Thứ Bảy, 23/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Bảy, 12/11/2016 14:38'(GMT+7)

Vì sao Donald Trump chiến thắng?

Đô-nan Chăm trở thành Tổng thống Mỹ thứ 45. (Ảnh:IE)

Đô-nan Chăm trở thành Tổng thống Mỹ thứ 45. (Ảnh:IE)

Vậy, những yếu tố nào đã làm nên chiến thắng vang dội và đầy bất ngờ của ứng cử viên Đô-nan Chăm trong cuộc đua vào Nhà Trắng? Qua nghiên cứu tình hình Mỹ cũng như theo dõi diễn biến chiến dịch tranh cử của hai ứng cử viên cho tới giờ phút chót, có thể thấy trong số những yếu tố dẫn tới chiến thắng của Đô-nan Chăm có những yếu tố mang tính quyết định sau đây.

Sự phân hóa xã hội Mỹ ngày một lớn giữa tầng lớp tinh hoa chính trị cầm quyền với quảng đại người dân Mỹ

Nước Mỹ hiện nay đang trải qua sự phân hóa xã hội ngày một lớn và sâu sắc giữa tầng lớp tinh hoa chính trị cầm quyền với quảng đại người dân Mỹ, trong đó tầng lớp tinh hoa chính trị cầm quyền chỉ chú tâm bảo vệ lợi ích của các công ty độc quyền xuyên quốc gia và tập đoàn tài phiệt mà ít quan tâm tới sản xuất, thu nhập thực tế và việc làm của người dân. Còn nếu nói theo ngôn ngữ của Các Mác, đó là mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc trong xã hội Mỹ, trong đó giai cấp công nhân mà trên thực tế là hàng chục triệu người lao động làm thuê, ngày càng bất bình sâu sắc với giai cấp thống trị. Theo số liệu điều tra, từ những năm 1980, thu nhập thực tế của giai cấp công nhân Mỹ không hề tăng và đời sống ngày một khó khăn.

Sự phân hóa này được thể hiện rất rõ trong cuộc bầu cử lần này, theo đó trong khi đại đa số các quan chức trong giới cầm quyền hiện thời của Mỹ mà điển hình là Tổng thống Ba-răc Ô-ba-ma đương nhiệm, ra sức cổ súy và ủng hộ ứng cử viên Hi-la-ri Clin-tơn, thì đại bộ phận dân chúng-những người cầm lá phiếu quyết định bầu cho ai, lại ủng hộ ứng cử viên Đô-nan Chăm khi cầm lá phiếu trong tay và họ mới là những người góp tiếng nói quyết định.

Sự lựa chọn hai mô hình, hay là hai con đường phát triển khác của nước Mỹ

Nước Mỹ hiện nay đang trải qua cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống, bùng phát từ năm 2008 ban đầu chỉ là dưới hình thức cuộc khủng hoảng tài chính. Cuộc khủng hoảng hệ thống này thai nghén từ trước đó nhiều thập kỷ kể từ khi Hiệp định Brê-tơn-Vut được ký kết vào năm 1944 biến đồng tiền Mỹ (USD) trở thành đồng tiền chung của thế giới. Hiệp định lịch sử này cũng đã từng chia rẽ nước Mỹ, tương tự như sự chia rẽ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, trong đó người dân Mỹ phải lựa chọn một trong hai con đường phát triển để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hệ thống này.

Một con đường đi theo mô hình của chủ nghĩa tư bản tài chính-ngân hàng, khởi đầu từ Hiệp định Brê-tơn-Vut đã từng đưa nước Mỹ vào tình trạng một nền “kinh tế bong bóng”, trong đó nền sản xuất thực chỉ chiếm khoảng 20% GDP của nước Mỹ, còn 80% còn lại là “nền sản xuất ảo” (dịch vụ tài chính-ngân hàng) mà Hi-la-ri Clin-tơn là đại diện. Chủ nghĩa tư bản tài chính-ngân hàng đã đánh mất niềm tin của thế giới vào đồng USD và hiện nay đã có hàng chục nước trên thế giới chia tay với đồng tiền này trong các giao dịch thương mại quốc tế. Mô hình này hiện đang trước nguy cơ phá sản. Để cứu vớt sự tồn tại của mô hình này, Mỹ phải gây ra trạng thái “bất ổn có kiểm soát” trên phạm vi toàn cầu, được thể hiện qua các cuộc xung đột và chiến tranh triền miên kể từ sau Chiến tranh lạnh.

Một con đường phát triển khác đi theo mô hình chủ nghĩa tư bản công nghiệp trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó Đô-nan Chăm là đại diện điển hình. Khi Đô-nan Chăm đưa ra chủ trương cũng như mong mỏi của ông vì nước Mỹ, vì người dân Mỹ, với khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại thêm một lần nữa” (Make America Great Again”), là ông muốn đưa nước Mỹ một lần nữa chiếm vị trí số 1 thế giới như một quốc gia công nghiệp phát triển nhất. Vì vậy, Đô-nan Chăm không chỉ sẵn sàng chống lại những sai lầm của đảng Dân chủ mà còn chống lại sai lầm của một số thế lực ngay trong đảng Cộng hòa của mình. Đi theo mô hình này của Đô-nan Chăm, người dân Mỹ sẽ không còn bị thất nghiệp và thu nhập sẽ tăng vọt, kèm theo đó là cuộc sống sẽ ngày càng  thịnh vượng.

Sự lựa chọn của nước Mỹ trước hai trật tự thế giới

Vào thời điểm hiện nay, nước Mỹ phải lựa chọn hai trật tự thế giới.

Một là trật tự thế giới đơn cực hình thành sau Chiến tranh lạnh, trong đó Mỹ là siêu cường duy nhất đóng vai trò lãnh đạo thế giới. Hi-la-ri Clin-tơn là đại diện cho các tầng lớp tinh hoa chính trị ở Mỹ đang ra sức duy trì trật tự thế giới này.

Hai là, trật tự thế giới đa cực mà Đô-nan Chăm là người chủ trương chấp nhận vì đó là xu thế không thể đảo ngược. Theo Đô-nan Chăm, Mỹ vẫn là cường quốc vĩ đại nhưng phải hợp tác với các nước khác trên cơ sở các bên cùng có lợi. Ngoài ra, Mỹ sẽ chấm dứt sự can thiệp trên thế giới, thậm chỉ chia tay với Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương. Sự lựa chọn của Đô-nan Chăm phù hợp với vị thế của nước Mỹ trong cục diện chính trị-quân sự và kinh tế hiện nay và vì thế sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nhà nước cũng như người dân Mỹ. 

Sự chân thực của Đô-nan Chăm có sức lôi cuốn rất mạnh đối với các cử tri

Đô-nan Chăm là ứng cử viên đầu tiên nhìn thẳng vào bản chất thực trạng vị thế của nước Mỹ. Trong đó, ông khẳng định Mỹ đã đánh mất vị thế siêu cường số 1 thế giới, với đầy rẫy những khiếm khuyết cần khắc phục như nạn tham nhũng, nền giáo dục tụt hậu so với nhiều nước, nợ công chồng chất và gia tăng nhanh chóng hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong chính sách đối ngoại, Đô-nan Chăm cũng nhận thấy nhiều khiếm khuyết như Mỹ bao cấp quá lâu cho Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương hiện đang không còn lý do để tồn tại sau Chiến tranh lạnh.

Sự chân thực của Đô-nan Chăm có sức lôi cuốn quá mạnh. Vì thế, các cử tri đã “cho qua” các vụ lùm xùm liên quan tới đời tư của ông mà bộ máy truyền thông cũng như ứng cử viên đối thủ Hi-la-ri Clin-tơn ra sức cường điệu lên để nhằm đánh gục ông.

Đa số người dân Mỹ mất niềm tin vào giới truyền thông

Đa số người dân Mỹ mất niềm tin vào giới truyền thông, trong đó đa số họ đã từng chứng kiến sự vênh nhau đến kinh ngạc giữa bản chất các sự kiện trên thế giới với những gì truyền thông Mỹ đưa tin như cuộc chiến tranh ở I-răc,  ở Li-bi, ở Xy-ri và cuộc khủng hoảng U-crai-na.  

Do đó, khi 95% giới truyền thông đưa tin rằng Đô-nan Chăm sẽ không bao giờ trở thành ứng cử viên đại diện cho Đảng Cộng hòa thì trên thực tế, đa số người dân Mỹ lại tin vào điều ngược lại. Có nhiều cử tri Mỹ không bày tỏ sự ủng hộ Đô-nan Chăm một cách lộ liễu hay cuồng nhiệt trả lời khi được hỏi ý kiến vì họ không muốn bị đám đông hoặc hàng xóm cười chê, bị đồng nghiệp nhìn với ánh mắt “thương cảm”, thậm chí họ sợ bị trả thù. Nhưng ở trong phòng bỏ phiếu, họ đã thể hiện chính kiến và dành sự ủng hộ cho Đô-nan Chăm.

Chủ trương giải quyết vấn nạn người nhập cư

Chủ trương giải quyết vấn nạn người nhập cư của Đô-nan Chăm đã hóa giải được mối lo ngại ngày càng gia tăng của người dân Mỹ trước nguy cơ khủng bố trà trộn vào dòng người này để xâm nhập vào Mỹ. Mối lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở khi người dân Mỹ chứng kiến làn sóng nhập cư kèm theo các vụ khủng bố đẫm máu ở châu Âu. Nước Mỹ cũng đã bị khủng bố tấn công trong thời gian qua. Do đó, các cử tri ủng hộ Đô-nan Chăm không hẳn yêu thích con người “bỗ bã” ở nơi ông mà là do ông đã hóa giải mối hiểm họa khủng bố nhãn tiền nay đang hiện hữu trên từng ngõ phố và làng quê của nước Mỹ./. 

Đại tá Lê Thế Mẫu 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất