(TG)-Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cảnh báo đêm mùng 8 và gần sáng 9/1 sẽ có thêm một đợt không khí lạnh tăng cường xuống Việt Nam, do đó tình trạng rét đậm, rét hại ở các tỉnh miền Bắc sẽ còn tiếp diễn cho đến ngày 13-14/1 tới.
Như vậy nhiều khả năng đợt rét đậm, rét hại diện rộng này sẽ còn kéo dài thêm khoảng 6-7 ngày nữa.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh nên ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ ngày 30/12/2012 đến nay đã xảy ra rét đậm, rét hại trên diện rộng, nền nhiệt trung bình ngày phổ biến khoảng 11-14 độ, vùng núi khoảng 7-10 độ C, một số nơi ở vùng núi cao nhiệt độ trung bình ngày thấp dưới 3 độ như Sa Pa (0,5 độ), Mẫu Sơn (0,1 độ)….
Một số nơi vùng núi cao đã xuất hiện băng giá. Đến 6/1, trời vẫn giá buốt lại cộng thêm mưa rét nên nhiệt độ cao nhất ban ngày ở Thủ đô Hà Nội và toàn miền chỉ phổ biến 10-14 độ C.
Hiện không khí lạnh đang tiếp tục được tăng cường do vậy trong khoảng 2-3 ngày tới, nền nhiệt độ ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có xu hướng tăng chậm và vẫn ở ngưỡng rét đậm, rét hại.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong sáu giờ vừa qua, bão số 1 hầu như ít di chuyển. Hồi 7 giờ ngày 6/1, vị trí tâm bão ở vào khoảng 7,5 độ Vĩ Bắc; 110,1 độ Kinh Đông, cách đảo Côn đảo khoảng 410km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62-88 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km.
Đến 7 giờ ngày 7/1, vị trí tâm bão ở vào khoảng 7,0 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, cách đảo Côn Đảo khoảng 230km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62-74 km/giờ), giật cấp 10, cấp 11. Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và có khả năng suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 7 giờ ngày 8/1, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 6,0 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, cách đảo Côn Đảo khoảng 320km về phía Nam Tây Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39-61 km/giờ), giật cấp 8, cấp 9. Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển về phía Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực biển giữa Bình Thuận đến Cà Mau và Malaysia (bao gồm cả vùng biển phía Tây Nam quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.
Ngoài ra do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với gió mùa Đông Bắc mạnh nên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh./.
HT