Chủ Nhật, 24/11/2024
Chính sách
Thứ Tư, 15/8/2012 10:18'(GMT+7)

Thanh Hóa đảm bảo an toàn cho ngư dân vươn khơi bám biển

Tỉnh đặt mục tiêu từ nay đến năm 2015 có 100% tàu cá công suất 45CV trở lên phải được trang bị máy thông tin vô tuyến sóng ngắn và sóng cực ngắn, được đăng ký, quản lý và duy trì liên lạc với UBND xã, phường có tàu thuyền tham gia khai thác, Đài thông tin duyên hải Thanh Hóa, các đồn biên phòng ít nhất một lần trong ngày; triển khai các biện pháp ngăn chặn, phát hiện và xử lý tàu, thuyền nước ngoài có hoạt động xâm phạm chủ quyền, khai thác trộm tài nguyên, khoáng sản trên vùng biển của tỉnh quản lý; đảm bảo lực lượng và trang bị phương tiện đủ khả năng đấu tranh, ngăn chặn với các hoạt động xâm phạm chủ quyền biển đảo và tham gia tìm kiếm cứu nạn trong vùng biển của tỉnh.

Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh tập trung lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực an ninh trật tự, bảo vệ nguồn lợi, tài nguyên, môi trường và phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào các cửa sông, cửa lạch, cảng biển, bến bãi, phát hiện kịp thời các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, xuất nhập cảnh trái phép và duy trì an ninh trật tự trong vùng nước cảng. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến của thời tiết để thông báo, chuyển tải kịp thời cho ngư dân đang làm ăn trên biển có biện pháp phòng tránh thích hợp; tổ chức tiếp nhận, xử lý hiệu quả các thông tin liên quan đến công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; đẩy mạnh các biện pháp nghiên cứu, dự báo sát tình hình thiên tai, tai nạn xảy ra trên biển, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và phát triển kinh tế vùng biển. Đồng thời, các địa phương ven biển quản lý, kiểm soát tận gốc người, phương tiện, làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc chủ phương tiện, thuyền trưởng, máy trưởng, số lượng thuyền viên, ngư trường khai thác, tần số liên lạc và các thiết bị đảm bảo an toàn khác để làm cơ sở cho việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, kiểm đếm, kêu gọi tàu, thuyền và đảm bảo an toàn cho ngư dân khi hoạt động trên biển. Các địa phương cũng từng bước hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc nghề cá phục vụ chỉ đạo sản xuất và nắm tình hình tàu thuyền, có chính sách hỗ trợ trang bị cứu sinh và thiết bị an toàn hàng hải cho ngư dân đi biển, đồng thời duy trì nghiêm các quy định của pháp luật đối với tàu, thuyền hoạt động trên biển, nhất là việc chấp hành các quy định về an toàn. Tỉnh Thanh Hóa cũng phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền 6 huyện vùng ven biển tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng đối với mọi hoạt động trên biển, cũng như tại khu dân cư, bến đậu, bãi ngang và quản lý theo ngư trường khai thác; không cho tàu cá thiếu thủ tục, trang thiết bị an toàn ra biển hoạt động, không cho tàu xuất bến khi bão, áp thấp nhiệt đới hoặc thời tiết đang diễn biến phức tạp, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo pháp luật hiện hành.

Theo thống kê, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có trên 8.500 tàu cá hoạt động trên biển với gần 28.000 lao động. Những năm qua, nhiều hộ ngư dân đã đầu tư đóng mới hoặc hoán cải nâng cấp tàu cũ công suất nhỏ thành tàu có công suất lớn, khả năng chịu sóng gió cấp 4-5. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ngư dân đánh bắt hải sản bằng phương tiện quá cũ, kém chất lượng, khi gặp sóng to gió lớn dễ bị tai nạn. Có vụ việc do ý thức tự giác của ngư dân kém, không chấp hành đúng quy định bảo đảm an toàn, vì lợi nhuận kinh tế hoặc dựa vào kinh nghiệm dân gian, dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Bên cạnh đó, hàng năm, sau mùa mưa lũ các cửa sông, cửa lạch bị bồi lắng chưa được nạo vét thường xuyên, chính quyền một số địa phương chưa làm hết trách nhiệm để một số trường hợp lấn chiếm dòng chảy, làm thay đổi dòng chảy..., gây khó khăn cho phương tiện ra vào, nhất là khi sóng to, gió lớn, đã có nhiều phương tiện ra vào cửa sông, cửa lạch bị mắc cạn, sóng đánh vỡ hoặc lật thuyền... Do đó, tình hình tai nạn trên biển vẫn xảy ra thường xuyên, gây thiệt hại nghiệm trọng về người và tài sản. Chỉ tính trong 3 năm 2009-2011, toàn tỉnh đã xảy ra 182 vụ việc tai nạn, rủi ro trên biển làm ảnh hưởng đến 803 người; trong đó có 109 người bị chết, hư hỏng 158 tàu, thuyền các loại.

Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tập trung nâng cao năng lực tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn cho các lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách, góp phần giảm thiểu số vụ tai nạn và thiệt hại do thiên tai, tai nạn, rủi ro trên biển gây ra; phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành và toàn dân xây dựng lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách đủ khả năng bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế trên biển, đảo./. 

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất