Theo quy hoạch phát triển giao thông công cộng Thành phố Hồ Chí Minh đến
năm 2020, xe buýt sẽ đóng vai trò kết nối các hình thức giao thông
khác, giảm phương tiện cá nhân. Do đó, việc trợ giá xe buýt để phát
triển loại hình này bền vững là cần thiết và cần được duy trì.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng Ban kinh tế Ngân sách Hội đồng Nhân dân
Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh như vậy tại chương trình lắng nghe và
trao đổi với chủ đề "Trợ giá xe buýt: Hiệu quả và giải pháp" do Thường
trực Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Đài Truyền hình Thành
phố phối hợp tổ chức vào ngày 9/9.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Ban kinh tế Ngân sách Hội đồng Nhân dân thành
phố sẽ quan tâm, giám sát, đánh giá các giải pháp đề ra nhằm phục vụ tốt
hơn nữa nhu cầu đi lại của người dân; đồng thời mong muốn cử tri thành
phố tiếp tục đóng góp ý kiến đối với phương thức trợ giá, thái độ phục
vụ trên xe buýt, ủng hộ đi xe buýt nhiều hơn, nhất là cán bộ, công chức,
viên chức... để hướng tới hạn chế phương tiện cá nhân, giảm tải ùn tắc
giao thông.
Bên cạnh đó, Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị
chính quyền thành phố tiếp tục trợ giá xe buýt; Sở Giao thông Vận tải
và các đơn vị liên quan hoàn thiện bộ định mức đơn giá, hỗ trợ lãi vay
đầu tư xe mới, bãi đỗ, quy hoạch luồng tuyến, vệ sinh trên xe, trạm dừng
xe buýt...
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Thanh Tùng, xã viên Hợp tác xã
Quyết Thắng cho rằng thành phố cần tiếp tục thực hiện việc trợ giá.
Với tình hình lượng hành khách đi xe buýt giảm, cách tính trợ giá chưa
sát với thực tế do bộ định mức được áp dụng từ năm 2009 đến nay đã có
nhiều thay đổi và không còn phù hợp. Do đó, ông Tùng kiến nghị thành phố
sớm ban hành bộ tiêu chí định mức đơn giá phù hợp với thực tế.
Tại chương trình, ông Trần Việt Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý
và phát triển Khu đô thị Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh kiến
nghị thành phố tiếp tục trợ giá xe buýt trong thời gian tới, giúp cho
sinh viên tiếp cận phương tiện công cộng giá rẻ, sử dụng thanh toán bằng
thẻ thông minh.
Mặt khác, Thành phố xây trạm dừng, nhà chờ và mở tuyến xe buýt nội bộ trong khu Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Để việc trợ giá xe buýt hiệu quả, khuyến khích người dân đi xe buýt tăng
cao trong thời gian tới, theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao
thông Vận tải thành phố, Trung tâm quản lý giao thông công cộng thành
phố, các hợp tác xã cần đầu tư đổi mới tư duy trong công tác quản trị,
đầu tư đổi mới phương tiện, thái độ phục vụ của lái xe, nhân viên xe
buýt khi phục vụ hành khách gắn với ứng dụng khoa học công nghệ.
Đồng thời, Trung tâm quản lý giao thông công cộng thành phố cần đổi mới
tư duy trong tạo nguồn thu từ quảng cáo xe buýt, hướng tới xã hội hóa hỗ
trợ việc trợ giá xe buýt và đấu thầu trợ giá cạnh tranh, minh bạch.
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng
Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết những năm qua, thành phố đã chi hàng
nghìn tỷ đồng để trợ giá cho hoạt động xe buýt và chính sách trợ giá
hiện nay của thành phố là trợ giá trực tiếp cho hành khách. Đây là chủ
trương đúng đắn, phù hợp với các mô hình của các nước trên thế giới.
Chính vì vậy, giá vé hợp lý là một trong những tiêu chí được người dân
đánh giá rất cao. Hiện nay, giá vé của Thành phố Hồ Chí Minh khá rẻ, phù
hợp với thu nhập của người dân./.
Hoàng Hải (TTXVN)