Nói về Tết Nguyên đán, cựu Công sứ Hideo Suzuki coi đó là một di sản văn hóa, một dạng “quyền lực mềm” giúp kết nối tất cả mọi người, gắn kết cộng đồng. Chữ "Nguyên" có nghĩa là bắt đầu, chữ "đán" có nghĩa là buổi ban mai và "Nguyên đán" là khởi điểm của năm mới, là mùa sum vầy cùng gia đình sau những tháng ngày bận rộn với "cơm, áo, gạo, tiền".
Trước đây, thời còn là sinh viên trường ngoại ngữ, mỗi lần có dịp tiếp xúc với những đại sứ nước ngoài, chúng tôi thường có cảm giác một chút "ngài ngại". Hồi ấy, tôi nghĩ những buổi giao lưu đó mang tính xã giao là nhiều, bởi họ là những bậc thầy về khoản "ăn nói".
Tuy nhiên, nghề báo đã trao cho tôi cơ hội nhìn nhận lại điều này. Tôi được gặp gỡ và biết thêm nhiều khía cạnh rất nhân văn của những nhà ngoại giao ấy. Ðặc biệt, chính họ đã "thu phục" tôi bằng sự chân tình qua những chia sẻ về ký ức của nhiều mùa Tết Nguyên đán tại Việt Nam - mảnh ghép văn hóa đặc sắc mà họ ví như một dạng "quyền lực mềm", càng khám phá lại càng thu hút.
Tết là ẩm thực - văn hóa - lịch sử
Năm 2018 là năm thứ mười cựu Đại sứ Pháp Jean-Noel Poirier ăn Tết cổ truyền tại Việt Nam. Thông thường, vào những ngày giáp Tết, gia đình cựu Đại sứ và gia đình một người bạn Việt tổ chức gói bánh chưng. Phu nhân cựu Đại sứ, bà Eva Nguyễn Bình và con trai thích tự tay gói bánh, còn cựu Đại sứ thì thích tự đi mua cành đào về cắm trong nhà. Có năm ông mua tận hai cành để ở phòng khách và phòng làm việc.
Cựu Đại sứ còn thích bày mâm ngũ quả và treo các câu đối đỏ trong nhà - những nét đặc trưng của Tết cổ truyền Việt Nam. Ngoài ra, khay đựng bánh kẹo để mời khách của gia đình cựu Đại sứ cũng luôn có các món mứt và ô mai phố Hàng Đường.
|
Thông thường, vào những ngày giáp Tết, gia đình cựu Ðại sứ Pháp Jean-Noel Poirier và gia đình một người bạn Việt tổ chức gói bánh chưng. Phu nhân cựu Ðại sứ, bà Eva Nguyễn Bình và con trai thích tự tay gói bánh.
|
Cũng theo lời kể của Jean-Noel Poirier thì Tết Nguyên đán đầu tiên của ông tại Việt Nam là năm 2013. Lúc đó, vì gia đình vẫn còn ở Pháp, nên ông quyết định đến ăn Tết miền quê cùng một gia đình nông dân ở tỉnh Hòa Bình. Ở đó trong vài ngày, cựu Đại sứ đã tập nói tiếng Việt và được tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống vùng nông thôn miền Bắc.
Khác với sự yên bình và mộc mạc chốn thôn quê, ông Jean-Noel nói: "Tết ở Hà Nội rất lạ lẫm, huyền ảo. Cả Thủ đô như ngợp trong âm thanh ồn ào, người người đi lại sắm tết trong màu sắc của biết bao loài hoa, đặc biệt là hoa đào, trong mùi hương của các phố ẩm thực với các món ăn tất niên. Tôi cũng bị cuốn vào cái không khí sắm tết độc đáo đó. Đặc biệt, dịp cuối năm bận thế nào tôi cũng phải đi ăn món bún đậu mắm tôm. Đúng, lân la vỉa hè giúp tôi sớm phát hiện ra những món ẩm thực thú vị khác của 36 phố phường. Từ phở, tôi chuyển sang nghiện... bún đậu mắm tôm, nổi tiếng trong ngõ Phất Lộc hoặc là ngõ chợ Đồng Xuân. Phải ăn tất niên chứ đầu năm người ta kiêng.”
Một năm khác, cả gia đình ông về quê ngoại của bà Eva Nguyễn Bình ở Sa Đéc (Đồng Tháp) để ăn Tết. Jean-Noel Poirier cười thích thú và nói: “Trong khi phu nhân và con tôi không thể ăn được món chuột đồng, món chim hấp thì tôi rụt rè ăn thử và thấy ngon quá!". Chưa hết, ấn tượng của cựu Đại sứ về Tết cổ truyền Hà Nội còn có tục kiêng kị xuất hành.
"Sáng mùng Một, mọi người ở trong nhà. Lúc này, ra ngắm phố Hà Nội thì thật hiếm có và sẽ là cơ hội để bạn tha hồ thong dong đi chơi trong thành phố. Khi xuất hành, mọi người tìm hướng tốt để được may mắn cả năm. Tiếp đến là đi lễ chùa để cầu an. Chỉ thấy tiếng cười, tiếng chúc tụng, mọi người thân ái bỏ qua những điều không hay", ông nói.
Khác với cựu Đại sứ Pháp Jean-Noel Poirier, cựu Đại sứ Italia Lorenzo Angeloni không ở lại Việt Nam khi hết nhiệm kỳ mà được bổ nhiệm làm Đại sứ Italia tại Ấn Độ. Tuy vậy, ông vẫn dành một tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam.
|
Cựu Ðại sứ Italia Lorenzo Angeloni vui Tết Nguyên đán Việt Nam với những người bạn.
|
Hồi tháng 5-2017, ông đã trở lại Việt Nam để giới thiệu cuốn sách do chính ông viết mang tên "Vùng cách ly", nói về những ngày tháng mà đại dịch SARS hoành hành ở Việt Nam.
Khi nhắc đến chủ đề Tết Nguyên đán, Lorenzo Angeloni hào hứng chia sẻ rằng, con đường ngắn nhất để đến với trái tim là đi qua đường dạ dày và điều này thì quá đúng với trường hợp của ông: "Nếu coi văn hóa Việt là trái tim thì đích thị mâm cỗ Tết là con đường dẫn lối, đưa tôi tới trái tim ấy.”
Năm 2011 là năm đầu tiên ông biết thế nào là cỗ mồng Một. Năm ấy, ông được gia đình một người bạn Việt Nam mời tới nhà dùng bữa, và khi nhìn thấy một mâm cỗ Tết với cả chục món được bày kín trên bàn ăn, Angeloni đã thực sự "đứng hình" vài giây.
"Ôi những người bạn Việt Nam, tôi cứ ngỡ như mình được đi dự một buổi yến tiệc vậy. Nào là nem rán, xôi gấc, bát canh măng khô ninh với móng giò nóng hổi, đĩa bóng xào rau củ sần sật, hay đĩa giò tai dậy mùi tiêu”.
Lorenzo kể rằng, ông có quay lại Việt Nam vài lần kể từ khi kết thúc nhiệm kỳ và lần nào cũng đi ăn quán bún chả nem rán nổi tiếng ở phố Hàng Mành. Ấy thế nhưng cái cảm giác vừa thổi vừa ăn một chiếc nem rán nóng giòn chấm với nước mắm chua ngọt trong tiết trời ngậm lạnh, mưa phùn của Tết thì trên cả tuyệt vời.
Bật mí một chút, sau bữa cơm ấm cúng và hoành tráng năm ấy, Lorenzo đã học được một điều thú vị mà ông coi là bí kíp. “Với món bánh chưng, các bạn không dùng dao để cắt mà chiếc bánh được chia đều thành nhiều phần bằng những dây lạt trắng ngà. Bọn trẻ thì lại rất thích thú với phần thịt còn sót trên mấy sợi lạt sau khi mẹ chúng chia bánh. Tôi cũng đã thử làm và thấy mình rất có khiếu”, Lorenzo Angeloni nhớ lại.
Thêm vào đó, ngài cựu Đại sứ nhận định rằng, món bánh chưng nói riêng hay mâm cỗ ngày Tết của người Việt nói chung không đơn giản chỉ là ẩm thực mà còn là văn hóa và chứa đựng cả một bề dày lịch sử truyền thống.
Cựu Đại sứ Lorenzo Angeloni luôn cảm thấy ông thực sự may mắn và tự hào khi được Chính phủ Italia giao đi nhiệm kỳ từ tháng 10-2010 đến tháng 3-2015 tại Việt Nam, một đất nước hội nhập linh hoạt nhưng vẫn giữ vững bản sắc dân tộc.
Và những chia sẻ giản dị nhưng lắng đọng ấy của ngài cựu Đại sứ đã nhắc tôi nhớ đến câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Italia hồi năm 2013: "Tôi chỉ dặn bà con Việt kiều, các cháu sinh viên và nghiên cứu sinh đang lưu học tại Italia rằng, dù đi đâu, làm gì mình cũng ngẩng cao đầu ta là người Việt Nam".
“Quyền lực mềm” gắn kết cộng đồng
Gần hơn một chút với văn hóa Việt Nam là văn hóa của người Nhật Bản. Nói về Tết Nguyên đán, cựu Công sứ Hideo Suzuki coi đó là một di sản văn hóa, một dạng “quyền lực mềm” giúp kết nối tất cả mọi người, gắn kết cộng đồng. Chữ "Nguyên" có nghĩa là bắt đầu, chữ "đán" có nghĩa là buổi ban mai và "Nguyên đán" là khởi điểm của năm mới, là mùa sum vầy cùng gia đình sau những tháng ngày bận rộn với "cơm, áo, gạo, tiền".
Ông chia sẻ: “Trong năm đầu tiên, Tết Việt rất khác so với những gì tôi kỳ vọng vì hầu hết mọi cửa hàng đều đóng cửa. Ở Nhật Bản thì khác, dù các nhân viên công sở thường được nghỉ năm hoặc sáu ngày nhưng các cửa hàng, trung tâm mua sắm vẫn tấp nập mở cửa trong những ngày đầu năm. Sau đó, tôi có đến thăm và chúc mừng gia đình của vài người bạn. Cả nhà họ đoàn viên quây quần, ai nấy đều mặc những bộ áo dài truyền thống, có người còn đội cả khăn xếp. Lũ trẻ thì ngoan ngoãn đứng thành hàng ngay ngắn chờ nhận lì xì. Ở cái tết thứ hai, tôi đã thông minh hơn. Tôi tra trên mạng và hỏi mọi người về những địa điểm diễn ra các lễ hội đặc sắc. Và tôi đã đến lễ hội Gò Đống Đa, lễ hội Gióng... vô cùng ấn tượng. Tôi nghĩ mình có thể đứng hàng giờ để xem các màn biểu diễn với ngựa, voi và các lễ cúng tế”.
|
Cựu Công sứ Nhật Bản tại Việt Nam Hideo Suzuki thả cá tại khu quần thể giao lưu văn hóa ẩm thực Việt - Nhật năm 2013.
|
Trước đây, Nhật Bản đã thay thế Tết âm bằng Tết dương lịch vì những đòi hỏi của nền kinh tế ở thời kỳ Minh Trị vào cuối năm 1872. Dù vậy, trên thực tế rất nhiều người dân Nhật Bản vẫn thấy vô cùng tiếc nuối.
Ông Hideo Suzuki nhấn mạnh: “Tôi rất thích cảm giác khi những cô bán lá mùi lướt nhanh trên chiếc xe đạp thồ để tới họp chợ Tết, rồi trên đường phố đầy quất vàng và hoa đào nữa. Từng chi tiết đều khiến tôi nhớ về đất nước mình. Và các bạn nên gìn giữ ngày Tết cổ truyền, một nét văn hóa giá trị không chỉ đối với mỗi người dân Việt Nam mà còn giúp bạn bè quốc tế hiểu được một Việt Nam năng động, duyên dáng, hòa nhập nhưng không hòa tan”.
Huyền Chi-Linh Ðan (Báo CAND)