Chủ Nhật, 13/10/2024
Đời sống
Thứ Năm, 29/10/2009 17:5'(GMT+7)

Thành lập dân quân bảo vệ chủ quyền biển"

Ông Lê Quang Bình.

Ông Lê Quang Bình.

- Tại các phiên thảo luận kinh tế - xã hội, ngân sách vừa qua, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm tình hình biển Đông và đề nghị tăng ngân sách cho an ninh, quốc phòng. Là cơ quan chuyên trách của Quốc hội, ý kiến của ông thế nào?

- Theo kinh nghiệm các nước trên thế giới, nếu mất ổn định hoặc không bảo vệ được chủ quyền, thì việc chi ngân sách để thiết lập lại ổn định còn tốn kém hơn nhiều. Trong báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp này cũng đã dành một mục cho quốc phòng - an ninh. Tình hình biển Đông đang có diễn biến phức tạp, cần phải tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Việt Nam ở biển Đông, nhất là lợi ích của người dân đang hằng ngày hoạt động đánh bắt cá.

Thời gian qua, chúng ta đang tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế, nên chưa đầu tư nhiều cho quốc phòng - an ninh. Đối với các lực lượng vũ trang, bảo vệ chủ quyền trên biển thì tinh thần xả thân chiến đấu có thừa, nhưng trang thiết bị thì chưa đồng bộ, có nơi thiếu thốn.

Do đó, đề nghị tăng ngân sách mua sắm khí tài cho quân đội, công an là cần thiết. Ý kiến của Ủy ban Quốc phòng An ninh nhất trí với dự kiến chi ngân sách 2010, trong đó có những khoản chi đầu tư cho Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

- Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ ngư dân Việt Nam bị tàu lạ tấn công hoặc hành hạ. Nhiều ý kiến cho rằng, giữa biển khơi rộng lớn, ngoài hải quân, cần phải thêm lực lượng khác thường trực bảo vệ ngư dân?


- Lực lượng vũ trang của chúng ta gồm quân đội, công an và dân quân tự vệ. Quân đội làm nòng cốt cho toàn dân để bảo vệ tổ quốc, công an làm nòng cốt để bảo vệ an ninh quốc gia, dân quân tự vệ làm nòng cốt để bảo vệ địa phương cơ sở. Ba lực lượng này phối hợp nhau.

Ngoài lực lượng trên đất liền, trong Luật dân quân tự vệ trình Quốc hội tại kỳ họp này có quy định dân quân, tự vệ biển. Dân quân được tổ chức ở xã đảo, xã ven biển. Tự vệ biển được tổ chức ở doanh nghiệp đánh bắt cá, đơn vị vận tải trên biển.

Như vậy, bảo vệ chủ quyền trên biển sẽ gồm hải quân, cảnh sát biển, dân quân tự vệ. Ngoài ra, khu vực ven biển từ đường cơ sở trở vào còn có biên phòng và kiểm ngư... Quy chế phối hợp các lực lượng sẽ giao cho Bộ Quốc phòng xây dựng.

- Ngoài yếu tố địa bàn hoạt động, dân quân tự vệ biển còn điểm nào khác so với lực lượng trên đất liền?


- Dân quân tự vệ biển tổ chức và trang bị tương tự như đất liền, nhưng có đặc thù khác là phải gắn hoạt động kinh tế với việc bảo vệ biển. Dân quân tự vệ biển sẽ được trang bị súng, công cụ hỗ trợ để có thể tự vệ được khi bị tấn công. Đây là lực lượng nòng cốt giúp người dân khi ra biển, xác định đâu là vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Về mặt tổ chức, lực lượng dân quân tự vệ biển sẽ do huyện, tỉnh quy định. Nếu là cấp đại đội thì phải có chỉ huy trưởng, chính trị viên, có các tổ, các đội. Ví dụ, mỗi đội tàu có một tổ vừa lo đánh cá, vừa lo bảo vệ trong khu vực tọa độ nhất định. Khi bị tấn công, tổ đó vừa liên hệ với bờ, vừa phối hợp với tổ khác để bảo vệ tài sản.

Hiện nay dự thảo luật chỉ quy định chung chính sách đặc thù cho dân quân tự vệ biển, mức cụ thể giao cho Chính phủ quy định. Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Lao động thương binh và Xã hội ban hành chính sách đặc thù. Về cơ bản, chế độ sẽ cao hơn dân quân tự vệ trên đất liền.



Dân quân tự vệ biển sẽ cùng hải quân, cảnh sát biển bảo vệ chủ quyền và ngư dân

- Ngoài vấn đề tăng cường ngân sách, lực lượng bảo vệ, theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để bảo vệ chủ quyền biển và ngư dân?


- Thời gian qua, một số trường hợp tàu nước ngoài dùng vũ lực, bắt giữ tàu của ngư dân Việt Nam và đòi phạt tiền. Cá biệt có trường hợp dùng tàu lớn, chạy xung quanh, tạo sóng lớn làm cho tàu ngư dân chìm. Việt Nam đều có có công hàm phản đối những hành động trên. Theo tôi, khi xảy ra tranh chấp với các nước trong khu vực, phải giải quyết qua ngoại giao, thương lượng hòa bình, tránh sử dụng sức mạnh quân sự để đe dọa nhau.

Về mặt pháp lý, cần phải sớm có Luật biển Việt Nam, xây dựng trên cơ sở Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc, để tuyên bố với thế giới về các vùng biển của nước ta. Khi đã có luật, cần tiến tới ký hiệp định với các quốc gia chung vùng biển với Việt Nam, nhất là Trung Quốc, Philippines..., xây dựng bộ nguyên tắc ứng xử trên biển Đông./.

Theo Vitinfo
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất