Thứ Sáu, 27/12/2024
Nhịp cầu Tuyên giáo
Thứ Sáu, 11/10/2024 19:50'(GMT+7)

Thanh Hóa: Tham vấn và đối thoại với đội ngũ trí thức

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đào Xuân Yên, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Dự Hội nghị có các đồng chí: Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh; Lê Tiến Lam, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Đức Giang, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Trường Chính trị tỉnh, các trường đại học, cao đẳng, các hội, hiệp hội, liên minh, liên hiệp, câu lạc bộ và tập thể Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp Hội), trí thức tiêu biểu của các hội thành viên thuộc Liên hiệp Hội.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên nêu rõ, tiếp nối thành công của Hội nghị tiếp xúc, gặp gỡ, tham vấn và đối thoại giữa Lãnh đạo tỉnh với đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh năm 2022, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tiếp xúc, gặp gỡ, tham vấn và đối thoại giữa Lãnh đạo tỉnh với đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên phát biểu khai mạc.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên phát biểu khai mạc.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh, tại hội nghị này, các đồng chí Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ngành của tỉnh rất mong muốn được lắng nghe những đề xuất, kiến nghị, những kế sách, giải pháp do đội ngũ trí thức tỉnh nhà đề xuất, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao. Phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, một cực tăng trưởng mới, có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc. Đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước như Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII), Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định.

Tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh đã khái quát tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 9 tháng năm 2024; các định hướng phát triển (mục tiêu tổng quát, 3 trụ cột phát triển, 4 trung tâm kinh tế động lực, 6 hành lang kinh tế); các chương trình, đề án, dự án, cơ chế, chính sách lớn của tỉnh; những vấn đề tham vấn đội ngũ trí thức.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu.

Theo đó, 9 tháng đầu năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức; song, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, với tinh thần “Kỷ cương - Trách nhiệm - Hành động - Sáng tạo - Phát triển”; cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, quốc phòng - an ninh được đảm bảo.

Đại diện đội ngũ trí thức trong tỉnh, Chủ tịch Liên hiệp Hội Nguyễn Văn Phát báo cáo tổng hợp ý kiến, tham vấn, đối thoại, đề xuất, kiến nghị của đội ngũ trí thức với Lãnh đạo tỉnh gồm: Chính sách thu hút các chuyên gia, nhà khoa học có thành tích cao trong nghiên cứu khoa học, có chuyên môn, trình độ cao ở các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lõi, tự động hoá, công nghiệp bán dẫn, logistics, luật, toán học, khoa học nông nghiệp về công tác tại Trường Đại học Hồng Đức; đề nghị tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ hình thành và phát triển một số nhóm nghiên cứu mạnh của tỉnh (đáp ứng tiêu chí theo Nghị định 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ); đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng một số phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế về các lĩnh vực: Công nghệ thông tin và truyền thông, tự động hoá, bảo quản chế biến, cơ khí chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao...; có chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển đối với các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ đủ điều kiện tham gia thị trường khoa học và công nghệ, nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ...; Tỉnh sớm xây dựng đề án tổng thể “Thu hút, phát triển, sử dụng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao cho các ngành trụ cột thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030”...

TS. Nguyễn Đình Hải, Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa trình bày tham vấn với chủ đề: Giải pháp tăng cường hoạt động hợp tác, liên kết, gắn kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh từ sản xuất đến chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm OCOP và các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có thế mạnh của tỉnh.

Trên cơ sở phân tích làm rõ tiềm năng và thực trạng phát triển của các nhóm sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, và sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh, TS. Nguyễn Đình Hải đề xuất những nhóm giải pháp nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến; phát triển chuỗi liên kết giá trị bền vững; đa dạng hóa sản phẩm và phát triển thương hiệu; phát triển thị trường và xúc tiến thương mại; phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực quản lý; giải pháp chuyển đổi số; mô hình thí điểm chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững...

PGS. TS. Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức đã trình bày tham vấn với chủ đề: Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58/NQ-TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Xây dựng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, nêu lên vai trò quyết định của chất lượng nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế - xã hội; thực trạng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Từ đó đề xuất với UBND tỉnh sớm ban hành cơ chế, chính sách thu hút, phát triển và sử dụng đội ngũ chuyên gia, cán bộ giảng viên có chuyên môn cao phục vụ các ngành kinh tế trọng tâm, trọng điểm của tỉnh; đề nghị UBND tỉnh triển khai xây dựng và ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh”.

Đại diện các trí thức trên địa bàn tỉnh phát biểu tại Hội nghị.

Đại diện các trí thức trên địa bàn tỉnh phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, đại diện các trí thức trên địa bàn tỉnh đã trao đổi với các đồng chí Lãnh đạo tỉnh những vấn đề về bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phục vụ cho du lịch góp phần vào sự phát triển của Tỉnh; về coi trọng việc sử dụng nguồn nước ngọt; về phát triển kinh tế đô thị, kinh tế đêm; phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh; ứng dụng tri thức bản địa và truyền tải các giá trị văn hóa vào sản phẩm OCOP; tổ chức phát triển không gian du lịch tỉnh Thanh Hóa…

Thay mặt Lãnh đạo UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã trao đổi, làm rõ những vấn đề đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh quan tâm. Đặc biệt là các ý kiến liên quan đến việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp thâm canh quy mô lớn, chất lượng cao; giải pháp xử lý môi trường trong sản xuất và một số nhóm đề suất khác liên quan đến cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức trong các cơ sở giáo dục đại học, đầu tư cơ sở vật chất, khen thưởng công trình khoa học, thu hút nhân tài; chính sách, hỗ trợ các dự án khoa học công nghệ…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên ghi nhận các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ trí thức, vì sự phát triển nhanh, bền vững của Thanh Hóa. Trong đó có nhiều kế sách, giải pháp trên các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; đồng thời, có nhiều kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức khoa học công nghệ, hoạt động khoa học công nghệ, cho đội ngũ làm công tác khoa học công nghệ.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu trí thức, các đồng chí Lãnh đạo tỉnh, các ngành trân trọng, cầu thị, lắng nghe, tiếp thu để nghiên cứu chỉ đạo trong thời gian tới. Đồng thời, cũng có những giải đáp trên cơ sở quy định của pháp luật về những nội dung mà các đại biểu có ý kiến.

Thay mặt Lãnh đạo tỉnh, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trân trọng cảm ơn những ý kiến phát biểu hết sức trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm vì sự phát triển đi lên của Tỉnh. Đồng thời nêu rõ, các ý kiến đề xuất, kiến nghị, giải pháp trình bày tại Hội nghị, Thường trực Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND tỉnh tiếp thu tối đa và tập trung chỉ đạo chỉ đạo giải quyết trên cơ sở quy định của pháp luật.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt, góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đất nước, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Đối với tỉnh Thanh Hóa, trong chỉ đạo, điều hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn nhận thức sâu sắc về vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức tỉnh nhà và luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để trí thức, cống hiến sức lực của mình cho sự phát triển của tỉnh.

Thanh Hóa là tỉnh lớn, dân số đông, bởi vậy nguồn nhân lực về lao động cũng rất là dồi dào. Đây là thế mạnh, quyết định đến sự phát triển của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có một đội ngũ trí thức lớn, với 236.000 trí thức công tác ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế, cả khu vực hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp... Đây thực sự là lực lượng nòng cốt trên nhiều lĩnh vực hoạt động của tỉnh. Nhất là nghiên cứu triển khai, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, đời sống... nhiều trí thức là tấm gương tiêu biểu trong học tập, sáng tạo, lao động đã được Nhà nước khen thưởng, vinh danh.

Nhấn mạnh các định hướng lớn của tỉnh trong thời gian tới, trong đó đến năm 2025 nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân chung cả nước, là mục tiêu rất lớn và cũng đầy thách thức đòi hỏi sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, trong đó có sự đóng góp của đội ngũ trí thức tỉnh nhà.

Nêu lên những trăn trở và những vấn đề đặt ra trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, như: 1) Giải pháp xử lý tình trạng manh mún trong sử dụng đất của các hộ để xây dựng cánh đồng mẫu lớn trong phát triển vùng nguyên liệu; 2) Việc đưa cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học vào canh tác gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, giá trị sản phẩm và thu nhập của bà con nông dân tại các vùng nguyên liệu cũng như lợi ích của nhà máy chế biến; 3) Việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, xử lý tốt môi trường trong sản xuất nông nghiệp, để hướng đến sản xuất hữu cơ; 4) Việc xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng cam kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm mà bà con nông dân đã ký với nhà máy, tránh tình trạng vi phạm hợp đồng bán sản phẩm cho tư thương, đầu nậu trả giá cao hơn trong khi không cung ứng các dịch vụ cho nông dân theo hợp đồng; 5) Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, một số xã mặc dù đã về đích nông thôn mới, nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường đang là điều rất đáng quan ngại, cần tập trung chỉ đạo khắc phục triệt để, không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống của một bộ phận dân cư; 6) Vấn đề đặt ra ở nông thôn hiện nay đó là thiếu lao động có kỹ thuật, có tay nghề trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, do các nhà máy may mặc, giầy da được đầu tư nhiều ở nông thôn, nên tình trạng thiếu lao động cũng đặt ra vấn đề cần giải quyết; 7) Việc có nên phát triển cây ăn quả quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Những trăn trở của tỉnh trong phát triển công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo, cụ thể là: 1) Việc tiếp tục thu hút các ngành công nghiệp khác vào Nghi Sơn để Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; 2) Khu kinh tế Nghi Sơn hiện có công nghiệp lọc hóa dầu, nhiệt điện, luyện cán thép, xi măng, hóa chất, dệt nhuộm... là những ngành nguy cơ ô nhiễm cao. Ngoài trách nhiệm xử lý môi trường, nước thải của các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thì về phía tỉnh với tư cách là quản lý nhà nước, phải có giải pháp gì mang tính tổng thể, để thị xã Nghi Sơn dù phát triển công nghiệp nặng, vẫn là đô thị đáng sống; 3) Giải pháp thu hút được doanh nghiệp công nghệ cao như điện tử, chịp bán dẫn... đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn (nguồn nhân lực chất lượng cao, đất đai, nguồn cung cấp điện, nguồn nước cho sản xuất, cơ chế chính sách hấp dẫn, địa kinh tế, cung cấp nguyên vật liệu…). Những trăn trở của tỉnh trong phát triển kinh tế đêm ở đô thị (Giải pháp phát triển kinh tế đêm ở đô thị thành phố Thanh Hóa và Sầm Sơn). Đồng chí khẳng định: Lãnh đạo tỉnh mong đội ngũ trí thức trong tỉnh góp phần hiến kế các vấn đề này, giải pháp hay, kế sách hay, khả thi, thiết thực, hiệu quả, chắc chắn tỉnh sẽ đặt hàng.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên nhấn mạnh, định hướng phát triển của tỉnh tại thời điểm này đã rõ, vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện. Trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp khả thi, phù hợp thực tiễn; trên cơ sở lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, sự sáng tạo, nhiệt huyết của đội ngũ trí thức thực sự trở thành động lực cho sự tăng trưởng. Đồng thời, đồng chí cũng yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi trên cơ sở quy định pháp luật để các tổ chức khoa học và công nghệ, đội ngũ trí thức trong tỉnh có điều kiện cống hiến hết mình cho sự phát triển của Tỉnh./.

HÀ TRANG
Phòng Khoa giáo, Văn hóa - Văn nghệ
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất