Thứ Năm, 21/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Năm, 22/8/2024 14:34'(GMT+7)

Thanh Hóa: Nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản trên địa bàn tỉnh

Đồng chí Phan Xuân Thủy phát biểu kết luận buổi làm việc.

Đồng chí Phan Xuân Thủy phát biểu kết luận buổi làm việc.

TRIỂN KHAI NGHIÊM TÚC CHỈ THỊ 42-CT/TW

Theo báo cáo tại buổi làm việc, thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị; tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt, triển khai Chỉ thị đến đội ngũ cán bộ chủ chốt toàn tỉnh; chỉ đạo các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tổ chức quán triệt các nội dung Chỉ thị đến các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công nhân viên hoạt động trong lĩnh vực xuất bản. UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành xuất bản, in, phát hành sách trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2015, giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, ban hành quy định về trợ giá, trợ cước trong phát hành xuất bản phẩm cho các vùng miền núi, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 1 nhà xuất bản (Nhà xuất bản Thanh Hóa) và 25 cơ sở in đang hoạt động theo quy định. Có hệ thống bưu điện từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn; có 2 công ty phát hành sách; 29 hiệu sách Nhân dân tại các huyện, thị xã, thành phố; 4 siêu thị sách và hàng trăm cơ sở kinh doanh, phát hành sách tư nhân.

Từ năm 2004 đến nay, đã xuất bản được 8.983 đầu sách với 24.095.664 bản; liên kết xuất bản, phát hành 1.950 mẫu lịch các loại với 30.891.100 bản. Các xuất bản phẩm phát hành đều đảm bảo về nội dung và hình thức, đáp ứng tốt nhu cầu của độc giả; nhiều xuất bản phẩm có giá trị về tư tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, nội dung tập trung khai thác, giới thiệu, quảng bá đậm nét bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh.

Trong 20 năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã thực hiện cấp giấy phép xuất bản với gần 5.000 ấn phẩm tài liệu không kinh doanh, trung bình 250 ấn phẩm/năm. Nội dung xuất bản chủ yếu là các bản tin của các cơ quan, đơn vị; tài liệu tuyên truyền, cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị; tài liệu hướng dẫn nghiên cứu, học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, các biện pháp phòng chống thiên tai, dịch bệnh và bảo vệ môi trường; kỷ yếu hội thảo; tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền, phổ biến pháp luật... Chất lượng các xuất bản phẩm được nâng cao cả về nội dung và hình thức.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa Đào Xuân Yên báo cáo tại buổi làm việc.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa Đào Xuân Yên báo cáo tại buổi làm việc.

Nhà Xuất bản Thanh Hóa đã tập trung khai thác đa dạng các đề tài xuất bản về chính trị, xã hội, lịch sử, văn hóa, nhất là đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử, văn hóa, văn học - nghệ thuật, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa. Một số xuất bản phẩm có giá trị đã đạt nhiều giải thưởng quốc gia, được bạn đọc ghi nhận và đánh giá cao. Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã biên tập, in và phát hành nhiều tài liệu, ấn phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của ngành, địa phương, với số lượng hàng trăm loại tài liệu, ấn phẩm mỗi năm. Một số ấn phẩm có số lượng in lớn như: Bản tin nội bộ, sách địa chí, lịch sử đảng bộ các địa phương, đơn vị, ấn phẩm của các cơ quan báo chí...

Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn khảo sát đánh giá cao Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chuẩn bị báo cáo công phu, chất lượng, khoa học. Báo cáo đã nêu được những cách làm hay, sáng tạo, cũng như tồn tại, hạn chế, vướng mắc từ thực tiễn hoạt động xuất bản của tỉnh.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc.

COI TRỌNG CÔNG TÁC XUẤT BẢN, HOẠT ĐỘNG XUẤT BẢN, XEM ĐÂY LÀ MỘT NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ QUAN TRỌNG

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh trân trọng cảm ơn Ban Tuyên giáo Trung ương cùng với các bộ, ngành ở Trung ương trong thời gian qua đã luôn quan tâm, hỗ trợ Thanh Hóa, nhất là trong công tác xuất bản. Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, tỉnh Thanh Hóa luôn xác định và coi trọng công tác xuất bản, hoạt động xuất bản, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Sản phẩm của xuất bản là những tài liệu, thông tin quan trọng để phục vụ tìm hiểu, khai thác, nghiên cứu và ứng dụng trong học tập, trong công việc.

Nhân dịp này, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu cơ chế đặc thù trong quy định chuyển đổi hình thức hoạt động của Nhà Xuất bản Thanh Hóa, để Nhà Xuất bản Thanh Hóa sớm ổn định bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động.

Tỉnh Thanh Hóa tiếp thu các ý kiến phát biểu của các đồng chí trong đoàn khảo sát để thời gian tới triển khai thực hiện tốt hơn nữa, tiếp tục nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy ghi nhận, đánh giá Thanh Hóa là một trong những địa phương tiên phong triển khai thực hiện tốt nội dung, tinh thần của Chỉ thị, từ công tác nghiên cứu, học tập, tuyên truyền đồng bộ, kịp thời trong cấp ủy các cấp. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX).

Đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị tỉnh Thanh Hóa tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế, tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến công tác xuất bản. Tăng cường xây dựng tổ chức, ổn định bộ máy Nhà xuất bản Thanh Hóa, đội ngũ cán bộ, biên tập viên, nguồn lực, trang bị các điều kiện vật chất, kỹ thuật cho ngành xuất bản. Quan tâm xây dựng văn hóa đọc phát triển sâu rộng trong cộng đồng dân cư, gắn với việc tổ chức các hội chợ sách, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong ngành xuất bản, nhất là đối với các biên tập viên. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động đa dạng các nguồn lực để nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản; thực hiện tốt việc liên kết trong các hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm giữa nhà xuất bản với các cơ quan, tổ chức nhà nước, tư nhân, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các đoàn thể...; khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh hoạt động in, phát hành theo đúng quy định của pháp luật.

Nghiên cứu, triển khai các mô hình xuất bản mới phù hợp với sự phát triển của công nghiệp xuất bản hiện đại; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, mở rộng mạng lưới phát hành xuất bản phẩm đến mọi người dân, nhất là khu vực miền núi, vùng khó khăn.

Đoàn công tác cũng ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa để báo cáo Ban Bí thư Trung ương nghiên cứu, chỉ đạo và có những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Nhà Xuất bản Thanh Hóa.

Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Nhà Xuất bản Thanh Hóa.

* Trong khuôn khổ chương trình công tác, buổi sáng đoàn đã có buổi làm việc với cán bộ, công nhân viên Nhà Xuất bản Thanh Hóa về những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động xuất bản thời gian qua.

Bảo Châu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất