Trong Ngày hội Tình nguyện Quốc gia 2013 diễn ra tại Hà Nội, hàng trăm bạn trẻ đã ký cam kết bảo vệ động vật hoang dã và đăng ký trở thành thành viên của lực lượng xung kích tuyên truyền bảo vệ các loài động vật hoang dã tại Việt Nam.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục Bảo tồn đa dạng sinh học và Trung ương Đoàn TNCSHCM trong dự án “Tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học thông qua cải cách chính sách và thay đổi thực trạng tiêu thụ các loài động vật hoang dã ở Việt Nam” (dự án WLC) do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới (WB).
Hơn 200 sinh viên, học sinh đến từ các trường đại học và trung học đã đăng ký trở thành những tình nguyện viên đầu tiên của dự án. Họ đã cùng ký tên vào những tấm phiếu cam kết in hình những loài vật nguy cấp cần bảo vệ của Việt Nam và đóng góp những thông điệp bảo vệ tài nguyên động vật hoang dã. Tất cả các phiếu cam kết được dính trên một tấm pa-nô lớn in hình cánh rừng với ý nghĩa đưa các con vật về với nhà của chúng.
Theo bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học cho biết: “Nâng cao nhận thức nhằm giảm tiêu thụ trái phép đối với các loài động vật hoang dã là một trong các hợp phần chính của dự án. Thanh niên chiếm gần một nửa dân số nước ta và bằng các hoạt động tình nguyện, các bạn trẻ đã có những đóng góp quý báu cho sự phát triển của xã hội. Chúng tôi rất vui khi được làm việc cùng những bạn trẻ để đấu tranh với những hành vi tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, đẩy mạnh Truyền thông nhằm bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học”.
Ngoài ra, sự kiện còn bao gồm các hoạt động như chiếu các đoạn phim ngắn, trưng bày các áp phích, tờ rơi và các tài liệu truyền thông khác…mang thông điệp bảo vệ và nâng cao nhận thức về buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã và sự cần thiết phải bảo vệ và bảo tồn các loài động vật hoang dã tại Việt Nam. Khu trưng bày thu hút sự quan tâm chú ý không chỉ của các bạn thanh niên tình nguyện, đại diện của các cơ quan tham dự sự kiện mà cả những người dân tới công viên.
Việt Nam được thế giới công nhận về giá trị đa dạng sinh học phong phú và là nơi sinh sống của rất nhiều loài động vật nguy cấp và quý hiếm, bao gồm các loài đặc hữu chỉ phân bố trong nước.
Tuy nhiên, buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật hoang dã (ĐVHD) đã trở nên nghiêm trọng. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhằm quản lý hoạt động buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã, nhưng sự phát triển kinh tế nhanh trong trong hai thập kỷ qua cũng góp phần làm gia tăng một cách không bền vững các nhu cầu tiêu thụ đối với ĐVHD. Chính buôn bán và tiêu thụ trái phép ĐVHD đã dẫn đến sự suy giảm đáng báo động của nhiều quần thể loài trong tự nhiên như thú, chim, bò sát. Cầu đối với ĐVHD hiện đang là một trong những mối đe dọa lớn nhất đến sự sinh tồn của nhiều loài nguy cấp tại Việt Nam. Năm 2010, nước ta đã tuyên bố loài tê giác Java bị tuyệt chủng và các loài vật khác như hổ, voi, saola và nhiều loài linh trưởng quý hiếm khác cũng đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Tiêu thụ ĐVHD trái phép và không bền vững không chỉ phá hủy các quần thể loài, các hệ sinh thái mà còn gây ra những tác động tiêu cực lên toàn xã hội, nền kinh tế, sức khỏe con người và cả an ninh quốc gia. Dự án WLC là một trong nhiều sáng kiến của Chính phủ Việt nam nhằm giải quyết vấn nạn này.
|
|
Ông Vũ Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Thông tin Nguồn lực Tình nguyện Việt Nam thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM cho biết: “Chúng tôi rất tự hào được góp sức cùng các cơ quan chức năng trong nỗ lực giảm tiêu thụ trái phép các loài động vật hoang dã ở Việt Nam. Các bạn trẻ khi hiểu được vấn đề, họ sẽ tạo ra sự thay đổi bằng chính những hành động thiết thực nhất. Với mạng lưới thanh niên tình nguyện rộng khắp trên cả nước, lực lượng Đoàn thanh niên sẽ không chỉ nâng cao nhận thức về bảo tồn động vật hoang dã cho chính các bạn trẻ mà cho cả cộng đồng xã hội”.
Một số thông điệp ấn tượng mà các bạn trẻ đưa ra đó là:
“Voi và các loài hoang dã khác có quyền được sống và được bảo vệ. Con người không có quyền cướp đi những quyền đó vì những mục đích phi nhân đạo”
“Chúng ta cần bảo vệ động vật hoang dã cho các thế hệ tương lai”
“Con người và động vật hoang dã cần sống hòa thuận để đảm bảo sự cân bằng sinh thái”.
TH