Thứ Bảy, 23/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Tư, 16/11/2016 21:32'(GMT+7)

Thẳng thắn, trách nhiệm, thể hiện tính dân chủ trong phiên chất vấn

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, sáng 16/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đăng đàn trả lời chất vấn về các vấn đề “nóng” của ngành giáo dục.

* Thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm

Nhiều cử tri đánh giá cao cách trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ rất rõ ràng và thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của Bộ. Cử tri Lê Văn Hoa (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa) cho rằng: Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đi thẳng vào trọng tâm các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng cũng nêu được giải pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém của ngành giáo dục như việc phân luồng và định hướng giáo dục phổ thông. Bộ trưởng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về mình bởi việc phân luồng lâu nay chưa hiệu quả do ít được sự định hướng của ngành giáo dục. Nhằm khắc phục tình trạng trên, thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhằm thực hiện tốt hơn công tác phân luồng học sinh học nghề và thi tuyển vào đại học. Về vấn đề bạo lực học đường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận đây là vấn đề đang có xu hướng gia tăng tại các trường học. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường dạy môn giáo dục công dân nhằm giảm tình trạng trên.


Cử tri Nguyễn Mạnh An (Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức, tỉnh Thanh Hóa) nhận xét, không khí phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi. Các câu hỏi chất vấn, của các đại biểu ngắn gọn, súc tích. Cử tri cũng rất ấn tượng với câu hỏi của đại biểu Bùi Thị Minh (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) về việc nhiều sinh viên ra trường không có việc làm. Các trường đại học tại địa phương có tình trạng đào tạo sinh viên không cân đối với nhu cầu sử dụng lao động thực tế trong xã hội. Về thực trạng này, Bộ trưởng đã đưa ra các giải pháp để khắc phục bằng cách quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, đồng thời thắt chặt cả "đầu vào" (tuyển chọn sinh viên) và "đầu ra" (chất lượng sinh viên khi ra trường) bởi lâu nay các trường đại học chỉ mới quan tâm phần "đầu vào". Thực tế, quá trình đào tạo trong các trường đại học mới là khâu cốt yếu nhất, giúp các em có kỹ năng, kiến thức làm việc trong xã hội.

Ông Nguyễn Mạnh An cho biết, những năm qua, số sinh viên học tại trường Đại học Hồng Đức ra trường có việc làm chiếm tỷ lệ 67%, thấp hơn bình quân cả nước. Để khắc phục tình trạng này, trường Đại học Hồng Đức đã đẩy mạnh đầu tư xây cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm tăng kỹ năng thực hành cho sinh viên. Nhà trường cũng tăng cường liên hệ với các khu công nghiệp, tìm việc làm cho các em. Đặc biệt nhà trường đã lập đề án cử 204 giảng viên đi đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài.

* Tiếp tục cải tiến thi cử theo hướng hiệu quả, thiết thực

Chia sẻ quan điểm về việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đại học, cử tri Trần Đình Lý (Tiến sĩ, Trưởng phòng Đào tạo - Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng việc tổ chức thi những năm qua đã có sự đổi mới theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, tiết kiệm khi thực hiện Phương án tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia từ năm 2015 đến nay. Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những năm trước, Phương án tổ chức thi Trung học phổ thông năm 2017 sắp tới có nhiều điều chỉnh theo hướng tốt hơn cho xã hội như giảm thời gian, chi phí, tạo điệu kiện thuận lợi cho thí sinh, phụ huynh và đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh, cụm thi.

Theo Tiến sĩ Trần Đình Lý, liên quan đến vấn đề nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã rất thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của Bộ trong việc đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Một trong những giải pháp Bộ trưởng nêu ra là sẽ đẩy mạnh siết chặt "đầu vào" và cả "đầu ra" là việc làm cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực sự của thị trường lao động. Việc siết chặt "đầu ra" là rất cần thiết đối với bất kỳ trường đại học nào muốn khẳng định vị thế, thương hiệu của nhà trường.

Cử tri Đàm Thị Phương (giáo viên trường Trung học phổ thông Quảng Xương 4, Thanh Hóa) nhận xét, nhiều vấn đề đã được các đại biểu đặt câu hỏi và tranh luận thẳng thắn với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ như về những tồn tại, yếu kém của ngành giáo dục, qua đó đã nêu bật tính dân chủ trong phiên chất vấn. Cử tri rất ấn tượng với đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đã có phần tranh luận với Bộ trưởng về việc thi trắc nghiệm, bởi theo Bộ trưởng thi trắc nghiệm là giải pháp tốt, giúp học sinh có được kiến thức toàn diện và tránh được tình trạng học tủ, học lệch. Tuy nhiên đại biểu Nga lại đưa ra các dẫn chứng thuyết phục về hạn chế của phần thi trắc nghiệm như các môn xã hội phần thi trắc nghiệm chưa phản án được đầy đủ nội dung kiến thức. Với môn tự nhiên thi trắc nghiệm cũng không tránh được tình trạng gian lận trong thi cử, bởi một học sinh làm được bài là cả phòng làm được bài bằng cách ra ký hiệu cho các học sinh khác cùng làm. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cải tiến trong thi trắc nghiệm nhằm đánh giá toàn diện năng lực của học sinh.

* Nâng cao chất lượng đào tạo

Đề cập đến giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, cử tri Trần Đình Lý (Tiến sĩ, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, các trường cần chủ động điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng hội nhập và có sự tham gia của bên sử dụng lao động trong việc xây dựng chương trình đào tạo. Cùng với đó, xây dựng chuẩn đầu ra theo chuẩn khu vực và quốc tế để bảo đảm chất lượng; thường xuyên khảo sát đánh giá việc đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, đánh giá của người sử dụng lao động đối với sinh viên sau khi ra trường để có sự điều chỉnh kịp thời.

Chia sẻ về nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến công tác tư vấn, hướng nghiệp học sinh phổ thông, ông Trương Văn Hùng, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và đại học - Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Những năm qua, công tác phân luồng học sinh phổ thông đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức xã hội về giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên thực tế công tác phân luồng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở nếu thực hiện hiệu quả sẽ góp phần cân đối nguồn nhân lực ở tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đáp ứng được nhu cầu nhân lực cho sự phát triển của đất nước.

Theo ông Trương Văn Hùng, cùng với nhiều giải pháp mà Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung đẩy mạnh, ở góc độ địa phương, Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng Đề án “Phân luồng học sinh sau trung học tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2020” với nhiều giải pháp đề ra. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 thành phố có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở vào học giáo dục nghề nghiệp, 70% trong số học sinh đã nghỉ học trung học phổ thông sẽ vào học tại trường chuyên nghiệp, trường nghề.

Để thực hiện mục tiêu trên, một trong những giải pháp mà thành phố tập trung là nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo các trường chuyên nghiệp đảm bảo học sinh học nghề ra trường có việc làm ổn định. Từ đó, làm thay đổi nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp, nâng cao vị thế hình tượng của người “công nhân kỹ thuật”, người “lao động lành nghề” trong xã hội. Bên cạnh đó, trong các trường phổ thông sẽ thực hiện khảo sát năng lực nghề nghiệp của học sinh để có hướng tư vấn hướng nghiệp phù hợp…

* H ỗ trợ đại học dân lập về khoa học công nghệ

Cử tri Trần Văn Khánh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, hiện nay sự cạnh tranh giữa trường đại học công lập và dân lập chưa thực sự công bằng. Trường đại học công lập được có lợi thế hơn rất nhiều như được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm và giảng viên được hưởng lương từ Nhà nước… Còn trường đại học dân lập thì ngược lại nên học phí đương nhiên cao hơn, khó hấp dẫn sinh viên, nhất là một bộ phận lớn sinh viên nước ta còn hạn hẹp về điều kiện kinh tế. Trong khi đó, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại cho phép các trường đại học công lập được tuyển sinh hệ B với hình thức như đào tạo dân lập nên đã hút một lượng không nhỏ sinh viên về các trường này, khiến trường dân lập càng thiếu sinh viên, khó khăn hơn.

Theo cử tri Khánh, hiện nay, khoa học, công nghệ, sinh học là những lĩnh vực rất cần thiết cho phát triển đất nước nhưng thực tế, các trường đại học dân lập rất ít mở các ngành này vì chi phí đầu tư các phòng thí nghiệm, máy móc thực tập rất lớn, mà chủ yếu mở các ngành xã hội như: Luật, Kinh tế…Tuy nhiên, máy móc, phòng thí nghiệm của các trường đại học công lập có khá nhiều, trong khi có nơi sử dụng không hết công suất nên rất lãng phí. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế để các trường đại học dân lập được thuê mướn phòng thí nghiệm, máy móc từ trường đại học công lập để sinh viên trường được vào thực tập với chi phí hợp lý vì hiện giá thuê rất cao, không khuyến khích được các trường đại học mở các khoa này.
Ngoài ra, sinh viên hiện nay chủ yếu học lý thuyết hoặc cao hơn là học được nghề, còn kiến thức xã hội, khả năng tự nghiên cứu, khả năng giao tiếp còn rất hạn chế, thụ động. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu đổi mới giáo dục theo hướng tăng kỹ năng mềm cho sinh viên, tăng cường nhiều hoạt động của các tổ chức đoàn thể, xã hội để nâng cao khả năng giao tiếp cho sinh viên khi ra trường. /.

TG tổng hợp



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất