Thứ Năm, 3/10/2024
Xã hội
Thứ Tư, 12/11/2014 21:34'(GMT+7)

Thành lập Hội khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam

Ra mắt Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam

Ra mắt Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam

Sáng 12/11, Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (VNASMA) được thành lập với nòng cốt là các cựu tướng lĩnh quân đội từng lăn lộn qua nhiều chiến trường. Tới dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Suốt chiều dài lịch sử của mình, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc kháng chiến vệ quốc. Trong những cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm trong thế kỷ XX, Việt Nam phải gánh chịu một lượng bom mìn khổng lổ và được biết đến là đất nước bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ nặng nề nhất thế giới.

Hàng năm, nhà nước dành nguồn ngân sách hàng nghìn tỷ đồng cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh của Chính phủ được xây dựng với mục tiêu huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, phục vụ đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an toàn cho nhân dân, giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội.

Cùng sự nỗ lực của quân đội nhân dân Việt Nam, của Nhà nước, công tác khắc phục hậu quả bom mìn đạt được những kết quả đáng khích lệ, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điển hình mẫu mực về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Song để khắc phục và tiến tới loại bỏ hoàn toàn bom mìn, vật liệu nổ khỏi đời sống người dân, cần sự chung tay giúp sức của cả cộng đồng. Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam ra đời không nằm ngoài mục đích đó.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn được thành lập gồm đa số những người đã từng trải qua những tháng năm chiến tranh khốc liệt, sẽ là nòng cốt để tập hợp lực lượng ngày càng sâu rộng, thực hiện công tác tuyên truyền phòng tránh, vận động tài trợ, tham gia làm đối ngoại nhân nhân trong lĩnh vực này. Hội chắc chắn cũng sẽ là nhịp cầu nối những tấm lòng nhân ái của nhân dân cả nước cũng như cộng đồng quốc tế với những nạn nhân của bom mìm, vật liệu nổ sau chiến tranh, giúp họ vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng. Tôi đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, trước hết là Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Nhà nước về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh để hội hoàn thành tôn chỉ mục đích và phát triển”.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch hội cho biết các nhiệm vụ chính của hội là tuyên truyền trong nhân dân về chủ trương, chính sách của Nhà nước về nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn; các biện pháp phòng tránh tối đa hậu quả bom mìn, trọng tâm là các địa phương bị ô nhiễm bởi bom mìn; tuyên truyền, thuyết phục các quốc gia, tổ chức quốc tế về nghĩa vụ, trách nhiệm hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả; đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ nguồn lực. Mục tiêu là thành lập các chi hội trên toàn quốc để tiến hành chương trình khắc phục hậu quả bom mìn có hiệu quả sâu rộng, triệt để hơn.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng cho rằng, chiến tranh trôi qua gần 40 năm nhưng hàng ngày vẫn có người bị thương, tử vong vì bom mìn sót lại sau chiến tranh là điều không chấp nhận được. Với khả năng xử lý như hiện nay, phải mất 300 năm, Việt Nam mới khắc phục xong hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Bởi vậy, cố gắng của Đảng, Nhà nước cùng sự giúp đỡ của các tổ chức, quốc gia trên thế giới cũng chưa đủ, mà đây phải là sự nghiệp của toàn dân. 

Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam là tổ chức xã hội, tổ chức, hoạt động theo Điều lệ được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội. Đại hội đã thảo luận, thông qua Điều lệ, chương trình hành động hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn giai đoạn 2015-2020 và bầu ra Ban chấp hành gồm 35 người. Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam được bầu làm Chủ tịch Hội. Đại hội cũng đã bầu 5 Phó Chủ tịch Hội và 13 đồng chí Ủy viên Thường vụ.

Ngay sau bế mạc Đại hội, các đại biểu, thành viên Hội đã có hành động thiết thực, quyên góp ủng hộ nạn nhân bom mìn. Theo Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, số tiền thu được sẽ được chuyển cho 2 trẻ em bị thương trong tai nạn bom mìn mới đây./.

Theo số liệu thống kê, số lượng đạn dược do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là 15,35 triệu tấn. Hiện nay, hơn 20% diện tích đất đai, trải dài ở 63 tỉnh, thành phố, ước tính còn 800.000 tấn bom mìn, vật liệu nổ trong lòng đất, sông hồ và ven biển. Ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng, sức khỏe đời sống cộng đồng và sự phát triển của kinh tế xã hội. Vẫn còn trên 102.000 người là nạn nhân của bom mìn, trong đó có 40.000 người chết và 62.000 người bị thương. Con số này vẫn đứng trước nguy cơ ngày càng gia tăng, mặc dù những năm gần đây, tai nạn do bom mìn giảm đánh kể nhờ diện tích ô nhiễm bom mìn được làm sạch, công tác giáo dục truyền thông, giúp đỡ người dân nâng cao ý thức phòng tránh.


Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất