng cây ở Khu di tích thành Tân Sở, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng kêu gọi các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, bảo vệ và phát triển rừng. Các ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp bền vững. Năm 2023, tỉnh phấn đấu trồng khoảng 10.000 ha rừng.
Theo ông Huỳnh Thanh Phong, Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh (Hậu Giang), để duy trì phong trào trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, các cấp, các ngành, UBND các phường, xã tích cực tuyên truyền đến đông đảo nhân dân về ý nghĩa của Tết trồng cây, vai trò, tác dụng to lớn, lợi ích toàn diện, lâu dài, giá trị nhân văn của việc trồng cây và phát động phong trào trồng cây phù hợp điều kiện từng địa phương, cơ quan, đơn vị, đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả.
Phong trào trồng cây mỗi dịp Xuân về đang được các địa phương, đơn vị và nhân dân tích cực hưởng ứng, góp phần cùng cả nước thực hiện tốt Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025./.
Theo TTXVN