Ngày 27/3, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2023.
Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng
Hà, Trần Lưu Quang; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quang ngang bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cho ý kiến đối với 5 nội dung
gồm: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính
sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao
thông; Một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất
cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Dự án Luật Căn
cước công dân (sửa đổi); Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); đề
nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Đối với dự thảo “Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế,
chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình
giao thông,” các thành viên Chính phủ thảo luận, đóng góp ý kiến về việc
tăng tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước tham gia các dự án đầu tư theo hình
thức đối tác công tư (PPP) hoặc tách phần giải phóng mặt bằng ra khỏi dự
án hợp tác công tư; huy động ngân sách địa phương tham gia các dự án
quốc gia có sự hỗ trợ ngân sách của Trung ương; việc giao cho các địa
phương làm chủ quản đầu tư các dự án liên kết vùng.
Về “Một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất
cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam”, các thành
viên Chính phủ thảo luận các nội dung về mở rộng, cấp thị thực điện tử
cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới; nâng
thời hạn thị thực điện tử (E-visa) từ không quá 30 ngày lên không quá 3
tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; nâng thời hạn cấp chứng nhận
tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị
thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Chính phủ cho rằng việc điều chỉnh trên nhằm nhằm tạo điều kiện thuận
lợi cho người nước ngoài (khách du lịch, nhà đầu tư, doanh nhân…) trong
nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú, làm ăn tại Việt Nam.
Đối với Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chính phủ xem xét về điều kiện, yêu cầu xây dựng Luật; thủ
tục, trình tự xây dựng Luật; tính thống nhất của hệ thống pháp luật và
tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan.
Đặc biệt, các thành viên Chính phủ thảo luận sâu đối với các nội dung
mới như việc cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi, cho người gốc Việt Nam ở
nước ngoài, tích hợp thông tin trên cơ sở dữ liệu…
Thủ tướng Chính phủ cho rằng đây là một dự án luật quan trọng, tác
động lớn tới quyền, lợi ích của người dân; nội dung có nhiều vấn đề mới
nên còn có nhiều ý kiến khác nhau cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng.
Thủ tướng yêu cầu việc hoàn thiện dự án Luật cần tuân thủ, phù hợp
với các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ thông qua Đề nghị
xây dựng Luật, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
không cầu toàn, không nóng vội; tổ chức tham vấn đối tượng tác động,
chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn; tăng cường truyền
thông chính sách để tạo sự đồng thuận; tích cực phối hợp với các bộ,
ngành, cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội để trình Quốc
hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5.
Đối với Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), cùng với rà soát
trình tự, thủ tục trình, nguyên tắc, yêu cầu xây dựng Luật, tính đồng
bộ, thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành và các dự án luật
đang được Chính phủ trình Quốc hội…, các thành viên Chính phủ có nhiều ý
kiến xung quanh các vấn đề như thứ tự ưu tiên thanh toán, thẩm quyền
trong việc cho vay đặc biệt, về kiểm toán độc lập, thu giữ tài sản bảo
đảm, vấn đề “sở hữu chéo”, về thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng.
Cùng với có ý kiến đối với từng nội dung, Thủ tướng cho rằng đây là
dự án Luật có nhiều nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, tác động lớn đến
toàn xã hội và nền kinh tế, rất cần thiết sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện
để đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới, nhất là nhằm bảo đảm an toàn
của hệ thống ngân hàng, minh bạch thị trường, huy động các nguồn lực
phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng yêu cầu Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) phải đảm bảo cụ
thể hóa được các Nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước; không thiên
lệch đối với bất cứ đối tượng nào; tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc;
chống tiêu cực tham nhũng, chống sở hữu chéo; tăng cường thẩm quyền quản
lý của Thống đốc Ngân hàng đối với các ngân hàng thương mại, cũng như
trong xử lý nợ xấu...; đồng thời yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì,
phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan
nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật; báo
cáo Thủ tướng trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến dự án Luật
tại Kỳ họp thứ 5.
Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất
cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh,
cư trú cho người nước ngoài tại Việt Nam, các thành viên Chính phủ thảo
luận về việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất
nhập cảnh trên môi trường điện tử; tạo điều kiện cho công dân Việt Nam
trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông
theo thủ tục rút gọn; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đồng bộ và
thống nhất của hệ thống pháp luật; tạo điều kiện hơn nữa cho người nước
ngoài xuất nhập cảnh Việt Nam; nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú
người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an
toàn xã hội, phát triển kinh tế-xã hội.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung Luật là rất cần thiết, nhằm
đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong việc đơn giản hóa thủ tục hành
chính, tạo thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh cho công dân Việt Nam và
người nước ngoài; giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan
nghiên cứu tiếp thu ý kiến, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội bổ sung đề
nghị xây dựng luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm
2023.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng cho biết thời gian qua, Chính phủ đã
tập trung cao độ, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp
luật của Nhà nước, trong đó có thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là
đột phá về thể chế. Trong 3 tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã tổ chức 3
phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến đối với 16 dự án,
dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các Bộ,
ngành đã tích cực chuẩn bị, trình các dự án, đề nghị xây dựng luật;
nghiêm túc tiếp thu, giải trình cặn kẽ, có cơ sở; bảo đảm tiến độ, chất
lượng; tích cực thẩm định, thẩm tra kịp tiến độ trình Chính phủ; đánh
giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát với tinh thần xây dựng
cao của các thành viên Chính phủ và các đồng chí đại biểu.
Người đứng đầu Chính phủ giao các Bộ, cơ quan chủ trì tiếp thu nghiêm
túc, đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ; tiếp tục tiếp thu lấy ý
kiến của các chuyên gia, đối tượng chịu tác động, các cơ quan của Quốc
hội; hoàn thiện các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, dự thảo chính
sách theo quy định; hoàn thiện, trình văn bản cấp có thẩm quyền theo quy
trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
“Cái gì đã chín, đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm, có tính ổn định
thì luật hóa; cái gì chưa chắc chắn, chưa được kiểm nghiệm qua thực tế
thì nghiên cứu thử nghiệm, rút kinh nghiệm và mở rộng dần; không cầu
toàn, không nóng vội. Việc xây dựng pháp luật phải tạo hành lang pháp
lý, tháo gỡ được các điểm nghẽn phục vụ cho phát triển; đẩy mạnh phân
cấp, phân quyền, đi đôi với kiểm tra, giám sát”, Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng cũng giao các cơ quan Thông tấn, báo chí tăng cường truyền
thông chính sách, vừa để phản ánh, tranh thủ ý kiến của toàn dân, vừa
giải thích rõ các chính sách, nhất là quyền, lợi ích của người dân, tạo
đồng thuận trong xây dựng và thực thi chính sách pháp luật./.
TTXVN