Hội thảo nhằm tập hợp ý kiến các chuyên gia và nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh
vực công nghệ, môi trường, tài nguyên, nông nghiệp, sinh học đóng góp vào dự
thảo Đề án “Chủ trương, giải pháp, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu: đẩy
mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường,” tổ chức ngày 18/1, tại Hà Nội.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh rằng với sự tham
gia của các nhà khoa học hàng đầu trên nhiều lĩnh vực, các ý kiến tại Hội thảo
sẽ là nguồn tham khảo chuyên môn quan trọng để các cơ quan soạn thảo xây dựng,
hoàn thiện Đề án trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa
XI) sắp tới.
Các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung thảo luận, cho ý
kiến vào nội dung Dự thảo Đề án, nhấn mạnh các nội dung về tình hình ứng phó với
biến đổi khí hậu và công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường; chủ trương, giải
pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên,
môi trường và công tác tổ chức thực hiện Đề án
Các đại biểu nhận định
rằng Đề án "Chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy
mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường" là đề án quan trọng liên quan tới
sự phát triển của đất nước trong tương lai, vì vậy cần làm rõ quan điểm chủ đạo
phát triển bền vững là tất yếu.
Các đại biểu cũng cho rằng do các kịch
bản biến đổi khí hậu được công bố còn thiếu các con số cụ thể, không sáng tạo
nên không thể thu hút được sự chú ý của cộng đồng trong việc hình dung những tác
động ghê gớm của biến đổi khí hậu dẫn đến ý thức cảnh giác của người dân chưa
cao
Ngoài ra, Đề án cần tiếp cận thêm những vấn đề mới trong bài toán
thích ứng biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, nhất là vấn
đề ứng dụng những công nghệ mới, thân thiện với tự nhiên, phát triển chủ trương
kinh tế xanh; cần có chính sách phân loại tài nguyên để có những chủ trương,
chính sách riêng, phù hợp, bổ sung những tài nguyên, lĩnh vực mới…
Việt
Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu;
trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị
tổn thương nhất do nước biển dâng, bên cạnh đồng bằng sông Nile (Ai Cập) và đồng
bằng sông Ganges (Bangladesh).
Biến đổi khí hậu hiện hữu ở Việt Nam, có
nguy cơ tác động ngày càng lớn hơn. Những năm gần đây, dưới tác động của biến
đổi khí hậu, tần xuất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng, gây ra nhiều tổn
thất lớn về người và tài sản, các cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, tác
động xấu đến môi trường./.
KT