Thứ Hai, 25/11/2024
Đời sống
Thứ Tư, 2/9/2015 20:55'(GMT+7)

Thái Bình: Nông thôn mới tạo lòng tin của nhân dân với Đảng, chính quyền

Xã Hồng Châu có 6 thôn, hơn 1.300 hộ với trên 4.500 khẩu. Diện tích đất tự nhiên toàn xã gần 380ha, trong đó đất nông nghiệp hơn 270ha. Khi xây dựng nông thôn mới, Hồng Châu có xuất phát điểm thấp, bởi nền kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt hơn 9 triệu đồng/người/năm. Trong khi đó, hệ thống đường giao thông trục xã, thôn tuy được cứng hóa, láng nhựa và gạch nhưng mặt đường nhỏ, chất lượng đường xấu. Giao thông nội đồng được đắp đất, vừa nhỏ, vừa thấp, không đáp ứng cho người và máy móc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Hệ thống mương máng chỉ mới cứng hóa một phần cũng không đáp ứng yêu cầu tưới tiêu trong sản xuất.

Với quyết tâm đưa Hồng Châu sớm trở thành xã nông thôn mới, chính quyền xã Hồng Châu đã khảo sát thực tế địa phương kỹ lưỡng trước khi xây dựng, lập bản đồ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết giao thông thủy lợi nội đồng, khu trung tâm xã, vùng chuyên canh lúa, vùng lúa kết hợp sản xuất vụ đông, vùng lúa sản xuất kém hiệu quả thành vùng chuyển đổi mô hình cây, con đến năm 2020.

Xác định công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tạo tiền đề cho những nhiệm vụ sau này nên địa phương đã tập trung tuyên truyền mạnh mẽ đến cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp với quyết tâm cao.

Trước thực trạng ruộng đồng lại nhỏ lẻ, manh mún, khó thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, Đảng ủy Hồng Châu đã ra nghị quyết chuyên đề và thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, UBND xã thành lập Ban quản lý, tổ giúp việc, tổ công tác và thành lập ở mỗi thôn có Tổ phát triển thôn thực hiện nhiệm vụ công tác dồn điền đổi thửa. Cuối năm 2011, địa phương đã thực hiện xong công tác dồn điền đổi thửa, giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, bình quân 2,85 thửa/hộ. Nhân dân trong xã đã đóng góp gần 150.000 m2 đất để quy hoạch các công trình phúc lợi, giao thông thủy lợi nội đồng; đồng thời, đóng góp hàng nghìn ngày công đào đắp trên 40.000 m3 đất để quy hoạch bờ vùng, bờ thửa.

Sau khi dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp thành công, xã tiếp tục đầu tư kinh phí hỗ trợ tiền giống lúa, thuốc trừ cỏ… cho các hộ cấy trong vùng quy hoạch sản xuất. Đồng thời, thực hiện hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật về gieo cấy, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng phân bón và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hoàng hóa cho nông dân. Cùng với đó, địa phương cũng mạnh dạn tiến hành quy hoạch, chuyển đổi gần 13 ha cấy lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Từ những bước đi có tính thực tiễn, sát sườn giúp nông dân địa phương phấn khởi, tự tin phát triển kinh tế theo hướng chuyên canh, đa sản phẩm, tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã Hồng Châu đạt trên 11%, thu nhập bình quân đầu người 26,1 triệu đồng/năm (gấp gần 3 lần trước khi xây dựng nông thôn mới); tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 2,94%. Sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho nông dân, tăng cao thu nhập cho người dân lao động, do đó đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Theo ông Nguyễn Duy An, Hồng Châu đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào tháng 7/2014, sớm hơn rất nhiều so với thời gian dự tính. Có được kết quả này, bởi công tác triển khai và tổ chức thực hiện chương trình nông thôn mới ở địa phương được cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động và huy động sự tham gia đóng góp của nhân dân được địa phương tích cực thực hiện. Đặc biệt, trong quá trình triển khai, xây dựng nông thôn mới ở địa phương, người dân - chủ thể của chương trình nông thôn mới được trực tiếp tham gia giám sát, do đó tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong dân, được nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia.

Tại địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cũng không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đẩy mạnh tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương góp phần thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa bàn.

Những năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới của Hồng Châu đạt trên 72 tỷ đồng; trong đó, kinh phí tỉnh, huyện hỗ trợ gần 8 tỷ đồng; ngân sách xã gần 37 tỷ đồng; nhân dân hiến đất khi dồn điền đổi thửa giá trị tương đương 17 tỷ đồng… Thực tế này đã khẳng định được tính tích cực, chủ động tham gia, đóng góp và sự ủng hộ, đồng lòng của người dân địa phương với chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hồng Châu.

Hiện xã Hồng Châu đã xây dựng được gần 3.700 m đường giao thông trục xã, hơn 4.300m đường giao thông trục thôn, gần 10.000m đường nhánh cấp 1; hai nhà văn hóa thôn, 6 sân thể thao thôn được xây dựng mới; cải tạo và sửa chữa nâng cấp 4 nhà văn hóa thôn và xây mới đình làng Quán Xá làm nơi sinh hoạt hội họp của cộng đồng dân cư. Đồng thời, xã đã xây dựng được chợ mới với diện tích 2.500m2 tạo chỗ giao thương, buôn bán trên địa bàn; trạm y tế xã khang trang sạch sẽ với 13 phòng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng được gần 1 năm. Bài toán về vấn đề rác thải nông thôn từ bao nhiêu năm trước giờ cũng đã được “hóa giải” khi xã xây dựng khu xử lý rác thải tập trung, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường.

Hồng Châu hôm nay đã không còn nhà tạm, nhà dột nát; 98% số hộ dân được dùng nước sạch hợp vệ sinh trong sinh hoạt; 100% số thôn của xã đã xây dựng được hương ước, quy ước; hằng năm qua bình xét có trên 85% số hộ gia đình đạt văn hóa. Đặc biệt hơn, Đảng bộ, chính quyền xã Hồng Châu nhiều năm liền được công nhận là đơn vị vững mạnh, trong sạch, được UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất