Mức tăng nhẹ này đã khiến CPI bảy tháng qua tăng 2,68% so với tháng
12/2012 và tăng 6,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2012.
Đáng chú ý, có tới 10/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung tăng giá, với mức tăng từ 0,05-0,43%.
Cụ thể, lãi suất ngân hàng giảm cộng với gói hỗ trợ tín dụng bất động
sản 30.000 tỷ đồng đi vào đời sống đã giúp thị trường bất động sản
chuyển động trở lại, theo đó nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng hiện đạt
mức tăng cao nhất là 0,43%.
Bên cạnh đó, nhóm thuốc và dịch vụ y tế có mức tăng thấp nhất trong rổ tính chung và ở mức 0,05%.
Vụ trưởng vụ Thống kê giá Tổng cục Thống kê Nguyễn Đức Thắng cho biết,
hai đợt tăng giá xăng dầu trong tháng 6 đã ảnh hưởng tới 0,09% vào mức
tăng chỉ số CPI của tháng 7. Tuy nhiên, đợt tăng giá xăng dầu ngày 17/7 vẫn chưa phản ánh vào mức tăng chỉ số giá của tháng này mà được tính vào tháng 8.
Ngoài ra, ông Thắng cũng chỉ ra, tháng 7 là tháng thi đại học, người dân
đi lại nhiều, cộng thêm việc tăng lương tối thiểu đã tác động nhẹ lên
tâm lý người bán hàng và khiến nhóm chỉ số hàng ăn và dịch vụ tăng 1%.
Bên cạnh đó, yếu tố mùa vụ cũng tác động đến nhóm văn hóa, giải trí và
du lịch, với mức tăng là 0,31%.
“Mức tăng CPI trong 7 tháng qua vẫn trong tầm kiểm soát và dư địa từ nay
đến cuối năm còn khá lớn, do đó mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 8% là
có thể đạt được. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý đến các chính sách kích
cầu sẽ có thể ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng của năm sau,” ông
Thắng dự báo.
Trái với nhận định của Tổng cục Thống kê, nhiều chuyên gia cho rằng sức
cầu trong nền kinh tế vẫn rất yếu bởi thu nhập của người dân tiếp tục
giảm sút khi mà hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn lình xình.
Ông Vũ Minh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, tổng mức bán lẻ
trong tháng 7 tăng là 4,8%, giảm 1,9% so với mức tăng của khi cùng kỳ
năm ngoái là 6,7%.
“Trung bình năm ngoái một giỏ hàng trong siêu thị là khoảng 270.000
đồng/giỏ, thì trong 7 tháng qua mức bình quân này đã giảm xuống còn
khoảng 240.000 đồng/giỏ. Điều này so thấy sức mua vẫn rất thấp trong khi
giả cả hàng hóa tiêu dùng vẫn đứng ở mức cao mà thu nhập của người dân
thì chưa có sự cải thiện rõ rệt,” ông Phú nói.
Bên cạnh đó, trong tháng 7, giá vàng trong nước giảm 6,88% do tác động từ sự điều chỉnh của giá vàng thế giới.
Trái với sự biến động của vàng, chỉ số giá USD trên thị trường lại tăng 0,68%, do tác động từ việc điều chỉnh tỷ giá USD liên ngân hàng từ mức 20.828 VND/USD lên mức 21.036 VND/USD từ ngày 28/6./.
PV