Thứ Bảy, 23/11/2024
Môi trường
Thứ Bảy, 22/12/2012 10:27'(GMT+7)

Công tác tuyên truyền ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo về tài nguyên, môi trường

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Công tác tuyên truyền ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường trong thời gian qua

Trước những thách thức và hiểm hoạ lớn của biến đổi khí hậu, 155 quốc gia đã ký Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu từ tháng 6 năm 1992. Là một trong những nước chịu hậu quả nặng nề nhất, Việt Nam đã sớm ký và phê chuẩn Công ước, đồng thời xúc tiến xây dựng, ban hành nhiều chủ trương, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Công tác tuyên truyền cũng đã được triển khai sớm, nhằm mục đích nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của toàn dân tham gia ứng phó, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu.

Các cơ quan thông tấn, báo chí và các lực lượng tuyên truyền tích cực tham gia với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Báo in và báo mạng có nhiều tin, bài, hình ảnh, như: “Biến đổi khí hậu ở Việt Nam và khu vực”; “Hiểm hoạ biến đổi khí hậu ở Việt Nam”; “Biến đổi khí hậu và tác động ở Việt Nam”; “Biến đổi khí hậu và những hệ luỵ khó lường”; “Hiểm hoạ của biến đổi khí hậu toàn cầu đối với Việt Nam và nhìn từ Việt Nam”; công bố kết quả nghiên cứu của Bộ Tài nguyên, Môi trường “Kịch bản biến đổi khí hậu nước biển dâng cho Việt Nam”. Các kênh truyền hình xây dựng chuyên mục, phóng sự, đưa tin, hình ảnh, chiếu phim truyện, phim tài liệu của nước ngoài và Việt Nam về biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Truyền hình Việt Nam chiếu phim tài liệu "Thông điệp toàn cầu về biến đổi khí hậu" cảnh báo nguy cơ biến đổi khí hậu trên toàn thế giới và Việt Nam, những vấn đề cơ bản trong chiến lược phòng chống, giảm mọi tác hại của thiên tai. Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam phối hợp với Báo Sinh viên Việt Nam tổ chức một cuộc thi làm phim ngắn về đề tài biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Tuyên truyền thông qua hội thảo, tập huấn là một hình thức phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Việt Nam, các tổ chức quốc tế tổ chức hội thảo quốc tế về “biến đổi khí hậu và các cực trị khí hậu tại Việt Nam”; hội thảo “Báo cáo kết quả ban đầu và tham vấn về các biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu”. Nhiều địa phương tổ chức tập huấn cho cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã, giáo viên và học sinh, cung cấp kiến cơ bản về biến đổi khí hậu, kỹ năng chủ động ứng phó, phòng chống những tác động xấu do biến đổi khí hậu gây ra. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tập huấn “Nâng cao năng lực phóng viên trong tuyên truyền biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác hại thiên tai” cho các cơ quan báo chí khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân tổ chức các phong trào hành động, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, tài nguyên, phòng chống thiên tai, tiêu biểu là hoạt động: xây dựng “doanh nghiệp xanh, sạch, đẹp” của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; “Bảo vệ môi trường và dòng sông quê hương” của Đoàn thanh niên; “Bếp cải tiến tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường” của Hội Phụ nữ; mô hình điểm thu gom xử lý chất thải và mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường bền vững của Hội Nông dân v.v…Tổ chức thông tin, cổ động trực nhân các sự kiện “Tuần lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường”, “Ngày nước thế giới”, “Ngày môi trường thế giới”, “Ngày khí tượng thế giới”… Đặc biệt là sự kiện Giờ Trái Đất diễn ra vào ngày 26 - 3 - 2011 với khẩu hiệu "Tắt đèn 60 phút, hành động 365 ngày vì biến đổi khí hậu" đã có sức cổ vũ, thu hút đông đảo nhân dân tham gia hưởng ứng. Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) phát động cuộc thi ảnh trực tuyến với đề tài biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long. Phái đoàn Ủy ban châu Âu và Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phát động Cuộc thi ảnh "Biến đổi khí hậu - những tác động đến môi trường của chúng ta" giới thiệu những tác phẩm phản ánh nhận thức của con người về tầm quan trọng của vấn đề toàn cầu. Cuộc triển lãm ảnh "Đông Tây Nam Bắc" do Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội với gần 100 bức ảnh của 10 nhiếp ảnh gia hàng đầu thế giới, phản ánh thực trạng và hậu quả của sự biến đổi khí hậu trên thế giới.

Nhìn lại thời gian qua, công tác tuyên truyền đã đạt được kết quả bước đầu, thu hút sự quan tâm chú ý của nhân dân, làm cho nhân dân nhận thức được những nguy cơ và tác động xấu của biến đổi khí hậu đối với nước ta, xây dựng ý thức, trách nhiệm phòng ngừa, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Đấu tranh phê phán những hành vi xâm hại môi trường, lãng phí tài nguyên thiên nhiên. Đội ngũ cán bộ cán xây dựng chính sách đã tham mưu được những chủ trương, chính sách cơ bản, thiết thực, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Một số ngành chức năng đã lồng ghép nội dung bảo vệ tài nguyên, môi trường trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, đối với một vấn đề lớn mang tầm cỡ toàn cầu và gây hậu quả nghiêm trọng cả trước mắt và lâu dài, có thể nói, công tác tuyên truyền trong thời gian qua còn ở mức độ rất khiêm tốn chưa tương xứng với một thách thức mang tầm nhân loại. Một số cấp, ngành chưa nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của công tác tuyên truyền phòng ngừa biến đổi khí hậu, coi đó là công việc của các bộ, ngành chức năng, của các cơ quan truyền thông. Công tác tuyên truyền chủ yếu trên báo chí, chưa huy động được sự tham gia đồng bộ, sâu rộng của các loại hình tuyên truyền khác như tuyên truyền miệng; văn hoá, văn nghệ; cổ động trực quan.... Sự chỉ đạo của các cấp uỷ, sự tham mưu, hướng dẫn của hệ thống tuyên giáo còn rất mờ nhạt. Các ấn phẩm tuyên truyền về biến đổi khí hậu còn rất ít, thiếu sự hấp dẫn, phong phú. Đặc biệt, trên lĩnh vực sáng tác văn học, nghệ thuật, sân khấu, điện ảnh ... chưa có những tác phẩm xuất sắc chuyển tải thông điệp biến đổi khí hậu có sức chinh phục lòng người. Nhận thức của các cơ quan chức năng và của nhân dân còn hạn chế, thậm chí một bộ phận nhân dân còn chưa biết đến biến đổi khí hậu hoặc chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà thiếu đi trách nhiệm với cộng đồng, với tương lai. Nhận thức về vai trò trách nhiệm của các cấp, của nhân dân, nhất là những giải pháp phòng ngừa ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu rất hạn chế. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành chuyên môn và các cơ quan tuyên truyền chưa được quan tâm đúng mức. Hành vi xấu gây ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép diễn ra khá phổ biến.

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường

Nguy cơ và biểu hiện của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét hơn. Hậu quả của nó ngày càng lớn hơn, đe dọa nghiêm trọng hơn đến môi trường và đời sống con người, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Một trong những công việc cần làm ngay là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng, bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, làm cho mỗi người dân hiểu được thế nào là biến đổi khí hậu, nguyên nhân, tác hại và giải pháp phòng ngừa, thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó, mỗi người dân tự giác nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực hành động thực hiện các giải pháp phòng ngừa, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Trong đó, cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng; coi chỉ đạo tuyên truyền về biến đổi khí hậu là một nội dung trong công tác tuyên truyền.

Xác định đúng vị trí, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, coi công tác tuyên truyền là một trong những giải pháp đầu tiên để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Nhấn mạnh trách nhiệm của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên trong công tác tuyên truyền. Bất cứ một chủ trương, chính sách muốn thành công phải tổ chức tuyên truyền, giải thích tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Biến đổi khí hậu là một vấn đề có ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài, do đó cần phải quan tâm chỉ đạo và phải được xây dựng thành chiến lược tuyên truyền mang tầm quốc gia, huy động sự tham gia của toàn xã hội. Mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm và ở mỗi vùng miền khác nhau, ngoài tinh thần chỉ đạo chung, rất cần những định hướng tuyên truyền cụ thể sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Các cấp uỷ thường xuyên theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng nhân dân trước những diễn biến phức tạp, bất thường của các hiện tượng biến đổi khí hậu để định hướng tuyên truyền, đảm bảo cho nhân dân chủ động phòng ngừa và thích ứng. Dự báo tình hình tư tưởng trước những biến cố bất ngờ có thể xảy ra để chủ động ứng phó với tinh thần không chủ quan nhưng cũng không gây hoang mang trong dư luận, hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại, rủi ro, nhất là tính mạng, tài sản của nhân dân. Định kỳ đánh giá rút ra bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo tuyên truyền, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tiễn. Cũng cần phải nhắc lại luận điểm của C.Mác rằng, “lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng”[1]. Vai trò của công tác tuyên truyền chính là làm cho “lý luận thâm nhập vào quần chúng” để qua đó “trở thành lực lượng vật chất”. Vai trò của công tác tuyên truyền đối với biến đổi khí hậu là rất lớn, rất căn bản, lâu dài, ngày càng phải đi vào chiều sâu, chất lượng.

Hai là, tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn của ban tuyên giáo các cấp.

Dưới sự chỉ đạo của cấp uỷ đảng, ban tuyên giáo của các cấp uỷ và tổ chức chính trị - xã hội cần phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực biến đổi khí hậu, tài nguyên, môi trường để tổ chức khảo sát nắm tình hình tư tưởng và nhu cầu thông tin của nhân dân, nhất là ở những vùng ven biển và vùng thường xuyên chịu bão, lũ, động đất... để chỉ đạo, định hướng tuyên truyền trong Đảng, trong nhân dân. Thực hiện nghiêm túc Quyết định số 221-QĐ/TW ngày 27-5-2009 của Ban Bí thư về việc ban hành “Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân”. Hằng năm, ban tuyên giáo và cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực biến đổi khí hậu, tài nguyên, môi trường cần phối hợp để xác định nội dung tuyên truyền, những hoạt động cần triển khai và trách nhiệm, phương thức thực hiện. Ban tuyên giáo phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các viện nghiên cứu, các tổ chức trong nước và quốc tế... tổ chức hội thảo, toạ đàm trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền, bồi dưỡng báo cáo viên; cung cấp thông tin, tài liệu, nhất là những thông tin mới. Tổ chức cho các cơ quan báo chí, đội ngũ báo cáo viên đi nghiên cứu thực tiễn, nắm tình hình, phát hiện những mô hình mới, điển hình, nhân tố mới trong công tác phòng ngừa biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Tham khảo kinh nghiệm thông tin tuyên truyền của nước ngoài, nhất là ở những nơi có đặc điểm địa lý, xã hội tương tự Việt Nam. Các vụ, đơn vị chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương cần lồng ghép công tác tuyên truyền về biến đổi khí hậu trong các văn bản tham mưu, hướng dẫn, thẩm định....

Ba là, tích cực đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, cổ vũ toàn dân tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Các cơ quan tuyên truyền chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền về biến đổi khí hậu, xác định trọng tâm, trọng điểm, nhất là vào dịp kỷ niệm các sự kiện trong nước và quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu, tài nguyên, môi trường. Thông qua các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về biến đổi khí hậu; cổ vũ động viên nhân dân nâng cao tinh thần trách nhiệm, tự giác và tích cực hành động bảo vệ tài nguyên, môi trường, phòng ngừa và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nội dung tuyên truyền cần tập trung phổ biến, giải thích quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác này; những sáng kiến kinh nghiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong triển khai thực hiện; phát hiện những vấn đề bất cập; đấu tranh phê phán hành vi tàn phá tài nguyên, thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường; cổ vũ, biểu dương, nhân rộng mô hình điểm, điển hình nhân tố mới; thông tin về thành tựu khoa học, công nghệ và kinh nghiệm truyền thông của các nước trên thế giới, nhất là của các nước đã gặp phải thảm hoạ lớn như động đất, sóng thần.

Mỗi cơ quan tuyên truyền cần cụ thể hoá những định hướng nội dung nêu trên thành chương trình, kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ của mình và phù hợp với đặc điểm tâm lý, nhu cầu của từng đối tượng. Phổ biến, giải thích rõ tính toàn cầu của biến đổi khí hậu, nhưng nó chính là hệ quả của cách cư xử, lối sống của mỗi cá nhân tác động tiêu cực hay tích cực đến vấn đề mang tính toàn cầu này. Hành động tích cực của mỗi cá nhân sẽ đóng góp rất quan trọng cho công tác phòng ngừa biến đổi của khí hậu. Cảnh báo những nguy cơ gặp phải như: ngập mặn, bão, lũ, nắng nóng, hạn hán, rét đậm, rét hại, sạt lở đất... bất thường, đặc biệt là những thảm hoạ lớn như động đất, sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004, ở Nhật Bản năm 2011 đều có thể xảy ra với bất cứ quốc gia nào.

Trong công tác tuyên truyền, chú ý nâng cao ý thức phòng ngừa, không coi thường, chủ quan trước thảm họa, nhưng cũng không làm hoang mang trong nhân dân. Theo báo cáo mới nhất của tổ chức Liên Hợp quốc, nguyên nhân của hiện tượng biến đổi khí hậu 90% do con người gây ra, chỉ có 10% là do tự nhiên. Điều đó cho thấy, vai trò quan trọng và quyết định chính là yếu tố con người, do đó, cần khơi dậy niềm tin, ý chí quyết tâm chế ngự thiên nhiên, chế ngự chính bản thân con người bằng những hành động bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên khi còn chưa quá muộn. Giải thích cho nhân dân hiểu được những hiểm hoạ của biến đổi khí hậu tới toàn cầu và nước ta. Ở mỗi vùng miền lại có khả năng ảnh hưởng khác nhau của biến đổi khí hậu và có những giải pháp phòng ngừa, thích ứng chung và riêng, do đó cần trang bị cho người dân nắm vững những giải pháp phòng ngừa và thích ứng cho bản thân, gia đình và địa phương mình.

Đa dạng hoá các loại hình tuyên truyền như: báo chí, xuất bản, tuyên truyền miệng, tuyên truyền thông qua hoạt động văn hoá, văn nghệ, cổ động trực quan... Phát huy sức mạnh của các phương tiện truyền thông đại chúng với hơn 700 cơ quan báo chí in, 67 đài phát thanh, truyền hình, hàng ngàn trang tin điện tử và báo điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, hiệp hội. Đây chính là lực lượng đóng vai trò hết sức quan trọng trong tuyên truyền về biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường, nhất là những thông tin cần phổ biến nhanh và trên diện rộng. Phát động các cuộc thi tìm hiểu nâng cao kiến thức. Cổ vũ, động viên văn nghệ sĩ sáng tác về đề tài biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Cần có chính sách khuyến khích sáng tạo những tác phẩm văn học, nghệ thuật, sân khấu, điện ảnh... có giá trị tuyên truyền, giáo dục sâu sắc, có sức lan toả rộng. Tăng cường hoạt động cổ động trực quan: xây dựng, làm mới nội dung, hình thức các cụm panô, các khẩu hiệu hành động sao cho có sức hấp dẫn, lôi cuốn, thuyết phục mọi người hành động. Tổ chức triển lãm, thi tìm hiểu, các phong trào hành động của các tổ chức chính tri - xã hội. Các cơ quan, đoàn thể, trường học cần tổ chức tuyên truyền rộng rãi, tập huấn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó cho nhân dân. Đoàn thanh niên tổ chức cho đoàn viên, thanh niên, đội viên sinh hoạt về chủ đề này bằng hình thức giao lưu văn nghệ, thể thao, sinh hoạt đoàn, đội, tổ chức phong trào “sinh viên tình nguyện”, “mùa hè xanh”, đi thực tế giúp đỡ đồng bào vùng thiên tai....

ThS. Nguyễn Thị Thu Hà
Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền - Ban Tuyên giáo Trung ương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất