Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn cả nước độc lập, thống nhất, thực hiện chiến lược cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trước những yêu cầu mới của cách mạng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã được triệu tập. Đại hội họp trù bị từ ngày 29-11 đến ngày 10-12-1976. Từ ngày 14 đến ngày 20-12-1976, Đại hội họp công khai tại Thủ đô Hà Nội. 1.008 đại biểu thay mặt hơn 1.550.000 đảng viên của 38 đảng bộ tỉnh, thành và cơ quan trực thuộc trung ương trong cả nước đã về dự Đại hội. Trong số đại biểu đó có 214 đại biểu vào Đảng trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, 200 đại biểu đã từng bị đế quốc giam cầm, 39 đại biểu là anh hùng các lực lượng vũ trang và anh hùng lao động, 142 đại biểu là nữ, 98 đại biểu thuộc dân tộc thiểu số... Đến dự Đại hội có 29 đoàn đại biểu của các Đảng Cộng sản và công nhân, của phong trào giải phóng dân tộc và các tổ chức quốc tế.
Đại hội nghe Diễn văn khai mạc của đồng chí Tôn Đức Thắng; Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Lê Duẩn trình bày; Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ hai (1976 - 1980) do đồng chí Phạm Văn Đồng trình bày; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng do đồng chí Lê Đức Thọ trình bày; và tham luận của các đồng chí Trường Chinh, Phạm Hùng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, v.v. cùng lời chào mừng của các đoàn đại biểu trong nước và quốc tế.
Báo cáo chính trị nêu rõ trong hơn 16 năm qua, nhân dân Việt Nam đã phải đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược lớn nhất và ác liệt nhất của đế quốc Mỹ để giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, đã chiến đấu anh dũng và thắng lợi vẻ vang. Thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX. Thắng lợi đó là kết quả tổng hợp của một loạt nhân tố. Đó là sự lãnh đạo của Đảng với đường lối, phương pháp cách mạng và chiến tranh cách mạng đúng đắn và sáng tạo; cuộc chiến đấu đầy gian khổ, bền bỉ và thông minh của quân và dân cả nước, đặc biệt là của các đảng bộ, của cán bộ, chiến sĩ công tác và chiến đấu ở miền Nam và của hàng triệu đồng bào yêu nước trên tuyến đầu Tổ quốc, sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, của đồng bào miền Bắc vừa xây dựng vừa chiến đấu để bảo vệ căn cứ địa chung của cách mạng cả nước, vừa huy động ngày càng nhiều sức người, sức của cho cuộc chiến đấu trên chiến trường miền Nam; sự đoàn kết liên minh chiến đấu của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia và sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc, của các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, của giai cấp công nhân và của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới...
Thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm lớn: (1) Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh chiến đấu của tiền tuyến lớn với tiềm lực của hậu phương lớn, động viên đến mức cao nhất lực lượng của toàn dân, toàn quân vào cuộc chiến đấu cứu nước. (2) Nắm vững và vận dụng đúng đắn chiến lược tiến công, đẩy lùi địch từng bước. Không ngừng củng cố trận địa cách mạng, tạo thế và lực hơn hẳn địch để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. (3) Ra sức xây dựng và tổ chức lực lượng chiến đấu trong cả nước, đặc biệt hết sức coi trọng xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng ở miền Nam; tranh thủ sự ủng hộ quốc tế. (4) Tạo ra một phương pháp cách mạng đúng, sử dụng bạo lực cách mạng gồm lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, khởi nghĩa từng phần ở nông thôn phát triển thành chiến tranh cách mạng, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao, kết hợp khởi nghĩa của quần chúng với chiến tranh cách mạng; đánh địch trên ba vùng chiến lược, kết hợp ba thứ quân, phát triển và kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn; nắm vững phương châm chiến lược đánh lâu dài với tạo thời cơ nhằm mở những cuộc tiến công chiến lược, tiến lên thực hiện tổng công kích và nổi dậy để đè bẹp quân thù giành thắng lợi cuối cùng.
Phân tích tình hình mọi mặt của đất nước, báo cáo đã nêu lên ba đặc điểm lớn:
Một là, nước ta đang ở trong quá trình từ một xã hội mà nền kinh tế còn phổ biến là sản xuất nhỏ tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.
Hai là, cả nước hòa bình, độc lập và thống nhất đang tiến lên chủ nghĩa xã hội với nhiều thuận lợi, song cũng còn nhiều khó khăn do hậu quả của chiến tranh và các tàn dư của chủ nghĩa thực dân mới gây ra.
Ba là, hoàn cảnh quốc tế thuận lợi, song cuộc đấu tranh “ai thắng ai” giữa cách mạng và phản cách mạng còn rất gay go và phức tạp.
Những đặc điểm đó tác động mạnh mẽ đến quá trình biến đổi cách mạng ở nước ta. Vì vậy, bản báo cáo đã xác định đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta:
“Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt; đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hóa mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xóa bỏ nghèo nàn và lạc hậu; không ngừng đề cao cảnh giác, thường xuyên củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội; xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”1.
Trên cơ sở đường lối chung, báo cáo vạch ra đường lối kinh tế: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa nền kinh tế nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, kết hợp xây dựng công nghiệp và nông nghiệp cả nước thành một cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp; vừa xây dựng kinh tế trung ương vừa phát triển kinh tế địa phương, kết hợp kinh tế trung ương với kinh tế địa phương trong một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất; kết hợp phát triển lực lượng sản xuất với xác lập và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới; kết hợp kinh tế với quốc phòng; tăng cường quan hệ phân công, hợp tác, tương trợ với các nước xã hội chủ nghĩa anh em trên cơ sở chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa, đồng thời phát triển quan hệ kinh tế với các nước khác trên cơ sở giữ vững độc lập, chủ quyền và các bên cùng có lợi; làm cho nước Việt Nam trở thành một nước xã hội chủ nghĩa có kinh tế công - nông nghiệp hiện đại, văn hóa và khoa học, kỹ thuật tiên tiến, quốc phòng vững mạnh, có đời sống văn minh, hạnh phúc”1.
Thời gian phấn đấu hoàn thành về cơ bản quá trình đưa nền kinh tế nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa trong khoảng 20 năm.
Đó là nội dung cơ bản của cuộc đấu tranh giai cấp gay go nhằm giải quyết vấn đề “ai thắng ai” giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, giữa con đường xã hội chủ nghĩa và con đường tư bản chủ nghĩa.
Muốn đưa sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa đến toàn thắng, “điều kiện quyết định trước tiên là phải thiết lập và không ngừng tăng cường chuyên chính vô sản, thực hiện và không ngừng phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động”2.
Báo cáo đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế và văn hóa 5 năm 1976 - 1980 nhằm hai mục tiêu vừa cơ bản vừa cấp bách là bảo đảm nhu cầu của đời sống Nhân dân, tích lũy để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Muốn vậy, phải ra sức thực hiện các nhiệm vụ: phát triển vượt bậc về nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, giải quyết một cách vững chắc nhu cầu của cả nước về lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng thông dụng; xây dựng thêm nhiều cơ sở mới về công nghiệp nặng, đặc biệt là công nghiệp cơ khí, mở mang giao thông vận tải, xây dựng cơ bản, đẩy mạnh khoa học - kỹ thuật; sử dụng hết lực lượng lao động; hoàn thành cơ bản cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cải tiến mạnh mẽ công tác thương nghiệp, giá cả, tài chính, ngân hàng; tăng nhanh nguồn xuất khẩu; phát triển giáo dục, văn hóa, y tế, cải cách giáo dục, đào tạo cán bộ, thanh toán hậu quả của chủ nghĩa thực dân mới; xây dựng một hệ thống mới về quản lý kinh tế trong cả nước.
Về đối ngoại, báo cáo nêu rõ trong giai đoạn mới, chúng ta cần ra sức tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi để nhanh chóng hàn gắn những vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, khoa học - kỹ thuật, củng cố quốc phòng, kề vai sát cánh với các nước xã hội chủ nghĩa và các dân tộc trên thế giới đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ.
Về xây dựng Đảng, báo cáo trình bày những kinh nghiệm đã tích lũy được trong mấy chục năm qua; xác định nhiệm vụ, phương châm và biện pháp công tác đảng trong giai đoạn mới, bảo đảm cho Đảng làm tròn trách nhiệm lãnh đạo Nhân dân cả nước tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Đại hội quyết định đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Điều lệ mới của Đảng gồm 11 chương và 59 điều. Điều lệ đã rút gọn 10 nhiệm vụ của đảng viên thành 5 nhiệm vụ, đặt lại chức Tổng Bí thư thay cho chức Bí thư thứ nhất trước đây, quy định nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương là 5 năm...
Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Đại hội bầu ra gồm 101 ủy viên chính thức và 32 ủy viên dự khuyết.
Ban Chấp hành Trung ương họp Hội nghị lần thứ nhất đã bầu Bộ Chính trị gồm có 14 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết; đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng là đại hội toàn thắng của sự nghiệp giải phóng dân tộc; là đại hội tổng kết những bài học lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là đại hội thống nhất Tổ quốc đưa cả nước tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa.
TG