Thứ Ba, 17/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 28/3/2023 10:44'(GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh: Gỡ khó để triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Ngày 27/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, cùng lãnh đạo ủy ban nhân dân thành phố, các sở, ngành tham dự.

Rà soát, đánh giá quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục


Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá cao Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động, sáng tạo trong việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới và đạt được những kết quả nổi bật.

Thành phố đã quan tâm bố trí đầu tư nguồn lực về tài chính, ngân sách và điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Ngành giáo dục thành phố đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, gắn với đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn thời gian tới thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp để thực hiện tốt việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Thành phố cần rà soát, đánh giá quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn để xem xét, điều chỉnh đáp ứng nhu cầu người học. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh thông tin, truyền thông để người dân hiểu hơn, từ đó đồng thuận, chia sẻ với những khó khăn của ngành giáo dục.

Về một số định hướng trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu kỹ và đánh giá những vấn đề trọng tâm trong thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội, nhất là những vấn đề dư luận xã hội như về nội dung, chương trình dạy và học; về bộ sách, giá cả sách giáo khoa.

Việc đánh giá phải cụ thể theo từng cấp học, loại hình nhà trường, từ đó có bức tranh tương đối toàn diện về thực trạng giáo viên, học sinh, thiết chế giáo dục, sách giáo khoa, nguồn lực thực hiện… của thành phố.

Nhiều thách thức đối với thành phố

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết thành phố luôn có ý thức trách nhiệm cao trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo.

Bình quân mỗi năm, thành phố tăng khoảng 200.000 dân, trong đó tăng trên 40.000 học sinh. Cùng với đó, Thành phố còn chăm lo cho người dân ở các địa phương khác đến Thành phố học tập, sinh sống.

Thực tế đó đặt ra nhiều thách thức đối với thành phố trong thực hiện công tác giáo dục và đào tạo, trong đó nhu cầu về đội ngũ giáo viên cũng như cơ sở vật chất ngày càng tăng. Vì thế, thành phố cần tính toán kế hoạch dài hạn để có đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu thực tế, với chế độ chính sách thu hút phù hợp; cùng với đó nỗ lực trong việc giảm sĩ số học sinh/lớp.

Từ các khó khăn thực tế, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên kiến nghị Quốc hội xem xét giao thành phố chủ động xây dựng, quyết một số chính sách để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển nói chung và cho giáo dục nói riêng.

Đánh giá cao Thành phố Hồ Chí Minh trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho rằng thành phố luôn thể hiện tính chủ động, trách nhiệm, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ và giáo dục thành phố luôn khẳng định được vị thế của mình.

Một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng thực hiện chương trình mới là đảm bảo sỹ số học sinh/lớp theo quy định. Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng thành phố cần nỗ lực giảm sỹ số học sinh/lớp, giảm số lớp ở mỗi trường để tạo thuận lợi trong công tác dạy và học; cùng với đó quan tâm đến xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Cần có Quy định cụ thể định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết qua 3 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho thấy chương trình phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường, phù hợp với các khả năng tiếp thu của các đối tượng học sinh tại thành phố.

Thực hiện mục tiêu chương trình mới, ngành giáo dục thành phố tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất người học.

Thành phố luôn dành sự ưu tiên đầu tư cho giáo dục, có nhiều nỗ lực hoàn chỉnh mạng lưới trường lớp, tăng cường trang thiết bị hỗ trợ dạy-học tiên tiến, hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu chương trình mới.

Hiện thành phố đạt 294 phòng học/10.000 dân, mục tiêu đến năm 2025 đạt 300 phòng học/10.000 dân, qua đó từng bước giảm sĩ số và tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày.

Đến nay, tỷ lệ học 2 buổi/ngày đối với tiểu học là 74,1%, đối với trung học cơ sở là 63,2%, đối với trung học phổ thông là 95,3%.

Để bảo đảm về đội ngũ, ngành giáo dục và các địa phương liên tục tuyển dụng giáo viên đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tế. Thành phố chủ động liên kết với các trường sư phạm trên địa bàn tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu chương trình mới.

Tuy nhiên, thành phố luôn đứng trước áp lực lớn khi dân số tăng cơ học hằng năm rất cao, việc đảm bảo sĩ số học sinh/lớp và tỷ lệ học 2 buổi/ngày còn nhiều khó khăn. Đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng về số lượng và cơ cấu bộ môn theo yêu cầu của chương trình mới, trong đó đa số các trường Tiểu học đều gặp khó khăn khi thiếu nguồn giáo viên môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật; một số giáo viên còn lúng túng khi triển khai dạy chương trình mới.

Mặt khác, thiết bị học tin học hầu hết cũ, chậm thay thế do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chậm do đấu thầu mua sắm tập trung theo quy định.

“Đặc thù là một đô thị lớn, thành phố rơi vào tình trạng số dân sinh sống thực tế trên địa bàn luôn cao hơn nhiều so với số dân theo hộ khẩu thường trú. Trong khi đó, các chính sách, chỉ tiêu đều được xây dựng dựa trên số dân theo hộ khẩu thường trú. Thống kê cho thấy, khoảng 20% là học sinh đang học ở Thành phố là đến từ các địa phương khác.

Vì thế, thành phố kiến nghị Trung ương xem xét khi bố trí nguồn lực, tính toán các chỉ tiêu cần dựa trên số dân thực tế của Thành phố chứ không chỉ dựa trên dân số trên hộ khẩu,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đề xuất.

Để giải quyết các khó khăn từ thực tế, cùng với các nhóm giải pháp của địa phương, Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều kiến nghị với Trung ương. Quốc hội, Chính phủ xem xét sớm xây dựng cơ chế chính sách cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày; cho phép nhà trường được hợp đồng với các vị trí việc làm không tuyển dụng được (còn trong chỉ tiêu định biên) và ngân sách cấp bù để chi trả lương cho đối tượng này khi thực hiện quy định không thu tiền học phí buổi thứ 2 đối với học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cùng với đó, Chính phủ có thêm các chính sách ưu đãi cụ thể, đất đai, thủ tục hành chính để huy động thêm nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước phát triển mạng lưới trường học được trang bị cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thành phố kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có Quy định cụ thể định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; cho phép các địa phương linh hoạt trong việc mua sắm thiết bị dạy học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; ban hành hướng dẫn thống nhất về việc quy định học sinh thay đổi môn học lựa chọn, chuyên đề học tập tự chọn sau mỗi năm học; ban hành hướng dẫn in ấn và phát hành tài liệu giáo dục địa phương cho các tỉnh, thành phố; nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền có chính sách nâng thu nhập cho đội ngũ nhà giáo và nhân viên ngành giáo dục.

Đồng thời, các bộ, ngành liên quan xem xét, điều chỉnh đơn giản hóa quy trình, thủ tục đấu thầu, mua sắm tài sản công, giao quyền chủ động để các trường kịp thời trang bị thiết bị dạy học; có quy định đặc thù, linh hoạt trong quy chuẩn xây dựng trường học đối với các địa phương khu vực trung tâm gặp khó khăn về quỹ đất (số tầng, mật độ xây dựng); có cơ chế linh hoạt trong tuyển dụng giáo viên; nhà trường tổ chức tuyển dụng và thời gian tuyển dụng linh hoạt ngay khi có nhu cầu./.

Thu Hoài

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất