Thứ Sáu, 22/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Hai, 19/8/2024 13:11'(GMT+7)

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, hỗ trợ hoạt động xuất bản

Các đại biểu dự Hội thảo tại đầu cầu Cục Xuất bản, In và Phát hành - Bộ Thông tin và Truyền thông.

Các đại biểu dự Hội thảo tại đầu cầu Cục Xuất bản, In và Phát hành - Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến dưới sự chủ trì của các đồng chí: Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành.

Phát biểu Đề dẫn Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên khái quát kết quả nổi bật của ngành xuất bản 20 năm qua; những tồn tại hạn chế, nguyên nhân hạn chế. Trong đó nhấn mạnh, 20 năm qua, nhịp độ tăng trưởng của cả lĩnh vực in, xuất bản, phát hành tương đối ổn định, đạt khoảng 6-8%. Năm 2023, bình quân đầu sách xuất bản trên cả nước đạt khoảng 5,3 bản/người/năm. Lĩnh vực in cũng phát triển mạnh, năm 2023 cả ngành có trên 2/100 cơ sở in, về cơ bản đạt doanh thu cao. Lĩnh vực phát hành nở rộ với hơn 2.000 đơn vị, sách điện tử phát triển.

Con số tăng trưởng về số đầu sách, bản sách trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường thế giới cũng như trong nước cho thấy hoạt động của ngành xuất bản về cơ bản vẫn duy trì nhịp độ tăng ổn định, đáp ứng nhu cầu bạn đọc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập được nêu lên là, tổng quy mô cả ba lĩnh vực (xuất bản, in, phát hành) còn hạn chế, chỉ đạt khoảng 102.000 tỷ đồng năm 2023. Lĩnh vực xuất bản doanh thu vượt 100 tỷ đồng/năm còn ít. Lĩnh vực in quy mô còn nhỏ lẻ, năng lực công nghệ còn hạn chế, thiết bị lạc hậu. Hệ thống phát hành phát triển không đều, nhiều yếu tố bất cập; việc đưa sách về các địa phương vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn...

Cùng với đó, công tác xuất bản vẫn còn tình trạng những xuất bản phẩm có chất lượng kém, có những nội dung vi phạm về tư tưởng chính trị đến mức phải xử lý; tình trạng buông lỏng hoạt động liên kết làm giảm vai trò, uy tín, thương hiệu nhà xuất bản. Tình trạng thiếu hụt nguồn cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản vẫn còn diễn ra. So với quy mô nhập khẩu sách, dòng chảy xuất khẩu sách còn rất nhỏ bé; thiếu một chiến lược đầu tư dịch thuật, quảng bá xuất bản phẩm ra nước ngoài...

Đồng chí Nguyễn Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành phát biểu Đề dẫn Hội thảo.

Theo đồng chí Nguyễn Nguyên, trong bối cảnh hiện nay, nhiều vấn đề bất cập mới đã nảy sinh đòi hỏi phải sớm có biện pháp khắc phục như: Quy định về chính sách; quy định về mô hình; việc thực hiện các thủ tục hành chính; các quy định về xuất bản điện tử... Các nguyên nhân chủ quan dẫn đến các hạn chế là: Việc thể chế hóa các nội dung, định hướng, chỉ đạo của Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” còn chậm, thiếu quan tâm bố trí nguồn lực; nhận thức trách nhiệm của các cơ quan chưa đầy đủ; hạn chế, yếu kém của một bộ phận lãnh đạo...

Cùng với hơn 15 tham luận gửi đến Ban Tổ chức, tập trung vào các vấn đề, nhóm vấn đề liên quan đến chủ đề trọng tâm của Hội thảo, các ý kiến phát biểu trực tiếp cũng nhấn mạnh đến việc cần tích cực tuyên truyền nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò của hoạt động xuất bản; trao đổi sâu về một số vấn đề lớn, làm tiền đề cho phát triển ngành, như: Mô hình nhà xuất bản, chính sách ưu đãi phù hợp với đặc thù, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo nhà xuất bản trong tình hình mới.

Cùng với đó, các đề xuất, kiến nghị cũng nhấn mạnh đến cơ chế chính sách, trong đó có việc cần gấp rút xây dựng một chiến lược phát triển tổng thể ngành xuất bản lâu dài, bền vững, vừa bảo đảm tính chất đặc thù của hoạt động xuất bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vừa thích ứng với quy luật phát triển của khu vực và thế giới; cải cách thủ tục hành chính phù hợp yêu cầu chuyển đổi số và hội nhập quốc tế; nghiên cứu, ứng dụng nền tảng số để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vi phạm bản quyền, sách lậu, sách giả; nâng cao vai trò lãnh đạo, quản lý của Cục Xuất bản, In và Phát hành trong công tác cải cách thủ tục hành chính...

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu kết luận Hội thảo.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nêu rõ, thời gian qua, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, chủ động trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản; thực hiện nghiêm nguyên tắc một đầu mối trong chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng, nội dung xuất bản phẩm; bảo đảm việc chỉ đạo, định hướng thống nhất, kịp thời...

Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành kế hoạch tổng thể, kèm đề cương chi tiết; kế hoạch khảo sát tiến hành đánh giá, tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản để kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền những chủ trương, quan điểm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động xuất bản trong tình hình mới.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra “Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá”, trên cơ sở tiếp thu các đề xuất, kiến nghị tại Hội thảo, trong đó có các ý kiến về sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản, đồng chí Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam đối với hoạt động xuất bản.

Thời gian tới, cùng với các nội dung khác, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm lưu ý cần phải xây dựng những cơ chế, chính sách đặc thù đối với loại hình doanh nghiệp các nhà xuất bản với tư cách là những đơn vị hoạt động trên lĩnh vực chính trị, văn hóa, tư tưởng. Trong đó có cơ chế, chính sách về giá thuê nhà đất, trụ sở, về miễn, giảm các loại thuế, về đầu tư cơ sở hạ tầng, chi phí xuất bản, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ, ưu đãi lãi suất vay vốn ngân hàng, các dự án đặt hàng lâu dài, có chiều sâu…

Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan cần gấp rút xây dựng một chiến lược, một lộ trình áp dụng thế mạnh của công cuộc chuyển đổi số vào hoạt động xuất bản ở cả ba công đoạn: xuất bản, in, phát hành. Đặc biệt là khả năng kết nối trong việc khai thác nguồn dữ liệu, tìm hiểu, khai thác nhu cầu thị trường, thị hiếu người đọc.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện việc rà soát sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất bản cho phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động xuất bản, in, phát hành hiện nay tại Việt Nam và xu thế phát triển của khu vực và thế giới; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ đối với hoạt động xuất bản, in và phát hành; kiên quyết xử lý các tập thể, cá nhân không thực hiện hoặc chậm trễ thực hiện gây cản trở đến sự phát triển của hoạt động xuất bản, in và phát hành. Các chính sách cũng cần linh hoạt thay đổi từng thời điểm phù hợp với xu thế phát triển của mỗi lĩnh vực cụ thể.../.

THẾ HOÀNG

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất