(TG)- Ước thực hiện năm 2017, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) chi trả cho 2.656.375 lượt bệnh nhân KCB nội, ngoại trú, tổng chi phí 1.884,14 tỷ đồng; trong đó: khám chữa bệnh (KCB) nội tỉnh 2.549.875 lượt người, chi phí 1.286,14 tỷ đồng (tăng 281.436 lượt người, bằng 12,4%; chi phí tăng 316,2 tỷ đồng, bằng 32,6% so với cùng kỳ năm 2016); KCB ngoại tỉnh 106.500 lượt người, chi phí 598 tỷ đồng (tăng 23.248 lượt người, bằng 27,9%; chi phí tăng 188,6 tỷ đồng, bằng 46% so với cùng kỳ năm 2016).
Năm 2017, công tác an sinh xã hội vẫn luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Thái Bình quan tâm thực hiện, tạo nền tảng quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội và thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc của các cấp uỷ đảng, chính quyền trong tỉnh.
Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân
Trong năm qua, ngành Y tế của tỉnh Thái Bình đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị tăng cường giám sát, phát hiện, cách ly điều trị, xử lý triệt để các ổ dịch, phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai và nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Hệ thống y tế dự phòng đã thực hiện nghiêm túc việc tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động theo kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm của tỉnh năm 2017, ưu tiên tập trung cho công tác giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm gây dịch; phối hợp có hiệu quả với cơ quan thú y trong chia sẻ thông tin và phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người. Tổ chức giám sát và triển khai các biện pháp truyền thông cho hành khách xuất, nhập cảnh đi/đến vùng có dịch về các biện pháp phòng chống; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc sốt xuất huyết tại cơ sở y tế và cộng đồng.
Các chương trình mục tiêu y tế được duy trì và thực hiện có hiệu quả. Công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức và các quy định của pháp luật, về vệ sinh an toàn thực phẩm được tiến hành thường xuyên. Công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trong thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán Đinh Dậu và dịp Tết Trung thu 2017 được tiến hành thường xuyên. Các đoàn liên ngành, chuyên ngành đã tiến hành kiểm tra, phát hiện 1.763 cơ sở, cơ sở bị cảnh cáo là 225, 167 cơ sở bị phạt với tổng số tiền phạt là gần 310,65 triệu đồng, tiêu hủy 7 kg mì chính không có nhãn mác quy định, 5 kg bột ngọt giả bao bì nhãn hiệu Ajinomoto, 298 lít rượu các loại không đông nhất chủng loại, 3,5 kg sứa đóng gói quá hạn sử dụng và 600 kg da, mỡ lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, tạm giữ 350 kg đường Thái Lan đóng gói giả hàng Việt Nam. Tổ chức thẩm định cấp mới 175 và cấp đổi 04 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; số sản phẩm được tiếp nhận công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định ATTP là 151 sản phẩm; gia hạn 09 sản phẩm; cấp 1.885 giấy xác nhận kiến thức ATTP cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cấp 03 giấy xác nhận nội dung quảng cáo dưới hình thức hội nghị cho 03 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.
Các chương trình mục tiêu y tế được duy trì và thực hiện có hiệu quả. Công tác truyền thông, giáo dục về phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS tiếp tục được đẩy mạnh với các chương trình giám sát và can thiệp giảm thiểu tác hại. Hoạt động của các cơ sở điều trị chất thay thế Methadone cho người nghiện ma túy và ARV cho người nhiễm HIV/AIDS được duy trì, an toàn, không có tai biến. Đến hết tháng 10 năm 2017, tỉnh đang quản lý 3.284 người nhiễm HIV/AIDS ở 252/286 xã, phường, thị trấn.
Công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình tiếp tục được triển khai với nhiều mô hình, giải pháp có hiệu quả. Tham mưu cho Tổng cục Dân số-Kế hoạch háo gia đình phê duyệt Đề án "Nâng cao chất lượng dân số thông qua xây dựng và mở rộng hệ thống sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016-2020"; tổ chức khai trương và cắt băng khánh thành Trung tâm sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tỉnh Thái Bình tại Bệnh viện Phụ sản An Đức (31-3-2017), tổ chức hội thảo góp ý cho dự thảo Đề án sàng lọc, chuẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh giai đoạn 2017-2020 cho 31 tỉnh phía Bắc; tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Đề án Chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng giai đoạn 2017-2025; Đề án kiểm soát cân bằng giới tình khi sinh giai đoạn 2017-2025 (Quyết định số 1288/QĐ-UBND ngày 23-5-2017).
Đẩy mạnh thực hiện an sinh xã hội
Năm 2017, BHXH của tỉnh đã tập trung mở rộng được 220 đơn vị với 3.300 lao động; số thu đạt 3.208,4 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch giao (tăng 197,6 tỷ đồng, bằng 6,56% so với cùng kỳ năm 2016). Hiện tại, toàn tỉnh có 7.838 đơn vị tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); 156.299 người tham gia BHXH bắt buộc; 8.149 người tham gia BHXH tự nguyện; 145.470 người tham gia BHTN; 1.535.492 người tham gia BHYT, chiếm 85,7% dân số của tỉnh (trong đó có 413.733 người tham gia BHYT hộ gia đình). Bảo hiểm xã hội tỉnh đang quản lý và thực hiện chế độ BHXH hằng tháng đối với 99.924 người (tăng 640 người so với cùng kỳ năm 2016), trong đó: Hưu trí 72.502 người, mất sức lao động 5.875 người, các đối tượng hưởng trợ cấp khác 21.547 người. Có 5.013 người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản ATM; giải quyết cho 69.374 người và lượt người hưởng chế độ BHXH (tăng 2.241 lượt người so với cùng kỳ năm 2016); trong đó, hưởng thường xuyên 3.081 người, hưởng trợ cấp 1 lần 12.100 người và chế độ BHXH ngắn hạn 54.193 lượt người. Tiếp nhận 7.182 người hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng.
Ước thực hiện năm 2017, cơ quan BHXH chi trả cho 2.656.375 lượt bệnh nhân KCB nội, ngoại trú, tổng chi phí 1.884,14 tỷ đồng; trong đó: khám chữa bệnh (KCB) nội tỉnh 2.549.875 lượt người, chi phí 1.286,14 tỷ đồng (tăng 281.436 lượt người, bằng 12,4%; chi phí tăng 316,2 tỷ đồng, bằng 32,6% so với cùng kỳ năm 2016); KCB ngoại tỉnh 106.500 lượt người, chi phí 598 tỷ đồng (tăng 23.248 lượt người, bằng 27,9%; chi phí tăng 188,6 tỷ đồng, bằng 46% so với cùng kỳ năm 2016). Năm 2017, chi tại tỉnh bình quân 1 lượt người KCB ngoại trú là 300.288 đồng, nội trú là 2.979.725 đồng; chi tại tỉnh ngoài bình quân 1 lượt người KCB ngoại trú là 848.465 đồng, nội trú là 9.081.566 đồng. Dự kiến năm 2017 bội chi quỹ KCB BHYT 748,52 tỷ đồng.
Năm vừa qua, Sở Lao động Thương binh - Xã hội của tỉnh đã tiến hành sửa đổi thông tin cá nhân trong hồ sơ người có công cho 27 trường hợp; thương binh đề nghị giám định do sót vết thương cho 42 trường hợp; giải quyết trợ cấp đối với vợ hoặc chồng liệt sỹ đi lấy chồng hoặc vợ khác cho 07 trường hợp; thẩm duyệt hồ sơ đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 05 lượt thủ tục; giải quyết chế độ trợ cấp một lần tiền mai táng phí và trợ cấp 1 lần cho thân nhân người có công (NCC) cho 20 trường hợp; di chuyển hồ sơ người có công đi tỉnh ngoài cho 70 trường hợp; sao 275 hồ sơ người có công để trả các huyện, thành phố, rút 260 hồ sơ NCC để giải quyết chế độ chính sách và phục vụ công tác thanh tra và công an, cấp 27 thẻ thương, bệnh binh; tra cứu và xác nhận thông tin liệt sỹ cho thân nhân liệt sỹ, ghép 450 hồ sơ mai táng phí. Ngành cũng đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh sách hộ đủ điều kiện được hỗ trợ kinh phí nhà ở cho 1553 hộ (xây mới: 1193 hộ, sửa chữa: 360 hộ); triển khai giai đoạn II, đợt 2 theo Quyết định 1666/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Bình về tạm ứng ngân sách tỉnh để triển khai thực hiện xây mới cho 1000 hộ; trình cấp kinh phí để giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng thưởng Bằng khen theo Quyết định số 24/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hoàn thành công tác thực chứng tình trạng dị dạng dị tật của con đẻ người hoạt động kháng chiến có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh, hiện đang tiến hành tổng hợp, phân loại để báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tiến hành cập nhật dữ liệu hồ sơ liệt sỹ của các huyện, thành phố vào phần mềm Đề án ứng dụng Công nghệ thông tin vào việc quản lý hồ sơ người có công. Tiếp nhận 83 đơn thư về lĩnh vực người có công, đã trả lời 70 đơn thư còn lại 13 đơn đang trong thời gian thụ lý.
Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền. UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch triển khai Quyết định số 2361/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình bảo vệ trẻ em Thái Bình giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016-2020; thực hiện chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị tim bẩm sinh theo Quyết định số 55/QĐ-TTg ngày 04-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Dịp Tết Trung thu năm 2017, các huyện, thành phố đã tổ chức thăm hỏi, tặng 412.164 suất quà trẻ em trong toàn tỉnh với tổng trị giá trên 7 tỷ đồng. Tổ chức trao dụng cụ, đồ dùng học tập cho 100 trẻ em tại trường Tiểu học Nam Chính huyện Tiền Hải với tổng trị giá trên 7 tỷ đồng; tổ chức trao xe lăn cho 100 trẻ em khuyết tật vận động do Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Lawrence S.Ting tài trợ. Tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017 với chủ đề “Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”.
Các hoạt động trợ giúp nhân đạo tiếp tục được duy trì, tạo sức lan tỏa lớn trong toàn xã hội. Phong trào "tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam", phong trào “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, phong trào “Xây nhà tình nghĩa”. Trong năm 2017, tại 8/8 huyện, thành phố hội đã vận động giúp được 832/32.546 địa chỉ trong hồ sơ địa chỉ nhân đạo; trong đó cấp tỉnh là 150, cấp huyện là 280, xã, phường, thị trấn là 382; trao tặng gạo cho 450 địa chỉ được Hội Chữ thập đỏ tỉnh bảo trợ thường xuyên, lâu dài, mỗi tháng 10kg gạo/1 gia đình trị giá 524 triệu đồng; ủng hộ cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai 2 tỉnh Hà Giang và Lào Cai với tổng số tiền 1,6 tỷ đồng, ủng hộ huyện Mường La, tỉnh Sơn La với số tiền 130 triệu đồng; vận động hỗ trợ mua 8 con bò trao tặng các hộ dân ở các huyện Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Vũ thư, Hưng Hà thay thế những con bò không đảm bảo tiêu chuẩn thuộc dự án cho vay bê cái sinh sản chăn nuôi phát triển Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup tài trợ trị giá là 50 triệu đồng và vẫn duy trì đàn bò 200 con do Tập đoàn Vingroup tài trợ.
Hội Chữ thập đỏ và các thành viên Ban chấp hành đã vận động xây mới 122 căn nhà cho các đối tượng là người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, gia đình chính sách... trị giá 6.1 tỷ đồng; sửa chữa nhà 1.8 tỷ đồng. Hoạt động hiến máu tình nguyện tếp tục thu được nhiều kết quả quan trọng. Nhờ công tác phối hợp, chỉ đạo, tuyên truyền tốt, các đợt hiến máu tình nguyện được thực hiện theo đúng thời gian quy định, đảm bảo về số lượng và chất lượng. Đến tháng 11/2017 đã tổ cức được 45 cuộc hiến máu tình nguyện, thu nhận được 10.303 đơn vị máu, đáp ứng cơ bản nhu cầu về máu cho hệ thống bệnh viện trong tỉnh, không để xảy ra tình trạng thiếu máu điều trị trong năm qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác an sinh xã hội của tỉnh cũng còn những hạn chế. Việc tuyên truyền, học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, thông tin chính sách, pháp luật của Nhà nước ở một số đơn vị về công tác khao giáo còn hạn chế. Công tác nắm bắt, phản ánh thông tin và tình hình diễn biến tư tưởng trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên của một số ngành, đơn vị trong khối chưa kịp thời. Sự phối hợp trong tham mưu, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về các lĩnh vực khoa giáo giữa một số ngành, đơn vị với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chưa thật chặt chẽ, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Công tác rà soát hồ sơ người có công còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Tình hình vi phạm pháp luật về môi trường, tội phạm ma tuý, cờ bạc, số đề có chiều hướng gia tăng...
Sang năm 2018, để góp phần nang cao chất lượng công tác an sinh xã hội, các ban, ngành chức năng trong tỉnh tập trung tuyên truyền việc thực hiện các chủ trương của Đảng, giải pháp của Chính phủ và của tỉnh về chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nông thôn mới; đấu tranh phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, phòng chống lụt bão, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Bám sát Chương trình toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chương trình làm việc năm 2018 của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, đề nghị các ngành, đơn vị tăng cường sự gắn kết, nâng cao chất lượng và hiệu quả phối hợp theo Quy chế phối hợp đã ký kết. Chủ động tham mưu, đề xuất những vấn đề và nội dung nhằm triển khai các chương trình, đề án; sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, đề án của Trung ương, của tỉnh về công tác tuyên giáo nói chung, lĩnh vực khoa giáo nói riêng để nâng cao hiệu quả công tác tham mưu và chỉ đạo thực hiện.
Đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo của chính quyền trong việc quán triệt, học tập và xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ" gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Duy trì và đẩy mạnh việc đăng ký làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy kết quả thực hiện làm thước đo để đánh giá kết quả công tác. Nghiêm túc triển khai thực hiện quy định của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong khối khoa giáo. Tăng cường sự phối hợp có hiệu quả giữa các ngành, đơn vị trong khối, nhất là với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong việc nắm tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và dư luận xã hội và triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực khoa giáo đã tham gia ký kết…; trong đó, Sở Y tế tích cực tham mưu cho Ban Thường vụ tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 04-7-2008 của Ban Bí thư "Về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới".
Ngô Thị Kim Hoàn
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình