NGUỒN NƯỚC SẠCH, HỢP VỆ SINH VÀ LỜI GIẢI CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC
Là tỉnh miền núi cao nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có địa hình đa dạng, phức tạp, giao thông đi lại khó khăn. Mặc dù có trữ lượng nước mặt lớn nhưng phân bố không đồng đều về thời gian và không gian nên sự thiếu nước, nhất là về mùa khô thường xuyên xảy ra trên một số địa bàn thuộc các huyện vùng cao. Nguồn nước cấp cho sinh hoạt trong tỉnh chủ yếu là nguồn nước mưa, nước mặt từ khe, núi, ao hồ bằng các loại hình cấp nước tự chảy, hồ treo, lu, bể, máng (khoảng 98,5%). Đến nay, Hà Giang vẫn là tỉnh có tỷ lệ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh thấp, chỉ đạt 58,6%, tỷ lệ sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn Việt Nam chỉ đạt 12%, thấp hơn so với tỷ lệ chung của khu vực và cả nước.
Một số giải pháp cấp nước sinh hoạt đã được đầu tư trên địa bàn tỉnh bằng ngân sách Nhà nước tuy đáp ứng được một phần nhu cầu của người dân, song không hiệu quả do chi phí đầu tư xây dựng cao và chi phí quản lý, vận hành lớn (đối với hồ treo); các hình thức đầu tư bể, lu chứa nước tại hộ gia đình không đủ dùng cho sinh hoạt, nhất vào các tháng mùa khô, đa số các hộ gia đình ở các xã vùng cao phải đi lấy nước cách xa nhà 7 - 8 cây số, hoặc phải mua nước để sử dụng với chi phí rất cao từ 100 đến 200 ngàn đồng/m3.
Theo Báo cáo những năm gần đây của CDC Hà Giang, việc kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được thực hiện với tần xuất 20-30% tổng số nguồn nước cấp trong năm đã cho thấy, các chỉ tiêu ô nhiễm đều vượt ngưỡng giới hạn, như: Vi khuẩn E.Coli ở đa số mẫu; vi khuẩn Coliforms ở 100% mẫu; độ đục có trên 53% số mẫu; Pecmanganat có trên 43% số mẫu.
Tháng 5/2020, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Hà Giang (Liên hiệp hội) tiến hành giám sát độc lập chất lượng nước của 5 hồ treo ngẫu nhiên trên địa bàn tỉnh, kết quả phân tích do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) cung cấp, cho thấy: 100% (5/5) mẫu nước kiểm tra có chỉ tiêu vi khuẩn E.coli vượt từ 1,05 - 4,45 lần giới hạn cho phép; 20% số mẫu nước kiểm tra có chỉ tiêu vi khuẩn Coliforms vượt gấp 1,6 lần (đây là những vi khuẩn, vi rút gây ra dịch, bệnh đường ruột đối với người); 40% số mẫu có chỉ tiêu độ đục vượt từ 1,74-5,86 lần; và 80% số mẫu nước kiểm tra có chỉ số Pecmanganat vượt từ 1,48-2,28 lần (là dấu hiệu tình trạng ô nhiễm nặng đối với nguồn nước mặt). Đây chính là những yếu tố gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người dân, đặc biệt là đối với trẻ em trong độ tuổi đến trường.
Nhận thức rõ điều đó, các nhà khoa học của Liên hiệp hội đã đề xuất Dự án “Tăng cường tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường cho trường học và người dân tỉnh Hà Giang”, nhằm mục đích xây dựng 5 mô hình xử lý, cấp nước sạch, nước uống trực tiếp cho học sinh và cán bộ, giáo viên tại 5 trường học (còn gọi là nước uống học đường - NUHĐ) trên địa bàn tỉnh. Đây là sáng kiến nằm trong chuỗi hoạt động chung của Dự án “Các hoạt động địa phương Việt Nam vì sức khỏe, môi trường - Local Works” do Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) thực hiện bởi sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Với phương châm “làm để học”, mục tiêu của Dự án nhằm phát huy sáng kiến và vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức địa phương dựa trên nguyên tắc: Cơ quan tài trợ (PHAD và USAID) không làm thay và không áp đặt công việc phải làm đối với người dân. Trong giai đoạn xây dựng mô hình, nhà tài trợ chỉ hỗ trợ phần mua sắm, lắp đặt hệ thống thiết bị và chuyên gia kỹ thuật (khoảng 80% tổng kinh phí dự toán) để giúp các tổ chức địa phương nâng cao năng lực, kinh nghiệm, tiến tới tự chủ ở giai đoạn nhân rộng mô hình. Phần còn lại do địa phương đối ứng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lắp đặt hệ thống, làm hàng rào bảo vệ (khoảng 20%), nhằm tăng tính trách nhiệm của địa phương và đơn vị thụ hưởng, đảm bảo tính bền vững của mô hình.
Tuy thuộc loại quy mô nhỏ, bán công nghiệp, nhưng Dự án chú trọng lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp với các yếu tố địa phương. Ban Quản lý Dự án do Liên hiệp hội chủ trì với sự tham gia của một số đơn vị liên quan trong tỉnh và các đơn vị thụ hưởng đã khẩn trương triển khai theo kế hoạch được phê duyệt của cơ quan tài trợ. Thông qua các đơn vị mời thầu, cùng với việc nắm chắc tình hình địa bàn và thực tiễn của địa phương, Ban Quản lý Dự án đã lựa chọn đúng phương án tối ưu về công nghệ và địa bàn xây dựng mô hình. Theo đó, một phương án thiết kế với công nghệ lọc nước tinh khiết do Công ty Cổ phần Thiết bị và Công nghệ TEKCOM đề xuất được trúng thầu, đáp ứng với với yêu cầu của Dự án và thực tiễn địa phương tại 5 điểm trường thuộc 2 huyện vùng cao: Đồng Văn và Bắc Mê (mỗi huyện 2 trường) và thành phố Hà Giang (một trường).
Công nghệ lọc nước tinh khiết với màng lọc RO (Reverse Ossmosis - thẩm thấu ngược) đưa nước đi từ nơi có nồng độ muối cao tới nơi có nồng độ muối thấp dưới tác dụng của áp lực, kết hợp với khử trùng bằng Cloramin B, sử dụng lõi lọc Nano bạc và đèn UV diệt khuẩn (Ultra Violet - đèn tia cực tím tiêu diệt toàn bộ các loại vi khuẩn, vi rút, nấm mốc gây hại và loại bỏ hầu hết các chất cặn bẩn, độc tố, kim loại nặng như Chì (Pb), thủy ngân (Hg), thuốc trừ sâu, Asen, chất phóng xạ… tạo ra nước tinh khiết, vô trùng.
|
VÀ NHỮNG KẾT QUẢ VƯỢT TRỘI
Xác định rõ, đây là những mô hình “làm để học”, nhằm nhân rộng trên các địa bàn trong tỉnh vốn còn khan hiếm về nước sạch và NUHĐ, Ban Quản lý Dự án đã quán triệt chặt chẽ tinh thần trách nhiệm, tương thân, tương ái với đồng bào, nhất là đối với các em học sinh đang có nhiều khó khăn, thiệt thòi trong học tập và sinh hoạt. Nhờ đó, các khâu, chuỗi của Dự án từ tổ chức quản lý, đến triển khai thực hiện đều được tiến hành đồng bộ trên cả 5 mô hình
Căn cứ thực tế, các thiết bị của hệ thống được lắp đặt phù hợp với công suất và nhu cầu sử dụng của từng mô hình, nhằm tiết kiệm nguồn nước, chi phí vật tư và điện năng. Song song với việc lắp đặt hệ thống thiết bị, Ban Quản lý Dự án tích cực triển khai các hoạt động như: Kiểm tra, giám sát kỹ thuật lắp đặt thiết bị và tiến độ thực hiện, kịp thời phát hiện những bất cập phát sinh để các bên cùng bàn bạc, thống nhất giải pháp khắc phục; giúp các nhà trường thành lập Ban Quản lý, vận hành hệ thống cấp nước; xây dựng quy chế; biên soạn tài liệu và tổ chức tập huấn quản lý, vận hành hệ thống cấp nước… Nhiều tài liệu phục vụ công tác tập huấn được biên soạn, mô tả chi tiết mô hình hệ thống tổng thể, điểm kết nối, tương tác giữa các khối thiết bị; giới thiệu nguyên lý vận hành của các thành phần; hướng dẫn vận hành hệ thống, các cảnh báo và cách khắc phục lỗi cơ bản; hướng dẫn bao quát về định mức, quá trình bảo trì, thay thế vật tư tiêu hao định kỳ; hướng dẫn và chú ý cơ bản về bảo đảm an toàn vệ sinh, chăm sóc theo dõi hệ thống; đặc biệt là các tài liệu Video hướng dẫn chi tiết kỹ thuật chuyên sâu trong việc cài đặt tham số vận hành… là cẩm nang cho các thành viên Ban Quản lý, vận hành của nhà trường và địa phương.
Thông qua công tác tập huấn, đã xây dựng được các thành viên nòng cốt trong Ban quản lý của 5 trường có đủ năng lực theo dõi, giám sát vận hành hệ thống, đánh giá giám sát chất lượng nước đầu ra theo các Quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT; QCVN 01-1:2018/BYT đối với nước cho sinh hoạt và QCVN 6-1:2010/BYT đối với nước uống trực tiếp. Qua đó, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng App quản lý vận hành sử dụng hệ thống và theo dõi một số chỉ số chất lượng nước của hệ thống bằng phần mềm từ xa.
Nhờ triển khai đồng bộ các hoạt động, Dự án đã đạt được nhiều kết quả vượt qua sự mong đợi. Qua hai lần xét nghiệm chất lượng nước sinh hoạt sau xử lý tại 5 mô hình (do cơ quan y tế có thẩm quyền - CDC Hà Giang cung cấp) đều không còn vi khuẩn tồn tại, đạt chất lượng Quy chuẩn quốc gia QCVN 01-1:2018/BYT (Quy chuẩn cao nhất dành cho nước sinh hoạt); nước tinh khiết RO (nước uống trực tiếp) đều không có vi khuẩn, hàm lượng các chất kim loại nặng và chất độc hại, đạt chất lượng Quy chuẩn quốc gia QCVN 6-1:2010/BYT (Quy chuẩn cao nhất dành cho nước uống trực tiếp). Đây là những kết quả khích lệ của Dự án, không chỉ đáp ứng nhu cầu, mong đợi được sử dụng nước sạch và nước uống trực tiếp của 3.240 học sinh, sinh viên, cán bộ và giáo viên của 5 nhà trường trên địa bàn mà còn là một thành công lớn mang tính bền vững tưởng như khó có thể trong một dự án nhỏ, kinh phí thấp và khó khăn nhiều mặt, kể cả sự “cố hữu” của tư duy bao cấp vốn vẫn còn ngự trị trong cộng đồng và một bộ phận cán bộ khoa học trong tỉnh.
Thông qua các mô hình, lần đầu tiên công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất về cấp nước sạch được đầu tư tại tỉnh Hà Giang. Với quy mô nhỏ, kinh phí chỉ gồm 706,21 triệu đồng cho cả 5 mô hình, trong đó, vốn từ nhà tài trợ là 580,29 triệu đồng (chiếm 82,2%); vốn đối ứng của địa phương là 125,92 triệu đồng (chiếm 17,8%); hệ thống dễ lắp đặt, tiết kiệm điện năng (1 m3 nước sạch và 100 lít nước uống tinh khiết đầu ra tiêu thụ khoảng 1 kW điện); hoạt động ổn định, đảm bảo cung cấp đủ nước cho nhu cầu sử dụng của mỗi trường; phù hợp với mô hình tự quản đối với mỗi đơn vị trường học, cụm dân cư.
Kết quả của Dự án, phản ánh đúng mục tiêu đề ra, nhằm phát huy sáng kiến của các tổ chức địa phương vì sức khỏe môi trường đang là vấn đề bức thiết trên địa bàn tỉnh. Liên Hiệp hội tỉnh Hà Giang là đơn vị đi tiên phong trong loại hình sáng kiến này, góp phần tạo nên sự bứt phá trong đổi mới tư duy của cán bộ, người dân vốn vẫn trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp, thiếu năng động, sáng tạo cũng như ý thức tự nâng cao năng lực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, môi tường trong cộng đồng.
Hiện nay, Liên hiệp hội Hà Giang đang tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý Dự án Viện PHAD và nhà thầuTEKCOM tổng kết, đánh giá bước đầu kết quả của Dự án. Đồng thời, tranh thủ sự giúp đỡ của các nhà khoa học, đề xuất với địa phương kế hoạch và các giải pháp nhân rộng mô hình, góp phần cung cấp nước sạch và NUHĐ trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cho sức khỏe môi trường, an toàn cho cộng đồng, làm thay đổi về thể chất và hướng đến sự phát triển bền vững cho thế hệ tương lai./.
Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh Hà Giang
Thành Vinh (Local Works)