Thứ Tư, 16/10/2024
Ủy ban an toàn giao thông
Thứ Ba, 1/12/2020 17:54'(GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh cân nhắc lựa chọn dự án hợp lý nhằm sử dụng tối ưu nguồn lực đầu tư

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho biết, TP.HCM rất sốt ruột giải quyết các “điểm nóng”. Đơn cử, nhóm dự án giải quyết tình trạng ùn tắc tại cảng Cát Lái. Giải pháp căn cơ nhất là đẩy nhanh tiến độ đầu tư khép kín tuyến vành đai 2 với 2 đoạn còn lại nhằm khép kín toàn tuyến. Đó là đoạn từ cầu Phú Hữu - ngã tư Bình Thái (xa lộ Hà Nội) - đường Phạm Văn Đồng - cầu Gò Dưa và đoạn phía Tây từ khu vực Tân Tạo - đường Nguyễn Văn Linh.

Với điểm nóng khác như khu vực Tân Sơn Nhất, TP.HCM cũng cần đầu tư một nhóm 7 dự án. Đó là tuyến đường mới chạy song song với đường Cộng Hòa nối từ đường Trần Quốc Hoàn chạy sát hành lang phía Tây Nam sân bay Tân Sơn Nhất, đường Phan Thúc Duyện và đến mũi tàu đường Cộng Hòa…

Để cải thiện căn bản cục diện giao thông, TP.HCM cũng dự kiến đầu tư nhóm dự án mở rộng các cửa ngõ, tăng kết nối liên vùng như Quốc lộ 13 (đoạn từ cầu Bình Triệu tới cầu Vĩnh Bình), Quốc lộ 50 (đi tỉnh Long An), Quốc lộ 1A (đi tỉnh Tiền Giang), Quốc lộ 22 (đi tỉnh Tây Ninh)…

Theo ước tính, nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông TP.HCM giai đoạn tới lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, khả năng bố trí của vốn ngân sách rất hạn chế. Mấy năm gần đây, ngân sách phân bổ cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông chỉ 4.000 - tới 7.000 tỷ đồng/năm. Đây là số vốn rất khiêm tốn so với nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.

Lướt qua vài con số khái toán để thấy, trong những năm tới, TP.HCM cần nguồn lực không hề nhỏ. Chẳng hạn, nhóm dự án khép kín vành đai 2 khoảng 20.000 tỷ đồng, Dự án cửa ngõ Quốc lộ 13 (đoạn nút giao Bình Triệu - cầu Vĩnh Bình) khoảng 10.000 tỷ đồng, nhóm dự án khu vực sân bay Tân Sơn Nhất hơn 10.000 tỷ đồng, tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài khoảng 13.615 tỷ đồng...

Do khó khăn về nguồn lực tài chính, nên kế hoạch đầu tư công trung hạn của TP.HCM cần ưu tiên lựa chọn hợp lý các dự án hạ tầng giao thông để thực hiện.

Trước mắt, TP.HCM rốt ráo lập thủ tục đầu tư 2 đoạn vành đai 2 dài khoảng 6 km với tổng mức đầu tư khoảng 14.600 tỷ đồng. Dự án này dự kiến trình HĐND Thành phố thông qua chủ trương đầu tư công vào tháng 12/2020.

Trong một diễn biến liên quan, TP.HCM vừa có công văn đề nghị các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông - Vận tải ưu tiên nguồn vốn trung ương đầu tư dự án khép kín đường vành đai 3 giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch.

Trước đó, tháng 10/2020, Sở Giao thông - Vận tải đã đề xuất UBND TP.HCM ưu tiên triển khai sớm 7 dự án giao thông nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe trên các tuyến cửa ngõ, các tuyến đường kết nối với đường cao tốc, như đường vành đai 2 đoạn 1 và đoạn 2; xây dựng nút giao An Phú (vốn đầu tư 1.001 tỷ đồng); xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (vốn đầu tư 13.614 tỉ đồng); mở rộng Quốc lộ 50 (vốn đầu tư 1.499 tỷ đồng); cải tạo nâng cấp Quốc lộ 22 đoạn từ nút giao thông An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa (vốn đầu tư 935 tỷ đồng)…

Có thể thấy, danh sách dự án hạ tầng giao thông cần ưu tiên đầu tư không ít. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực đầu tư có hạn, thì việc thẩm định hồ sơ dự án, đặc biệt thẩm định nguồn vốn, là bài toán khó đang đặt ra với UBND TP.HCM trước khi trình HĐND thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp cuối năm nay./.

Nguồn: Báo Đầu tư

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất