Thứ Ba, 26/11/2024
Ủy ban an toàn giao thông
Thứ Tư, 11/11/2020 13:50'(GMT+7)

Lần đầu tiên Luật Bảo đảm an toàn giao thông được trình quốc hội

Cảnh sát giao thông dừng phương tiện để kiểm tra nồng độ cồn đối với các lái xe. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Cảnh sát giao thông dừng phương tiện để kiểm tra nồng độ cồn đối với các lái xe. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Sáng 11/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trước khi thảo luận tại hội trường, dự kiến vào ngày 16/11.

Là lần đầu tiên được trình Quốc hội cho ý kiến, Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được xây dựng trên cơ sở đổi mới, hoàn thiện các chính sách, nội dung quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ tách ra từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và công tác tổ chức thực thi pháp luật, tạo bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước

Tờ trình của Chính phủ cho thấy, việc Chính phủ quyết định trình Quốc hội dự án Luật này cùng với dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã được thảo luận, cân nhắc, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan. Quá trình xây dựng dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã nhận được sự đồng thuận cao của các bộ, ngành, các thành viên Chính phủ.

Với việc xây dựng độc lập Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết qua tổng kết 10 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho thấy, Luật có phạm vi điều chỉnh gồm cả hai lĩnh vực là bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải đường bộ.

Tuy nhiên, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; còn xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ lại thuộc lĩnh vực kinh tế-kỹ thuật. Hai lĩnh vực này có mục tiêu và đối tượng điều chỉnh khác nhau. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với mục tiêu là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo đảm an ninh con người; còn xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an toàn kỹ thuật công trình giao thông.

Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang diễn biến rất phức tạp, vi phạm chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông ở mức đáng báo động. Theo thống kê từ năm 2009 đến nay, cả nước xảy ra trên 334.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết trên 101.000 người (trung bình hàng năm gần 10.000 người chết, chủ yếu trong độ tuổi lao động), làm bị thương trên 336 nghìn người, trong đó nhiều người bị thương tật suốt đời.

Đáng chú ý, nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là chủ yếu, chiếm trên 90% số vụ, trong đó nhiều lái xe có kỹ năng điều khiển, kiến thức về pháp luật an toàn giao thông và ý thức tự giác chấp hành luật còn rất kém.

[Cần thiết xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ]

Bên cạnh đó, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng Công an đã phát hiện và xử lý rất nhiều trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn, sử dụng giấy phép lái xe giả... Đây là nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc trong thời gian qua, gây bức xúc dư luận xã hội và rất đáng báo động.

Tình trạng coi thường pháp luật, chống người thi hành công vụ, gây tai nạn giao thông bỏ chạy, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, ma túy... diễn biến rất phức tạp. Đường bộ là nơi diễn ra nhiều vấn đề phức tạp về hoạt động của tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, như trộm, cướp, gây rối trật tự công cộng, vận chuyển hàng cấm…

Xây dựng trật tự, an toàn giao thông tiến bộ, văn minh

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành luật riêng về trật tự, an toàn giao thông, tách bạch với luật về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Do vậy, việc xây dựng mới Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là cần thiết, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp; góp phần xây dựng trật tự, an toàn giao thông tiến bộ, văn minh, tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới.

Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các địa phương, tuy nhiên việc xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ chưa rõ ràng, rành mạch dẫn đến chồng chéo khi tổ chức thực hiện. Do đó, trong Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đã xác định nguyên tắc bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ là một nội dung của bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó Bộ Công an chịu trách nhiệm chính.

Luật phát huy sức mạnh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Luật quy định nguyên tắc Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Xuất phát từ nguyên tắc cơ bản là bảo vệ quyền con người, dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đã có nhiều quy định để đảm bảo cho trẻ em và nhóm người yếu thế được ưu tiên, quan tâm, bảo vệ khi tham gia giao thông.

Luật dành riêng một điều (Điều 13) để quy định về người đi bộ, người khuyết tật, người già yếu, trẻ em tham gia giao thông những quy định rất nhân văn trẻ em, người khiếm thị, người mắc bệnh tâm thần, hạn chế về mặt trí tuệ phải có người dắt khi qua đường hoặc khi tham gia giao thông.

Mọi người đều phải có trách nhiệm giúp đỡ người khuyết tật, người già yếu, trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường. Quy định này xuất phát từ đạo nghĩa, từ ý thức nhân văn của người Việt Nam và phù hợp với công ước quốc tế về giao thông đường bộ (Công ước Vienna năm 1968).

"Luật bắt buộc người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường an toàn, không chỉ tại nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu khác dành cho người đi bộ, mà tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, nếu quan sát thấy người đi bộ hoặc nhóm người yếu thế đi qua đường thì cũng phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho họ," Đại tá Đỗ Thanh Bình thông tin.

Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng quy định nhiều điểm mới, tiến bộ nhằm xây dựng quy tắc giao thông đường bộ văn minh; ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quản lý, điều hành và bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ; quản lý có hệ thống đối với người điều khiển phương tiện; bỏ tư duy "xe to đền xe nhỏ"…/.

Chu Thanh Vân 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất