Thứ Ba, 26/11/2024
Chính sách
Thứ Năm, 20/10/2011 10:13'(GMT+7)

Bình đẳng giới và quyền sáng tạo của phụ nữ

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội trong 3 nhiệm kỳ gần đây đạt trên 25%- chứng tỏ vị thế của phụ nữ Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội trong 3 nhiệm kỳ gần đây đạt trên 25%- chứng tỏ vị thế của phụ nữ Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Mấy năm gần đây, "bình đẳng giới" luôn được nhắc tới như một hoạt động không thể thiếu trong xã hội tiến bộ, đặc biệt là một xã hội đang phát triển như Việt Nam. Phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng giới là việc làm thường xuyên, liên tục và nhất quán của Đảng ta nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp phát triển đất nước.

Tháng 1/1946, tức là hơn 4 tháng kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, lần đầu tiên phụ nữ Việt Nam được cầm lá phiếu bầu đại biểu Quốc hội, khẳng định vị trí bình đẳng của mình so với nam giới trong việc thực hiện quyền làm chủ đất nước. Nếu so với gần 150 năm sau ngày Cách mạng Tư sản Pháp, phụ nữ nước này mới được đi bầu cử, hay một nước văn minh ở Bắc Âu như Thụy Sĩ, phải đến năm 1971 phụ nữ mới được đi bầu cử thì rõ ràng ở chế độ ta, quyền bình đẳng của phụ nữ đã sớm được luật pháp công nhận và tôn trọng.

Từ đó đến nay, phụ nữ Việt Nam luôn giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Những năm kháng chiến, phụ nữ tay cày tay súng, vừa sản xuất vừa đánh giặc, đất nước từng tôn vinh những nữ anh hùng lao động, nữ anh hùng lực lượng vũ trang. Trong hòa bình xây dựng, ngày càng có nhiều phụ nữ thành công trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giáo dục, kinh tế, ngoại giao. Tỷ lệ phụ nữ tham chính ngày càng nhiều, tiếng nói của phụ nữ ngày càng có vai trò quyết định đối với những vấn đề trọng đại của đất nước.

Bình đẳng giới đã mở ra cơ hội cho phụ nữ phát huy sáng tạo, đóng góp công sức, trí tuệ cho đất nước. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu toàn cầu về tỷ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế, xóa bỏ nhanh chóng khoảng cách giới trong 20 năm qua ở khu vực Đông Á.

Tuy nhiên, bên cạnh những kế quả bước đầu, do nhiều nguyên nhân, công tác bình đẳng giới vẫn còn nhiều bất cập. Nhận thức, thái độ và hành vi mang tính định kiến giới vẫn tồn tại ngay trong cán bộ công chức. Khoảng cách giữa quy định của pháp luật về bình đẳng giới với việc thực thi còn khá lớn, nhiều cán bộ vẫn lúng túng trong việc lồng ghép giới vào các lĩnh vực đang quản lý hoặc đang thực hiện.

Chênh lệch về tỷ lệ nam nữ tham gia quản lý, lãnh đạo ở các cấp còn cao (bằng 1/3 nam giới). Tỷ lệ nữ lao động phổ thông và công nhân chưa qua đào tạo cao hơn nam giới 1,5 lần. Lao động nữ có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chỉ bằng 42% so với lao động nam, thu nhập chỉ bằng 80% nam giới…

Đấu tranh cho mục tiêu bình đẳng giới là việc làm thường xuyên và không ít khó khăn. Bởi trở ngại, nhiều khi lại ở chính phụ nữ. Theo tài liệu của Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam xuất bản năm 2004 thì "bình đẳng giới là sự thừa nhận và coi trọng như nhau các đặc điểm giống và khác nhau giữa phụ nữ và nam giới".

Với khái niệm này thì bình đẳng giới không phải là sự hoán đổi vai trò của nam, nữ từ thái cực này sang thái cực khác và cũng không phải là sự tuyệt đối hóa bằng con số hoặc tỷ lệ 50/50 mà là sự khác biệt về giới tính trong các vai trò sản xuất, tái sản xuất, vai trò chính trị và cộng đồng, đặc biệt là sự chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc các thành viên gia đình để tạo cơ hội và điều kiện cho nam, nữ phát triển toàn diện. Đồng thời tạo điều kiện và cơ hội cho phụ nữ bù đắp những khoảng trống do việc mang thai, sinh con và gánh vác phần lớn lao động gia đình...

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, mỗi giới có vai trò riêng của mình. Song để phụ nữ được bình đẳng với nam giới, không thể chỉ nghĩ giản đơn là chuyện “hôm nay anh nấu cơm, quét nhà, rửa bát; ngày mai em rửa bát, quét nhà, nấu cơm. Quyền bình đẳng của phụ nữ phải được giải quyết trên cơ sở các biện pháp tổng hợp về kinh tế, văn hoá xã hội”.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là phụ nữ cần biết bứt phá ra khỏi những ràng buộc mang tính định kiến của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời từng nói: “Giành lại quyền bình đẳng cho phụ nữ là cuộc cách mạng lâu dài, to lớn và khó nhất. Phụ nữ muốn được bình đẳng không phải bảo Đảng và Chính phủ hay nam giới giải quyết mà phải tự đấu tranh phấn đấu giành lấy”.

Bình đẳng là một trong những quyền cơ bản của phụ nữ một nước độc lập, tự do. Nhưng muốn được bình đẳng, phụ nữ cần phải học. Học để có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân đạo, để tự tin khẳng định mình. Chỉ có tự do, bình đẳng, phụ nữ mới thoát khỏi những rào cản mang tính định kiến của xã hội, mới có điều kiện phát huy sáng tạo cá nhân mà thể hiện được tài năng, nhiệt tình cống hiến ngày càng nhiều hơn cho đất nước./.

(Theo: Vân Thiêng/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất